Tạo hướng đi mới cho trái mãng cầu xiêm

04/09/2023 | 12:42 GMT+7

Để đưa trái mãng cầu xiêm và sản phẩm từ trái mãng cầu xiêm vươn xa trên thị trường, thời gian qua các nhà vườn đã mạnh dạn ứng dụng tiêu chuẩn GAP vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả.

Mãng cầu xiêm đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP sẽ ngày càng vươn xa hơn trên thị trường. Ảnh: D.KHÁNH

Canh tác gần 1ha mãng cầu xiêm 5 năm tuổi, những năm trước, ông Mai Văn Sơn, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chủ yếu làm theo cách truyền thống, sử dụng phân thuốc hóa học theo cảm tính. Nhưng năm qua, khi tham gia cùng HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ làm quy trình GlobalGAP, ngoài việc xây dựng kho bãi theo quy định, ông Sơn còn tuân thủ việc sử dụng phân thuốc theo hướng dẫn. Nhờ vậy mà mãng cầu của gia đình ông đạt tiêu chuẩn sạch, được thương lái thu mua với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Hồi đầu năm nay, ông thu hoạch hơn 1 tấn trái cung ứng cho thị trường với giá 24.000 đồng/kg mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Ông Sơn chia sẻ: “Khi mới bắt tay làm quy trình GlobalGAP cho mãng cầu thì nhà vườn ở đây cũng khá bỡ ngỡ. Nhưng dần dần cũng quen, những tập quán sản xuất cũ đều được thay thế bằng những kỹ thuật sản xuất mới, như việc sử dụng phân thuốc phải có thời điểm chứ không phải theo quán tính như trước đây. Từ đó cũng phần nào giúp cho nhà vườn giảm được một phần chi phí đầu tư”.

Ông La Văn Nhiều, nhà vườn trồng mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết thêm: “Áp dụng quy trình GlobalGAP nhà vườn sản xuất mãng cầu hiện nay cũng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nếu sử dụng thì chỉ dùng những loại nằm trong danh mục cho phép. Riêng gia đình tôi thì áp dụng việc bao trái và kỹ thuật chấm nụ để cho trái tròn đều, năng suất sẽ cao hơn và sạch bệnh”.

Để nâng cao chất lượng trái mãng cầu xiêm, hai năm qua HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đã liên kết với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Dự án có 17 hộ tham gia với diện tích 20ha. Sau 2 năm thực hiện dự án đã đạt tất cả các tiêu chí đề ra như: Chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho mãng cầu gai, quy mô 20ha, năng suất trung bình 30 tấn/ha, tương đương 600 tấn trái. Thử nghiệm tem điện tử QR code truy xuất nguồn gốc. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường GlobalGAP “Mãng cầu Hậu Giang’’. Sản xuất và chế biến trà mãng cầu gai chất lượng cao theo tiêu chuẩn trà của Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chứng nhận GlobalGAP bao gồm quy trình nhiều bước và thực hiện rất phức tạp, nhưng thời gian qua Trung tâm và HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đã phối hợp nhịp nhàng để xây dựng thành công chứng nhận. Tiếp bước thành công của chứng nhận, dự án còn một phần là sản xuất trà mãng cầu, vì vậy trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với HTX triển khai trong thời gian tới”.

Với diện tích hơn 50ha, HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1.000 tấn trái. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng đều bán dưới dạng trái thô, giá trị đạt không cao. Với tham vọng đưa trái mãng cầu xiêm xuất ngoại, năm qua HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đã mạnh dạn nhận và thực hiện hai dự án sản xuất mãng cầu xiêm theo quy trình GlobalGAP do Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh triển khai với tổng diện tích 30,2ha. Mục tiêu hướng tới là để tạo ra trái mãng cầu sạch phục vụ cho các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Lãnh đạo HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ cho biết hướng tới sẽ tập trung sản xuất trái theo chiều sâu. Do đó từ năm 2023 trở đi HTX sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm từ mãng cầu như: trà mãng cầu, mãng cầu sấy dẻo hay mứt mãng cầu để cung ứng cho thị trường để góp phần nâng cao giá trị cho trái mãng cầu Hòa Mỹ.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 692ha mãng cầu xiêm, được người dân trồng chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ. Trong đó, có nhiều diện tích được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Thông tin từ nhiều nhà vườn trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn tỉnh, hiện thương lái vào tận vườn thu mua trái mãng cầu xiêm có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Mặc dù giá bán trái mãng cầu xiêm đang giảm nhưng nhà vườn vẫn có mức lợi nhuận hấp dẫn. Hiện nay, trái mãng cầu không chỉ được các tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu trái tươi mà còn chế biến nhiều sản phẩm để xuất khẩu, nhất là chế biến trà mãng cầu và sản phẩm mãng cầu đông lạnh...

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, sản phẩm sạch, an toàn với môi trường và người lao động. Riêng đối với trái mãng cầu xiêm, thực hiện theo tiêu chuẩn GAP còn mở ra thêm hướng phát triển về sản phẩm sau chế biến để kỳ vọng xuất khẩu. Tới đây, ngành sẽ đẩy mạnh chỉ đạo mở rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn có thị trường tiêu thụ tốt để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá mới về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong nông nghiệp. Tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản chủ lực của tỉnh, trong đó ưu tiên xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đầu tư hạ tầng thủy lợi kết hợp giao thông cho các vùng cây ăn quả tập trung gắn với xây dựng hạ tầng nông thôn mới, để tạo thuận lợi cho nhà vườn thực hiện rải vụ, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>