Sầu riêng lên ngôi, nhưng cần hướng đi căn cơ

11/06/2024 | 18:13 GMT+7

Sau thời gian sốt giá từ 120.000-210.000 đồng/kg (tùy loại giống), thì nay giá sầu riêng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo hàng chục lô hàng sầu riêng của nước ta bị nhiễm kim loại nặng vượt quy định. Trước tình trạng trên, việc chấn chỉnh từ sản xuất đến chăm sóc, thu hoạch và xuất khẩu sầu riêng đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đang là vấn đề cấp bách đặt ra...

Nông dân Hậu Giang phấn khởi khi trúng mùa sầu riêng. Ảnh: H.THU

Sầu riêng hạ nhiệt, nông dân vẫn lời nhiều

Các xã Trường Long, Nhơn Ái và Nhơn Nghĩa là vùng chuyên canh sầu riêng nhiều nhất của huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Thọ, ở ấp Trường Khương A, xã Trường Long, cho hay: “Gia đình vừa bán 8 tấn sầu riêng giống Ri6 cho thương lái từ Tiền Giang sang mua phục vụ xuất khẩu với giá 56.000 đồng/kg, giá này tuy có thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu vụ vào tháng 3/2024 là 130.000 đồng/kg, nhưng vẫn có lợi nhuận cao, bởi chi phí đầu tư trồng sầu riêng chỉ 15.000-20.000 đồng/kg”.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng rộng 5 công đang thu hoạch, ông Nguyễn Văn Tài, cùng ngụ ấp Trường Khương A, cho hay do hiện nay nhiều nơi đang thu hoạch rộ mùa sầu riêng, cộng với các nước như Malaysia, Thái Lan… cũng vào vụ, vì vậy giá sầu riêng nội địa giảm là chuyện hiển nhiên. “Hơn 8 tấn sầu riêng giống Ri6 của gia đình tôi đang bán cho thương lái với giá 50.000-56.000 đồng/kg, tính ra cũng có thu nhập hơn 400 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại cây con khác”, ông Tài cho biết.

Dọc theo các huyện Bình Tân, Vũng Liêm, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), là những nơi mà nông dân mới phá bỏ cây cam sành, ruộng lúa để trồng cây tiền tỉ sầu riêng. Ông Nguyễn Văn Linh, ở huyện Bình Tân, bộc bạch: “Trước đây, gia đình chuyên trồng lúa nhưng khó làm giàu, bởi diện tích ít. Sau khi đi học kinh nghiệm trồng sầu riêng ở một số nơi, mấy năm nay tôi chuyển 5 công lúa sang sầu riêng Ri6, ứng dụng hệ thống phun thuốc tự động và tưới nước tiết kiệm nên mùa khô hạn vườn cây vẫn phát triển tốt. Hiện vườn sầu riêng cho trái khoảng 10 tấn, bán giá 55.000 đồng/kg, thu nhập được 550 triệu đồng”. 

Anh Huỳnh Văn Thọ, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, tâm sự: “Vùng này là xứ sở nổi tiếng về cây quýt hồng đặc sản, tuy nhiên gần đây vườn quýt hồng bị dịch bệnh vàng lá bùng phát làm chết cây tràn lan gây thiệt hại lớn. Thế là nhiều hộ chuyển sang trồng loại cây đang cho “tiền tỉ” sầu riêng. Hiện một số vườn sầu riêng cho trái được thương lái thu mua với giá khoảng 45.000 đồng/kg (giống Ri6) thấp hơn những nơi khác, bởi vườn sầu riêng ở đây còn phân tán, sản lượng chưa nhiều khiến việc vận chuyển và thu gom số lượng lớn gặp khó khăn…”.

Thương lái từ tỉnh Tiền Giang qua Hậu Giang thu gom sầu riêng để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: H.THU

Tổ chức lại sản xuất bài bản, căn cơ hơn

Theo Sở NN&PTNT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sầu riêng đang là một trong những loại cây ăn trái cho thu nhập cao nhất hiện nay. Bình quân sầu riêng đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha, chỉ cần giá bán như hiện nay 50.000-56.000 đồng/kg (giống Ri6) thì nông dân có thu nhập 1 tỉ đồng/ha trở lên; những hộ xử lý cho trái thu hoạch sớm đầu vụ giá tới 130.000 đồng/kg, mang lại thu nhập “khủng” khoảng 2,6 tỉ đồng/ha.

Chính từ nguồn thu cao ngất ngưỡng nên vài năm nay tình trạng mở rộng diện tích sầu riêng đã bùng nổ ở nhiều nơi; trong đó có cả những khu vực ngoài quy hoạch, không thuận lợi về đê bao, thủy lợi, giao thông, điều kiện thổ nhưỡng, nhưng nông dân vẫn ào ạt trồng sầu riêng bất chấp khuyến cáo và lo lắng của ngành chức năng về nguy cơ thừa sản lượng, rớt giá... Bộ NN&PTNT cho biết, trong đề án phát triển cây ăn trái chủ lực của cả nước đến năm 2030 thì diện tích sầu riêng từ 65.000-75.000ha, tuy nhiên chỉ mới năm 2023 cả nước đã có 151.000ha sầu riêng, vượt rất xa so với quy hoạch và hiện nay phong trào trồng cây tiền tỉ này vẫn chưa dừng lại.

