Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên không gian mạng

06/10/2022 | 08:33 GMT+7

Song hành với phương thức bán hàng truyền thống, các sàn thương mại điện tử ra đời trở thành kênh mua bán, phân phối hấp dẫn với hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp.

Song hành với kênh phân phối truyền thống, các sàn thương mại điện tử trở thành kênh phân phối mới giúp bà con nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, hoạt động thương mại truyền thống dần được tiến hành trực tuyến giúp các bên tham gia tăng hiệu suất bán hàng và năng lực cạnh tranh, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Các sàn thương mại điện tử ra đời với nhiều tiện ích, hỗ trợ tối đa cho nhà sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng. Song hành với kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới giúp bà con nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Kinh doanh nông sản và các mặt hàng qua chế biến trên các trang thương mại điện tử khoảng 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Thảo Tiên, ở phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Với tôi, kinh doanh trên không gian mạng không khó! Chỉ với một chiếc smartphone, vài thao tác trên các sàn thương mại điện tử khách hàng dễ dàng tìm được bất kỳ mặt hàng nào mình mong muốn. Gần đây, có thêm sàn thương mại điện tử dành riêng cho mặt hàng nông sản với mức độ tin cậy cao giúp người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối tìm hiểu thêm thông tin về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như nguồn gốc sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm”.

Nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp từng bước giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các các doanh nghiệp, hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối. Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội học hỏi, cọ sát, nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy rất mạnh mẽ lưu thông các nguồn hàng hóa nông sản. Khi tham gia vào thương mại điện tử, các chủ thể có thêm cơ hội mở rộng số lượng và đối tượng khách hàng, việc mua - bán diễn ra linh hoạt, hiệu quả bằng nhiều hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng trực tiếp giữa các bên hay thông qua các bên vận chuyển chuyên nghiệp, nhanh chóng.

Ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho rằng: Có thể thấy rằng Voso và Postmart là 2 sàn thương mại điện tử chiến lược, bởi có sẵn nền tảng Logictics vận hành. Theo chương trình của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hiện đã có hơn 60 sản phẩm của hợp tác xã trên địa bàn kết nối trên 2 sàn thương mại điện tử này. Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ liên kết với 2 đơn vị quản lý sàn Posmart và Voso để làm việc trực tiếp với các hợp tác xã, tăng cường tập huấn sâu hơn, nhất là về cơ chế vận hành, tham gia hợp hoạt đàm phán, cơ chế giao nhận hàng…

Bên cạnh đó, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tích cực áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng các công nghệ, để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình sản xuất và kinh doanh và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã xây dựng group zalo theo nhóm hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp và nhóm lĩnh vực phi nông nghiệp để trao đổi và chia sẻ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và kết nối thị trường giữa các hợp tác xã với nhau. Qua đây, nhiều đơn vị đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin qua Facebook, Zalo, đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số... Một số hợp tác xã xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang với mục tiêu hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh. Thu hút đầu tư phát triển công nghệ số, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo phát triển và ứng dụng công nghệ số tạo ra các dịch vụ mới.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Hậu Giang đang đẩy mạnh công tác triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình, đề án, chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 503 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và hợp tác xã… Qua đây, giúp phong trào kinh tế tập thể của tỉnh phát triển khá mạnh, sôi động, trên cơ sở đó tiếp cận và phát huy lợi thế và thế mạnh trong phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh năm 2023, phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn.

Tại diễn đàn Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các bộ, ngành, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; UBND các tỉnh, thành phố, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan, phải đổi mới tư duy, nhận thức, có tầm nhìn xa, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đưa khu vực kinh tế tập thể phát triển xứng tầm. Cần đẩy mạnh chuyển đổi số xuyên suốt từ sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại điện tử; bám sát thực tiễn, đảm bảo tính kế thừa và có đổi mới, sáng tạo.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện nay cả nước có trên 28.200 hợp tác xã, trong đó có trên 18.700 hợp tác xã nông nghiệp và trên 9.400 hợp tác xã phi nông nghiệp. Theo kết quả khảo sát của đơn vị chuyên môn, 83,5% hợp tác xã đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% hợp tác xã đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% hợp tác xã có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.

 

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>