Tất bật chuẩn bị vào vụ thu hoạch mía

08/09/2021 | 09:23 GMT+7

Để vụ thu hoạch và tiêu thụ mía sắp tới đạt hiệu quả trên các mặt, hiện ngành chức năng và nhà máy đường trong tỉnh tất bật chuẩn bị nhiều công việc quan trọng.

Người dân trong vùng mía nguyên liệu của tỉnh đang củng cố các tổ thu hoạch mía để sẵn sàng vào vụ đốn chặt (ảnh tư liệu).

Củng cố lực lượng thu hoạch mía

Sau khi Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) có thông tin chính thức về việc Nhà máy đường Phụng Hiệp - thuộc Casuco sẽ không tạm dừng hoạt động ở niên vụ ép 2021-2022 sắp tới mà tiếp tục sản xuất để thu mua mía cho người dân theo kế hoạch. Vì vậy, thông tin trên đã làm cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh cảm thấy phấn khởi và an tâm; đồng thời bà con đang củng cố lực lượng thu hoạch mía để sẵn sàng vào vụ sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Triệu, hộ có hơn 1ha mía ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nông dân trồng mía ở ấp này hiện rất phấn khởi vì Nhà máy đường Phụng Hiệp không tạm dừng sản xuất. Mặt khác, toàn ấp có 3 tổ (mỗi tổ hơn 20 thành viên) chuyên thu hoạch mía thuê cho người dân cũng đang tất bật chuẩn bị ghe chở mía và kiểm tra lại dụng cụ đốn chặt của mình để sẵn sàng đi kiếm nguồn thu nhập khi vụ thu hoạch mía bắt đầu”.

Theo báo cáo từ ngành chức năng huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy thì hàng năm tổng số tổ thu hoạch mía thuê cho người dân dao động từ 120-150 tổ và mỗi tổ thường có 16-18 người. Với số lượng nhân công thu hoạch mía như trên thì dự kiến mỗi ngày sẽ có từ 50-60ha mía của bà con được thu hoạch và đem ra bãi tập kết để cân cho thương lái đi mua mía chở về nhà máy đường tiêu thụ.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Địa phương đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương có mía trong huyện tổ chức rà soát lại tình hình hoạt động thực tế của các tổ thu hoạch mía; từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp trong việc khoanh vùng và điều tiết nhân công đốn chặt được phù hợp khi vào vụ thu hoạch sắp tới.

Đến thời điểm này, Casuco đã ký hợp đồng bao tiêu mía cho người dân trong vùng mía nguyên liệu của công ty được 380ha (đất đã trừ mương liếp), tương đương sản lượng khoảng 44.778 tấn mía cây, với giá sàn bảo hiểm là 1.000 đồng/kg (mía 10 chữ đường cân tại cầu cảng nhà máy). Riêng tại vùng mía của tỉnh Hậu Giang (gồm huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy), diện tích mía được Casuco ký hợp đồng bao tiêu là 309ha, tương đương sản lượng khoảng 37.111 tấn mía cây.     

Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco, khẳng định: “Những diện tích mía được Casuco ký kết hợp đồng thì khi vào vụ sản xuất, Casuco cam kết thu mua hết số lượng mía cho người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Riêng những diện tích mía chưa được Casuco ký kết hợp đồng thì công ty cũng cam kết thu mua hết diện tích khi bà con đồng ý bán cho Casuco”.

 

Đề xuất nhà máy đường vào vụ sớm

Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi vào vụ thu hoạch mía thì ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (địa phương đang có diện tích mía lớn nhất tỉnh khi còn hơn 4.000ha mía chưa thu hoạch) đề nghị Casuco xem xét cho Nhà máy đường Phụng Hiệp vào vụ sản xuất sớm hơn kế hoạch dự kiến là ngày 15-11 tới. Cụ thể, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đề nghị Casuco có thể vào vụ ép mía từ ngày 15-10 tới nhằm thu hoạch kịp thời nhiều diện tích mía khi đến ngày chín, đồng thời việc vào vụ sớm cũng nhằm chủ động phòng ngừa trường hợp có lũ lớn xuất hiện, nông dân phải đốn mía chạy lũ.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin thêm: Niên vụ mía 2020-2021, nông dân huyện Phụng Hiệp xuống giống được 4.725ha. Đến nay, bà con đã bán được hơn 600ha mía chục (mía làm nước giải khát), diện tích mía còn lại đang trong giai đoạn từ 7-8 tháng tuổi. Qua rà soát thì đến ngày 15-10, huyện Phụng Hiệp có khoảng 800ha mía (thuộc giống mía chín sớm là ROC 16) cần được thu hoạch vì đã chín, sang đầu tháng 11 thì tiếp tục có thêm khoảng 500ha và đến ngày 15-11 có thêm khoảng 700ha. Như vậy, nếu cộng dồn lại thì địa phương có khoảng 2.000ha mía cần thu hoạch sớm hơn ngày 15-11. Những diện tích mía cần thu hoạch sớm trên nếu bị kéo dài thì khả năng gây thiệt hại về năng suất cho nông dân là khá lớn nên rất cần nhà máy đường vào vụ sớm hơn dự kiến đề ra.