Dù cây sầu riêng đang “hót”, nhưng những hạn chế, bất cập và thiếu bền vững đã bộc lộ. Tình trạng mạnh ai nấy làm, tranh mua tranh bán sầu riêng xảy ra nhiều nơi; diện tích sầu riêng có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ còn rất ít; vấn đề vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn nhiều; đặc biệt là mới đây Vụ Kiểm dịch động - thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) cảnh báo hàng chục lô sầu riêng của Việt Nam khi xuất sang thị trường tỉ dân này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn về an toàn vệ sinh thực phẩm mà Trung Quốc quy định.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, sau khi phía Trung Quốc cảnh báo vượt dư lượng chất cadimi thì cục đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương rà soát; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách mà phía Trung Quốc cảnh báo nhiễm cadimi. Tuy nhiên, khi kiểm tra về mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý, quy trình chăm sóc sầu riêng… ngành chuyên môn không phát hiện mẫu nào vượt dư lượng cadimi. Dù vậy, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý các địa phương có diện tích sầu riêng và doanh nghiệp xuất khẩu cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục; quyết liệt hơn trong kiểm dịch thực vật và vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sầu riêng.

Cùng với việc chấn chỉnh về những cảnh báo mà phía Trung Quốc đưa ra thì các địa phương cần tổ chức lại ngành hàng sầu riêng một cách bài bản, căn cơ hơn. Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho hay: “Tỉnh đang xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị; trong đó có cây sầu riêng. Quan điểm của tỉnh về phát triển sầu riêng là chú trọng nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị…”.

Là địa phương có diện tích sầu riêng nhiều nhất vùng ĐBSCL, với 22.000ha, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sầu riêng, mà tập trung vào chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con giảm chi phí, nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu; tăng cường trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Ngoài thị trường lớn Trung Quốc thì xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Tỉnh Tiền Giang cũng đang thực hiện đề án chuỗi giá trị về liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng bằng việc thành lập 15 hợp tác xã với 16.000 thành viên tham gia. Các hợp tác xã sẽ quy tụ nông dân vào canh tác quy mô lớn, tổ chức sản xuất lại bài bản có đầu tư công nghệ mới và đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp để sản xuất đúng tiêu chuẩn, chất lượng mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Có như vậy thì phát triển cây tiền tỉ này mới bền vững được.

Tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 2.500ha sầu riêng, tăng hơn 600ha so với cùng kỳ, với 2 giống sầu riêng phổ biến là Ri6 và monthong. Hiện diện tích sầu riêng cho trái thu hoạch gần 1.000ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm gần đây, người dân đang có xu hướng chuyển sang loại cây trồng này vì giá cao, lợi nhuận hấp dẫn. Ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng.

Tại thành phố Cần Thơ, ngành chức năng cũng tổ chức lại ngành hàng sầu riêng theo hướng phát triển hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã trái cây Trường Khương A, huyện Phong Điền khẳng định, hợp tác xã đang liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào giá ưu đãi và doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo đầu ra khi tới vụ thu hoạch. Từ sự liên kết này mà các xã viên sản xuất đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu đưa ra. Tuyệt đối không sử dụng các chất cấm, không thu hoạch sầu riêng non; khi sầu riêng khoảng 90 ngày, trái đủ độ già tự nhiên trên cây mới cắt nhằm đảm bảo độ béo, độ ngọt... Nhờ đó, sầu riêng của hợp tác xã rất dễ bán và không hề bị cảnh báo từ các nhà nhập khẩu.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, trái sầu riêng đóng vai trò quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản; qua đó góp phần tăng thu nhập cho người trồng sầu riêng, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam bộ… Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng “nóng” về diện tích sầu riêng đã phá vỡ quy hoạch chung; do đó Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các địa phương rà soát lại những vùng trồng sầu riêng trên cả nước; xem nơi nào phù hợp nhằm tiếp tục đầu tư căn cơ; đồng thời kiểm tra quy trình canh tác để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã… một cách phù hợp. Đặc biệt là nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi; tiêu chuẩn này phải mang tính pháp lý để có cơ sở cho các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền các địa phương thuận lợi trong kiểm tra, giám sát, xử lý những cơ sở vi phạm.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khoảng 178 triệu USD; năm 2022 xuất khẩu hơn 420 triệu USD, thế nhưng năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt kỳ tích với hơn 2,24 tỉ USD, nhờ vào việc sầu riêng được đi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục tăng trưởng tốt với kim ngạch đạt hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so cùng kỳ. Cũng trong 4 tháng đầu năm 2024, sầu riêng của Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc tăng 82% so cùng kỳ, trong khi Thái Lan thì giảm 49% do nguồn cung giảm, bởi ảnh hưởng nắng nóng. Các nhà chuyên môn dự báo, nếu như năm 2023 Thái Lan chiếm 66% thị phần xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, tuy nhiên tới đây có thể giảm xuống do sự vươn lên mạnh mẽ của sầu riêng Việt Nam.

 

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>