Phát triển sản phẩm OCOP đi lên từ chất lượng

03/08/2023 | 07:35 GMT+7

Sau thời gian triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Vị Thủy đã có 18 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Giá trị sản phẩm nâng tầm, thị trường tiêu thụ rộng mở, điều này góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” là một trong 7 sản phẩm OCOP của tỉnh đủ điều kiện đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương trong năm 2023.

Nâng tầm sản phẩm

Là một trong những hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Vị Thủy có được 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ ổn định, với doanh thu mỗi tháng 100 triệu đồng, bà Nguyễn Kim Ngoan, HTX Kim Ngoan, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: Hiện tại HTX có 10 sản phẩm từ thủy sản các loại, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là cá thát lát rút xương tẩm gia vị, chả cá thát lát, chả cá thát lát tẩm gia vị, khô lươn 1 nắng. Có được kết quả này HTX rất phấn khởi, tuy nhiên để đạt chuẩn OCOP thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Làm thế nào sản phẩm trước tiên phải ngon, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Sắp tới đây, HTX dự kiến sẽ ra mắt một vài sản phẩm làm từ nông sản để đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Vào cuối năm 2022, sản phẩm dầu gội dược liệu N22 của Công ty TNHH MTV Tâm Phúc Thành, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Thành quả này là kết quả sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm để đi đến thành công của bà Đặng Thị Kim Ngọc, Giám đốc công ty.

Bà Ngọc chia sẻ: “Khi được hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá cao chất lượng sản phẩm và thấy quyết định công nhận sản phẩm của công ty đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh thì bản thân tôi rất vui mừng. Bởi, bản thân đã góp một phần nhỏ vào việc tạo thêm thương hiệu mới cho quê hương, cũng như vui vì thành quả của mình sau nhiều năm nghiên cứu đã được đền đáp bằng quả ngọt là tạo ra sản phẩm dầu gội bằng dược liệu mang tính an toàn, hiệu quả cho người tiêu dùng. Từ kết quả trên đã và đang tạo động lực mạnh mẽ cho công ty không ngừng phát triển trong thời gian tới”.

“Tuy sản phẩm mới ra mắt thị trường không lâu, nhưng công ty đang nhận được nhiều sự tin tưởng và sử dụng của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, với mặt thuận lợi là sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh thì hy vọng sản phẩm sẽ được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn để thị trường tiêu thụ được rộng mở. Ngoài ra, bản thân cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn để công ty không ngừng nâng cao chất lượng, cũng như số lượng sản phẩm và thay đổi mẫu mã hàng hóa nhằm hướng đến cấp độ OCOP cao hơn”, bà Ngọc chia sẻ thêm.

Phải khẳng định rằng, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát huy tích cực, là động lực giúp người dân phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, ở huyện Vị Thủy, phấn khởi cho biết: Hiện nay, HTX có diện tích trồng lúa từ 350-750 ha/vụ. Có 5 sản phẩm gạo chủ lực đang được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ là ST 24, ST 25, ST 21, Đài Thơm và OM 18, đây cũng là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đối với các sản phẩm này, HTX đang tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng hơn nữa, thay đổi mẫu mã cho đẹp hơn. Để có sản phẩm ngon và an toàn, trong sản xuất HTX luôn tuân thủ kỹ thuật, quy trình. Thị trường hiện nay đã được HTX phát triển trên các tỉnh, thành phố.

Tiếp tục vươn xa

Với quyết tâm tạo thương hiệu mới cho quê hương và nâng cao giá trị, cũng như thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình, ông Lê Văn Ngộ, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, là chủ nhân sản phẩm mắm cá lóc Sáu Ngộ cũng rất phấn khởi khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm của mình đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2022.

Ông Ngộ bộc bạch: “Trước đây, tôi chỉ làm mắm để ăn trong gia đình và khi có nhiều thì bán cho người dân trong xóm. Dần dần bà con gần xa ăn thấy ngon nên nhu cầu ngày càng nhiều hơn. Thấy vậy, gia đình tôi quyết định mua nguyên liệu về làm với số lượng nhiều hơn và hiện tại mỗi tháng tôi bán ra hơn 400kg mắm cá lóc. Qua đây, không chỉ tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tiêu thụ một phần nguyên liệu cá lóc cho người dân địa phương”.

Theo đó, xác định tầm quan trọng của việc sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nên khi các ngành chức năng của xã, huyện đến tư vấn và hỗ trợ nhiều mặt về hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện thì ông Ngộ mạnh dạn đăng ký, nhờ vậy sản phẩm của ông đã đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường đầu ra.

Thế mạnh của Vị Thủy là các sản phẩm lúa gạo, chế biến thủy sản. Hiện nay, huyện tập trung cho các chủ thể nâng chất các sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn OCOP cao hơn nữa để giúp các sản phẩm của địa phương có thể vươn xa ra thị trường.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Để nâng chất sản phẩm, thời gian qua một số chủ thể đã được hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng, chứng nhận vùng trồng, máy móc, thiết bị sản xuất. Đồng thời, ngành cũng đã phối hợp với các hộ kinh doanh cá thể, HTX, doanh nghiệp, công ty có sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình. Tính đến nay, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, cùng sự vào cuộc tích cực của các ngành liên quan và sự tham gia nhiệt tình từ các chủ thể, toàn huyện có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 14 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Điều phấn khởi là các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh thì đều được hỗ trợ xúc tiến thương mại trên App Hậu Giang hay các sàn giao dịch thương mại điện tử như Postmart, Voso… Bên cạnh đó, một số chủ thể còn được hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng, chứng nhận vùng trồng, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất…

“Từ các yếu tố trên đã và đang góp phần giúp các chủ thể có sản phẩm OCOP mở rộng được thị trường đầu ra, cũng như có điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Phát huy hiệu quả đạt được, năm 2023 này, ngành nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với các hộ kinh doanh cá thể, HTX, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện có sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình OCOP. Dự kiến năm nay, huyện Vị Thủy sẽ trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét từ 5-6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đặc biệt là tập trung nâng chất cho sản phẩm gạo sạch Vị Thủy từ chuẩn 4 sao lên 5 sao”, ông Trương Văn Trí cho biết thêm.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>