Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản

24/08/2022 | 07:28 GMT+7

Hậu Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên các sản phẩm nông sản và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm nông nghiệp rất phong phú và đa dạng. Việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm, nhất là trên sàn thương mại điện tử hiện nay là hướng đi cần thiết.

HTX Kỳ Như, ở huyện Phụng Hiệp, là đơn vị khá linh hoạt khi đưa sản phẩm cá thát lát lên sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Đa dạng kênh tiêu thụ

Thời gian qua, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, việc giao thương đi lại hết sức khó khăn, nhất là giao thương truyền thống như: hội chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, công tác xuất nhập khẩu…, vì vậy việc tiêu thụ nông sản của tỉnh luôn ở vào thế bị động, sản phẩm ùn ứ, giá cả hàng hóa bấp bênh, gây bất lợi cho nông dân.

Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covd-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, thị trường hàng hóa sôi động trở lại, Sở Công thương Hậu Giang đã phối hợp với các sở, ngành liên quan có nhiều giải pháp quan trọng, đa dạng trong hoạt động xúc tiến thương mại như: Đặt các điểm OCOP tại các tỉnh, thành phố, nhất là những trung tâm lớn của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Đưa sản phẩm vào các siêu thị, chợ đầu mối; tổ chức nhiều hoạt động giao thương với doanh nghiệp các tỉnh; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để quảng bá và tiêu thụ, đồng thời, tổ chức khai thác tối đa thị trường trong nước và các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới để tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Công thương đã tổ chức ký kết với nhiều siêu thị lớn trong khu vực như: Siêu thị GO, siêu thị Co.opMart, MegaMart, VinMart, Hệ thống Bách Hóa Xanh, hỗ trợ đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị hiện đại. Ngoài ra, đã tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX của tỉnh ký kết 8 bản ghi nhớ với các siêu thị như Mega Market, Citi Mart, Lotte Mart. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp, HTX tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, mua bán với nhau trong thời gian tới.

Nhìn chung, việc đưa hàng hóa nông sản Hậu Giang vào các siêu thị hiện đại vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản địa phương ổn định và mục đích lớn hơn là nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông sản Hậu Giang trên thị trường.

Song song đó, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia vào các gian hàng giao dịch TMĐT trong nước phổ biến hiện nay như: Voso, PostMart... để tăng cường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tại sàn Voso đã đăng được 32 đơn vị với 76 sản phẩm, trong đó 58 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đã tiêu thụ hơn 32,4 tấn sản phẩm, trị giá 512 triệu đồng. Sàn PostMart đã đăng 47 đơn vị với 89 sản phẩm, trong đó 54 sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã tiêu thụ 4.032kg sản phẩm, trị giá 721 triệu đồng.

Làm quen môi trường kinh doanh qua mạng

Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, có thể nói kết quả bước đầu đạt được còn khiêm tốn, nhưng đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số và làm quen kinh doanh với môi trường không gian mạng, qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX Hậu Giang chuẩn bị hành trang cơ bản sẵn sàng bước vào môi trường kinh doanh mới trong điều kiện Công nghiệp 4.0 cũng như tham gia hội nhập kinh tế, quốc tế.

Các cơ sở sản xuất hiện nay rất đa dạng các kênh quảng bá sản phẩm từ trực tiếp đến trực tuyến.

Nhằm hỗ trợ gắn kết với việc tổ chức tiêu thụ trên sàn TMĐT, thời gian qua Sở Công thương đã phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt các điểm bán hàng OCOP của Hậu Giang tại các tỉnh như thành phố Cần Thơ; tỉnh Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Ngoài ra, còn hỗ trợ hơn 30 lượt doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia 3 kỳ hội chợ tại Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Tháp; 1 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại siêu thị Go Cần Thơ. Đặc biệt, còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành công Hội chợ công thương khu vực ĐBSCL và nhiều hội chợ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh thì việc kết nối tiêu thụ nông sản còn một số hạn chế như một vài doanh nghiệp, HTX chưa mạnh dạn tham gia vào quá trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nhất là xúc tiến thương mại ở những tỉnh xa hoặc còn ngại đưa lên sàn TMĐT. Sản phẩm hàng hóa của một vài đơn vị còn đơn điệu về mẫu mã, hình thức, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, có một số sản phẩm giá cả còn cao so với sản phẩm hàng hóa cùng loại trên thị trường. Nguồn cung chưa đảm bảo theo yêu cầu do sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ.

Vì vậy tới đây ngành chức năng tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng kết nối giữa các nhà cung ứng với các nhà phân phối để phát triển thị trường trong nước, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các địa phương, giữa các vùng miền thông qua hoạt động kết nối cung cầu. Từ đó, góp phần tích cực trong việc kết nối và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, làm việc với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị như Co.opMart, Bách Hóa Xanh, VinMart... và các đơn vị sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn để lên phương án, kế hoạch hỗ trợ bao tiêu, thu mua các loại nông sản cho bà con nông dân trong tỉnh.

Phối hợp với các ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương có diện tích trồng các loại nông sản chủ lực của tỉnh để tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường thu mua các loại nông sản cho người dân. Hiện trên địa bàn các huyện như: Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp có trên 110 vựa trái cây thu mua các loại nông sản trong tỉnh và các tỉnh, thành khác. Trong đó nhiều nhất là huyện Châu Thành với 89 vựa. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng trên các trang thương mại điện tử có uy tín như: Lazada, Soppe, Sendo, Tiki... để tăng số lượng tiêu thụ sản phẩm qua sàn TMĐT trên địa bàn.

Toàn tỉnh có 105 sản phẩm OCOP được công nhận. Có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 44 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt cấp vùng và 5 sản phẩm đạt cấp quốc gia.

 

Bài, ảnh: H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>