Tổ chức lại sản xuất, tăng lợi nhuận cho mô hình nông nghiệp

04/08/2022 | 09:13 GMT+7

Từ lâu việc liên kết 4 nhà gồm “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp. Ngành chức năng huyện Long Mỹ đã luôn quan tâm thắt chặt mối liên kết này thông qua các cải tiến tổ chức, đổi mới phương thức lẫn mô hình sản xuất giúp tăng cường hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình sạ hàng định vị như cấy giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuậnso với mô hình bên ngoài khá nhiều.

Mới đây, Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh được địa phương triển khai quyết liệt. Ngành khuyến nông huyện triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn nuôi bò cái sinh sản cho 3 nông hộ với tổng kinh phí hơn 475 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 238 triệu đồng. Ông Danh Hoàn, hộ dân tham gia chương trình chia sẻ: “Nhà nông chúng tôi rất cần mô hình gia tăng thu nhập nhưng không có vốn để mua bò. Năm nay, được địa phương hỗ trợ bò giống và kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn nên nhà tôi cũng nhẹ nhàng trong đầu tư chi phí đầu vào. Hơn nữa, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nuôi theo hướng khép kín, tuần hoàn giúp mô hình tăng thêm thu nhập phụ, giảm ô nhiễm môi trường so với cách làm cũ.

Theo chương trình, 3 nông hộ sẽ được hỗ trợ 24 bò giống và 2.880kg thức ăn. Nông dân đã được tập huấn kỹ thuật nuôi theo phương thức: thu phân bò nuôi trùn quế, sau đó thu trùn quế làm thức ăn cho lươn, nguồn phân của trùn quế sẽ được tận dụng bón cho cỏ, cây cỏ sẽ được mang đi tạo nguồn thức ăn cung cấp ngược lại cho đàn bò.

Cùng với ngành khuyến nông, ngành bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ cũng triển khai rất nhiều mô hình hiệu quả giúp hạ giá thành sản xuất, gia tăng thu nhập cho nông hộ. Đặc biệt, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng cao, nhất là giá một số loại phân bón cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ, một số nông dân vẫn còn tập quán sản xuất sạ dày, bón thừa phân đạm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây hại phát sinh, phát triển buộc nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần trong vụ vô tình làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất, gia tăng chi phí và giảm chất lượng hạt gạo. Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, nhằm giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết và sinh vật gây hại, giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân trong vụ Đông xuân 2021-2022, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện một số mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa vụ Đông xuân 2021-2022 và vụ lúa Hè thu 2022.

Cụ thể là mô hình “sạ hàng định vị như cấy” được thực hiện từ tháng 12-2021 đến tháng 4-2022 với diện tích thực hiện 13,16ha. Sau khi thực hiện, mô hình đã giúp nông dân nhận thấy một số kết quả như: giảm mật độ gieo sạ 80kg giống/ha so với tập quán canh tác thông thường 125kg/ha; giảm lượng phân bón 65kg phân/ha; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 7 lần phun so với ruộng đối chứng là 13 lần phun; tỷ lệ đổ ngã của cây lúa cũng giảm xuống 12%. Hiệu quả kinh tế khi áp dụng mô hình giúp giảm được chi phí từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động là trên 8,3 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Năng suất ruộng mô hình là 7,98 tấn/ha, còn ruộng nông dân là 7,69 tấn/ha, chênh lệch 0,29 tấn/ha. Giá thành sản xuất lúa ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng, cụ thể ruộng mô hình là 2.478 đồng/kg, ruộng đối chứng 3.687 đồng/kg. Lợi nhuận của mô hình vượt 30 triệu đồng/ha, ruộng đối chứng là 20 triệu đồng/ha, chênh lệch hơn 10 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Ngoài mô hình trên, các mô hình giảm lượng phân bón, lợi nhuận của mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng từ 3,5-4,1 triệu đồng/ha. Tiếp theo thành công này, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện còn triển khai các mô hình sạ hàng định vị như cấy thêm 22 mô hình với diện tích 16,85ha; mô hình cánh đồng sinh thái; mô hình cánh đồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để phòng trừ sâu, rầy; mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả; mô hình sử dụng phân rơm hữu cơ bón lót cho lúa để giảm giá thành sản xuất lúa vụ Hè thu...

Nhìn chung, các chương trình tái cơ cấu bước đầu đã tạo được sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực nông thôn, tiến bộ khoa học công nghệ được đưa vào ứng dụng trong sản xuất. Hiện nay đã có một số tổ sản xuất, hợp tác xã thực hiện các khâu từ sản xuất đến kinh doanh sản phẩm, tạo nên chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn. Đông đảo doanh nghiệp thực hiện liên kết với HTX, hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Mối liên kết 4 nhà dần xích lại, chặt chẽ, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả sẽ phần nào giúp mô hình bền vững và đời sống nông dân giảm bấp bênh...

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>