Nỗ lực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

12/09/2022 | 08:36 GMT+7

Sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Hậu Giang đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, đúc kết được những bài học kinh nghiệm để thúc đẩy nhanh việc đưa sản phẩm của tỉnh lên sàn TMĐT trong thời gian qua.

Cần nhiều hoạt động kết nối, giao lưu giữa các cơ sở, doanh nghiệp đã thành công trong kinh doanh trên môi trường TMĐT với các cơ sở mới tham gia.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 49 chủ thể với 105 sản phẩm OCOP, trong đó 56 sản phẩm công nhận đạt 3 sao và 49 sản phẩm đạt 4 sao. Công tác xúc tiến thương mại, khơi thông đầu ra cho các sản phẩm này hàng năm luôn được các cơ quan, đơn vị quan tâm. Đặc biệt là đưa lên sànTMĐT để vừa quảng bá và vừa tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, cũng như các đơn vị sở hữu sàn TMĐT tại Hậu Giang thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong ứng dụng công nghệ. Trong bối cảnh TMĐT trở thành hình thức mua hàng phổ biến, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Từng bước các hình thức kinh doanh trên sàn TMĐT giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng được ứng dụng rộng rãi.

Sở Công thương phối hợp cùng các đơn vị đã hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo tài khoản đăng ký bán hàng trên các trang như Voso, Postmart, Shopee, Lazada… Sơ kết công tác này, theo Sở Công thương tỉnh đến nay đã có tổng cộng 55 sản phẩm được đăng trên các trang TMĐT trong đó tính riêng 2 sàn Voso là 50 sản phẩm và Postmart là 55 sản phẩm. Báo cáo từ 2 sàn trên cho thấy kết quả doanh thu tiêu thụ hàng hóa trên các sàn giao dịch có nhiều khởi sắc. Sàn Voso có tổng cộng hơn 3.894 đơn hàng và postmart 4.678 đơn hàng, tổng doanh thu giao dịch đạt trên 1,92 tỉ đồng.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh là đơn vị có đã thực hiện Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản Hậu Giang từ khá sớm. Tâm huyết và trăn trở với công tác chuyển đổi số nông nghiệp cũng như quan tâm công tác tuyên truyền tham gia TMĐT cho các hộ nông dân, ông Bành Đức Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Dù lĩnh vực nông nghiệp TMĐT là môi trường kinh doanh khá mới mẻ với các hộ nông dân nhưng thực tế ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ khác, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh đã làm và có hiệu quả. Cần thiết tổ chức các buổi hội thảo, tổng kết, sơ kết, các đợt tập huấn, kết nối, giao lưu giữa những cơ sở đã hoạt động kinh doanh hiệu quả trên sàn TMĐT để chia sẻ kinh nghiệm, đúc kết bài học để từ đó các hộ nông dân vốn còn khá xa lạ với TMĐT sẽ dần bắt nhịp, học hỏi dễ dàng hơn thông qua các hoạt động sát thực tế.

Hội Nông dân tỉnh cũng là một trong các đơn vị làm cầu nối và phối hợp tích cực để nắm bắt nhu cầu và mang TMĐT đến gần với các hội viên. Ông Phạm Thanh Hoài, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông tin: Hội Nông dân của tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bưu điện tỉnh, hỗ trợ đưa các hộ nông dân hội viên hoạt động trên sàn TMĐT. Phối hợp với các địa phương rà soát và lập danh sách, nhu cầu các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đưa lên sàn TMĐT tổng cộng được 46.000 hộ, trong đó huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy đã hoàn thành. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức được 4 lớp tập huấn về rà soát đưa lên sàn giao dịch TMĐT cho với 295 hội viên.

Với góc nhìn của đơn vị có sàn TMĐT, trực tiếp làm việc hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ nông dân, cơ sở, hợp tác xã tham gia sàn TMĐT trong thời gian qua, bà Phạm Thích Chi, nhân viên Bưu điện tỉnh Hậu Giang, chỉ rõ: Thói quen bán hàng của các cơ sở, hợp tác xã chủ yếu là phương thức truyền thống, với sàn TMĐT còn khá mới, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều nên sau khi đưa sản phẩm lên sàn nhưng tương tác với khách hàng còn hạn chế, xác nhận các đơn hàng phát sinh còn gặp khó khăn. Sản lượng của các cơ sở còn ít, các loại đặc sản đông lạnh sẽ gặp rào cản khi vận chuyển xa. Do lượt tương tác chưa nhiều nên số lượng đơn hàng chưa phát triển như mong đợi. Ngoài ra, một số điểm hạn chế mà Sở Công thương tỉnh nhận định sau thời gian triển khai là ở điều kiện các cơ sở còn hạn chế, chưa trang bị thiết bị máy móc cũng như nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa quản trị vừa ứng dụng TMĐT. Các doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ nên chưa thật sự chú trọng khai thác môi trường trực tuyến…

Để ứng dụng TMĐT thật sự hiệu quả, trong thời gian tới cần sự đồng bộ, từ các khâu truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, vùng nuôi đến liên kết các hộ, tập huấn kỹ năng số và sử dụng các thiết bị di động thông minh để tiện lợi trong quá trình giao dịch trên sàn. Kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp để việc vận chuyển các loại nông sản dễ dàng, thuận tiện và đảm bảo chất lượng.

Bài, ảnh: T.TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>