Trước đề xuất của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, lãnh đạo Casuco cho biết là đơn vị sẽ triển khai công tác kiểm tra, tu bổ và bảo dưỡng thiết bị tại Nhà máy đường Phụng Hiệp trên tinh thần cố gắng tối đa. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc cung ứng vật tư và công việc sửa chữa tại lò hơi phải thuê đơn vị chuyên môn từ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội vào, nhưng theo quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 thì lực lượng ngoài tỉnh khi vào Hậu Giang phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày nên sẽ mất thêm khoảng thời gian nhất định. 

“Trong thời điểm gấp rút sửa chữa trang thiết bị và ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay, thế nhưng chúng tôi xác định và cam kết chấp nhận mọi phí tổn, cố gắng tăng ca để công tác sửa chữa tại Nhà máy đường Phụng Hiệp được nhanh nhất có thể nhằm đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động. Mục tiêu là thế, nhưng mọi công việc vẫn phải đảm bảo an toàn tính mạng công nhân, cũng như an toàn thiết bị đúng với quy phạm pháp luật và an toàn phòng, chống dịch Covid-19”, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, cho hay.

Ngoài vấn đề sửa chữa trang thiết bị tại Nhà máy đường Phụng Hiệp thì tình hình lao động cho nhà máy khi vào vụ sản xuất cũng là nỗi lo lớn của Casuco trong lúc này. Bởi theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy đường Phụng Hiệp thì lực lượng lao động hiện có của nhà máy chỉ 80 người (có 44 lao động ở thành phố Ngã Bảy), trong khi nhu cầu của đơn vị cần đến 154 người. Do đó tới đây, Casuco sẽ tiến hành tuyển thêm lao động nhưng được dự đoán là sẽ khó khăn trong điều kiện dịch bệnh. Mặt khác, Casuco sẽ xây dựng phương án 3 tại chỗ khi vào vụ sản xuất và 1 cung đường 2 điểm đến trình ngành chức năng thẩm tra, phê duyệt để doanh nghiệp triển khai thực hiện sớm nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trước, trong và sau sản xuất.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo thành phố Ngã Bảy hỗ trợ tối đa để Casuco sớm hoàn thành công tác sửa chữa tại Nhà máy đường Phụng Hiệp nhằm có thể sớm vào vụ sản xuất, cũng như xem xét phê duyệt phương án sản xuất cụ thể của Casuco trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, khi vào vụ sản xuất thì lưu ý Casuco về việc lựa chọn và sử dụng lao động như thế nào cho phù hợp, trước mắt là ưu tiên sử dụng lao động trong tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, đề nghị ngành chức năng có liên quan và các cấp chính quyền có vùng mía nguyên liệu trong tỉnh tổ chức phối hợp chặt với Casuco trong công tác thu hoạch mía, nhân công đốn chặt, đồng thời tạo điều kiện thuận tiện cho vận chuyển mía về nhà máy đường trong tình hình dịch Covid-19...

Ngành nông nghiệp Hậu Giang cho biết diện tích trồng mía năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 5.040ha. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được 801ha để bán mía chục, giá bán từ 1.000-1.600 đồng/kg, năng suất trung bình đạt 100 tấn/ha. Về cơ cấu giống mía chín sớm ROC 16 chiếm đến 72%; giống mía chín trung bình và muộn là K88-92 chiếm 14,4% và giống KK3 chiếm 12,6%; các giống khác chiếm 1,1%. Hiện tại, các rẫy mía có thời gian sinh trưởng từ 7-9 tháng tuổi.     

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>