Tăng cường phòng bệnh cúm gia cầm

24/05/2023 | 18:28 GMT+7

Ngành nông nghiệp tỉnh đang tăng cường giám sát, quản lý tổng đàn và triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền phòng bệnh cúm gia cầm. Quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra trên  địa bàn.

Tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn sự xuất hiện của dịch bệnh.

Cảnh giác với dịch bệnh

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm, chim hoang dã) và động vật có vú. Bệnh do vi-rút tuýp A gây ra. Một số chủng vi-rút rất nguy hiểm nếu lây nhiễm sang người. Vì vậy, việc phòng và ngăn chặn dịch bệnh trong chăn nuôi phải được đặt lên hàng đầu. Tại Hậu Giang, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trên động vật thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ đó, nâng cao kiến thức phòng bệnh, giúp người chăn nuôi chủ động bảo vệ đàn hiệu quả.

Vào giai đoạn thời tiết giao mùa, nắng mưa đan xen như hiện nay, ông Hồ Văn Tâm, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cảnh giác cao với các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm. Ông Tâm cho biết, để giảm thiểu tối đa rủi ro xuất hiện dịch bệnh, tôi thường xuyên sát trùng, khử khuẩn, rải vôi bột quanh khu vực nuôi nhốt. Lối ra vào chuồng trại, những chỗ ẩm thấp thì rải thêm vôi bột. Điều quan trọng là phải nắm vững kiến thức phòng bệnh, các biểu hiện bệnh cúm gia cầm, để kịp thời xử lý nếu có biểu hiện bất thường trên gia cầm.

Là một trong những hộ chăn nuôi lâu năm, anh Nguyễn Thành Lập, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Ngoài những đợt phun khử trùng định kỳ do cán bộ thú y thực hiện, tôi luôn dự trữ hóa chất, vôi bột để phun tiêu độc chuồng trại, rải ở lối ra vào. Với đàn gà gần 100 con, sau mỗi đợt nuôi và xuất bán, tôi dành khoảng 1 tháng để cách ly với đợt nuôi mới. Cũng trong thời gian này, tôi vệ sinh, làm sạch chuồng rồi mới thả con giống vào. Để thận trọng hơn, ngoài bệnh cúm gia cầm, tôi chủ động liên hệ thú y cơ sở để tiêm phòng các bệnh thông thường khác như ecoli, dịch tả, gumboro… Nhờ chăm sóc kỹ, cộng với tiêm phòng đủ liều, đúng bệnh nên mấy năm nay gia đình tôi có thêm nguồn thu khá từ chăn nuôi”.

Theo cơ quan chức năng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là trong mùa mưa cần thực hiện đồng bộ từ khâu chăm sóc nuôi dưỡng đến công tác thú y để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Tiên quyết là phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ. Một trong những giải pháp hữu hiệu cần được quan tâm đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Hậu Giang tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia cầm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, vi-rút cúm gia cầm tiếp tục hoành hành tại các nước châu Á, trong đó một số nước đã phát hiện các ca nhiễm sang người và gây tử vong thuộc chủng vi-rút mới có độc lực cao. Để phòng, chống bệnh cúm gia cầm đạt hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh tiêu độc, sát trùng; tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện tiêm phòng vắc-xin, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh.

Cơ quan chức năng khuyến cáo bà con khi mua gia cầm về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, không mua gia cầm bán rong ngoài đường. Gia cầm mới mua phải nuôi cách ly ít nhất 3 tuần và theo dõi hàng ngày. Tốt nhất nuôi theo công thức “cùng vào, cùng ra”. Gia cầm mua từ tỉnh khác về nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phải chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm do cơ quan thú y và chính quyền địa phương thực hiện. Đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh.

Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh phòng bệnh, cung cấp thức ăn đủ dưỡng chất để gia cầm khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thông thoáng, mật độ nuôi hợp lý. Thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải. Tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng các chất sát trùng như vôi bột, Benkocid, Virkon, Formol… mỗi tuần 1-2 lần.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, thông tin thêm: Người chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia cầm hàng ngày phải chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn gia cầm để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện gia cầm chết nhanh, chết nhiều, bệnh lây lan nhanh cần khai báo ngay cho Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, bà con cần thực hiện tốt “5 không” (không nuôi thả rông gia cầm; không buôn bán, vận chuyển gia cầm bệnh, chết; không ăn thịt gia cầm bệnh, chết; không được giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường). Thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy đàn gia cầm bệnh, vệ sinh tiêu độc sát trùng ổ dịch theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản hoặc chính quyền địa phương. Ngoài ra, người chăn nuôi phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tắm, vệ sinh sát trùng theo quy định trước và sau khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng gia cầm.

Kê khai, đăng ký chăn nuôi với UBND xã, phường, thị trấn để được hỗ trợ, phối hợp tốt với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định. Các trường hợp cố tình không khai báo dịch; mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh; vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch hợp lệ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>