Bắt nhịp thương mại điện tử

20/12/2021 | 08:22 GMT+7

Thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Hậu Giang dần phát triển đồng bộ giữa người bán và người mua. Các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp xem đây là yếu tố then chốt, chủ động nắm bắt cơ hội và trợ lực từ ngành chức năng để khắc phục những khó khăn về khoảng cách địa lý cũng như nguồn lực trong hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống.

Các chủ cơ sở, hợp tác xã chủ động học hỏi cách đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT để quảng bá và tiêu thụ tốt hơn.

Các cơ sở không ngại tiếp cận cái mới

Nhiều lần có mặt tại Sở Công thương tỉnh trong những buổi hướng dẫn đưa hàng hóa lên các sàn giao dịch điện tử, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, cơ sở trà mãng cầu Ánh Nguyệt, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, đã thao tác khá thành thục. So với lần đầu tiếp cận với cách làm mới cách đây mấy tháng, sản phẩm của bà đã đăng bán trên các trang TMĐT với hình ảnh đẹp, thông tin đầy đủ, rõ ràng. Để làm được như vậy, bà Nguyệt chịu khó thao tác thường xuyên để quen tay, nhờ người thân nhanh nhạy với công nghệ hơn nắm bắt để về hướng dẫn lại nếu bản thân có lỡ quên.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Hiện tại mới tập tành, số lượng bán ra chưa thể so với trước đây, nhưng dần dà cũng đã có khách xa đặt hàng. Quan trọng là giờ mình không thể đi giới thiệu trực tiếp, đi quảng bá tại hội chợ gần xa nên phải học hỏi cách mới. Người dân hiện nay mua hàng qua mạng rất nhiều, các chủ cơ sở trẻ nhanh nhạy thích ứng thì mình cũng tập làm người bán hàng qua mạng để bắt nhịp mới đứng vững và tiếp tục cạnh tranh được”.

Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Huy Minh, cơ sở sản xuất nước màu khóm Huy Minh, khu vực 1, phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết buôn bán trong đại dịch gặp trở ngại rất lớn là khó khăn chung của cơ sở của ông và các cơ sở nhỏ trên địa bàn tỉnh. Thông qua cách làm trực tuyến thì khâu quảng bá sẽ vượt khoảng cách địa lý, phần nào giúp tiêu thụ sản phẩm khởi sắc hơn. Qua hỗ trợ của ngành chức năng, ông Minh mong muốn đưa hết sản phẩm lên các sàn thương mại càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bản thân các cơ sở cần tự lực nghiên cứu, áp dụng các chính sách bán hàng, giao hàng, quy cách thiết kế phù hợp với đặc thù sản phẩm.

Lợi ích từ cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mang lại là rất lớn, tuy nhiên mỗi cơ sở cũng tính đến cách làm riêng, phù hợp với tình hình, quy mô và loại sản phẩm. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Sản phẩm cá thát lát chế biến đa số là hàng đông lạnh, vận chuyển đi xa là một trở ngại. Giải pháp là hợp tác xã tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống kênh phân phối truyền thống, tạo mạng lưới dày đặc hơn ở các tỉnh, thành. Mặt khác sẽ linh hoạt xử lý khi có đơn hàng phát sinh từ trang TMĐT, kết nối với đại lý để rút ngắn thời gian và đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng nhanh và không giảm chất lượng.

Trợ lực để “chợ ảo” mang lại giá trị thực

Non trẻ hơn so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thị trường TMĐT tại Hậu Giang còn tương đối nhỏ và đang tăng trưởng. Theo báo cáo tình hình phát triển TMĐT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, khoảng 30% người dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên sử dụng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động như Lazada, Shopee, Sendo và các trang TMĐT bán hàng phổ biến khác. Doanh số trong giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tăng khoảng 20%/năm. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm, một bộ phận người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội, các công cụ bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch và tương tác trên môi trường mạng.

Cùng với sự chủ động của các cơ sở, hợp tác xã, các sở, ngành, địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Kịp thời trợ lực và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trên địa bàn tỉnh thích ứng và phát triển, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Mục tiêu của đơn vị là sẽ phối hợp tích cực với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đưa tất cả sản phẩm chủ lực và OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT, có hình thức hỗ trợ thực chất như 100% phí đăng ký gian hàng và 50% kinh phí thanh toán đơn hàng thành công trên các sàn TMĐT. Hiện các đơn vị chuyên môn đang tổng hợp nhu cầu của các cơ sở để đề xuất hỗ trợ trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng có sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang phối hợp Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp Việt Nam xây dựng. Các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có thể đăng ký trên sàn, ghi nhật ký điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc, tự tạo mã QR và đưa sản phẩm lên sàn để tiếp cận đơn vị thu mua. Ngoài ra, còn có thông tin vùng nguyên liệu gắn với truy xuất địa lý để các doanh nghiệp có thể liên hệ hợp tác dễ dàng hơn.

Các hoạt động hợp tác, học tập kinh nghiệm phát triển TMĐT không chỉ bó hẹp trong phạm vi trong tỉnh, mà còn rộng ra các tỉnh, thành lân cận. Mới đây, Sở Công thương Hậu Giang và Cần Thơ đã ký kết hỗ trợ ứng dụng TMĐT, nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của hai địa phương. Đồng thời liên kết đào tạo ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp, cơ sở, thúc đẩy quảng bá hàng hóa Hậu Giang và Cần Thơ, nhất là sản phẩm đặc sản, OCOP.

Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay có 28 cơ sở, doanh nghiệp và hợp tác xã đã mở gian hàng với tổng cộng 54 sản phẩm được đăng bán qua các trang PostMart, Voso, Shopee… góp phần tiêu thụ hơn 30 tấn sản phẩm các loại. Đơn vị đang thực hiện Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2021 tại Hậu Giang. Theo đó, hỗ trợ 20 phần mềm bán hàng thông minh cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT, công nghệ số và góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về mức độ phát triển TMĐT.

 

Bài, ảnh: T.TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>