Chuyển đổi số cùng công nghệ AI

13/08/2022 | 15:24 GMT+7

Công nghệ AI (Artifical Intelligence), còn được gọi là trí tuệ nhân tạo, là một trong những công nghệ đang được quan tâm và ứng dụng nhất hiện nay. Tại Hậu Giang, công nghệ này cũng dần phổ biến trong nhiều lĩnh vực để phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Với sự trợ lực của công nghệ AI, người nông dân có thể nắm rõ tình trạng cây lúa và có hướng xử lý hiệu quả hơn.

Công nghệ của tương lai

Công nghệ AI là công nghệ sử dụng đến kỹ thuật số, có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người. Công nghệ này mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người. Đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao.

Từ những năm 1950, ông John McCarthy, nhà khoa học máy tính người Mỹ lần đầu tiên đề cập đến công nghệ AI. Từ đó, công nghệ này được quan tâm, nghiên cứu và phát triển liên tục trong hơn 7 thập kỷ qua. Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, công nghệ AI đã tăng tốc và phát triển với số công bố sáng chế liên quan ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ công nghệ này đã thực sự mang lại hiệu quả về mặt ứng dụng và có khả năng nhân rộng trong tương lai.

Với những tính năng đa dạng như cung cấp dịch vụ mua sắm ảo, ngân hàng trực tuyến, tự động hóa, các hệ thống chuyên gia, nhận dạng tiếng nói và thị giác máy tính nhận diện khuôn mặt, vật thể hoặc chữ viết), ước tính đám đông, trả lời tự động,… công nghệ AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, ngân hàng, an ninh, vận tải, viễn thông… Công nghệ này giúp giảm tải nguồn nhân lực, giảm chi phí đầu tư sản xuất, hợp lý hóa chẩn đoán trong chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp phát triển và thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Theo dự báo của Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính PwC, đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Do đó, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào các lĩnh vực là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

AI đang và sẽ ứng dụng tại Hậu Giang như thế nào ?

Tại Hậu Giang, công nghệ AI không còn quá xa lạ với người dân khi đã có một số ứng dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tiêu biểu là khi sử dụng điện thoại thông minh, với các tính năng như: nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói, trợ lý ảo, cải thiện khả năng chụp hình, xử lý hình ảnh, tiết kiệm điện năng, nâng cao bảo mật,… đều là công nghệ AI. Anh Trần Phát Thanh Danh, ở khu vực 5, phường VII, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nhận diện khuôn mặt là một tính năng mà tôi rất quan tâm khi chọn mua điện thoại, bởi vì nó khá tiện dụng. Nhận diện khuôn mặt để mở khóa điện thoại giúp tôi bảo đảm được sự riêng tư và đỡ mất thời gian để nhập mật khẩu hay vẽ mẫu hình như trước đây”.

Bên cạnh đó, công nghệ AI còn được ứng dụng vào một số lĩnh vực khác như các phần mềm chấm thi trong giáo dục, đánh giá tín dụng trong ngân hàng,…

Trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ AI hứa hẹn là sẽ mang lại nhiều ứng dụng hữu ích đối với người nông dân. Ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart, cho biết: “Bên cạnh việc cung cấp các phương tiện bay không người lái phục vụ cho nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi còn có ứng dụng Trúng mùa, được cài trên điện thoại. Trong đó, chúng tôi ứng dụng công nghệ AI, dùng trí tuệ nhân tạo, người dùng chỉ cần chụp hình sâu bệnh, ứng dụng sẽ cho biết loại đó cần dùng thuốc gì, canh tác ra sao, về sinh học, hóa học thì trị như thế nào”. Qua đó, trợ lực cho nhà nông trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Tại Hội thi Tin học trẻ tỉnh năm nay, công nghệ AI đã được các em học sinh quan tâm, ứng dụng trong một số sản phẩm như: “Ứng dụng công nghệ AI trong quản lý sâu bệnh trên lúa” của nhóm tác giả Mai Đại Dương và Võ Thị Ngọc Anh, Trường THCS Lương Tâm, huyện Long Mỹ; “TSP tích hợp: Nhận diện khẩu trang với OpenCV, Keras/Tensorflow và Deep Learning” của tác giả Huỳnh Quốc Thanh, Trường THCS Thuận An, thị xã Long Mỹ. Các sản phẩm đã cho thấy sự quan tâm, hứng thú của thế hệ trẻ đối với công nghệ của tương lai này.

Tuy nhiên, để công nghệ AI được ứng dụng hiệu quả tại tỉnh, cần có những bước nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh: “Về quan điểm của chúng tôi, công nghệ này nên xem xét và ứng dụng ngay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không hô hào những gì mang tính chất hào nhoáng, mà chúng ta sẽ tìm cơ sở để ứng dụng cho từng mảng một, dựa những khảo sát và đánh giá cụ thể. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp để đưa những công nghệ mới, không chỉ AI mà còn nhiều công nghệ khác để phục vụ cho chuyển đổi số tại địa phương trong thời gian tới”.

Với những triển vọng đó, công nghệ AI hứa hẹn sẽ là công nghệ của tương lai, góp phần vào quá trình chuyển đổi số, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước trong thời gian tới.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>