Phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học

30/05/2024 | 08:07 GMT+7

Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Chăn nuôi an toàn sinh học trở thành giải pháp hiệu quả để bảo vệ đàn vật nuôi, hướng đến phát triển bền vững được ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm.

Chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp hiện nay.

Thực trạng tình hình chăn nuôi

Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều thuận lợi như điều kiện khí hậu phù hợp, đất đai rộng rãi… Từ đó, nhiều hộ gia đình đã áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, đi cùng với đó còn nhiều khó khăn và thách thức, một trong số đó là biến đổi khí hậu thất thường, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, chi phí đầu vào cao và giá cả đầu ra không ổn định, cũng như người dân còn thiếu kiến thức về an toàn sinh học và kỹ thuật chăn nuôi hiện đại.

Tiêu độc sát trùng chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi.

Thực tế, chăn nuôi tại Hậu Giang đa phần có quy mô nông hộ, nhỏ lẻ chiếm trên 80%, số lượng quy mô trang trại lớn chiếm khá thấp trên dưới 20%. Công tác áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đối với những cơ sở, trang trại quy mô lớn, quy mô vừa có chuyên môn đáp ứng khá đầy đủ, áp dụng khá tốt bởi vì các trang trại này đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, quy trình vận hành theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, quy trình vận hành… Do đó, khi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học người dân gặp khá nhiều khó khăn như: vị trí chuồng trại, hàng rào, các quy định về tiêu độc sát trùng, các quy định liên quan đến công tác kiểm soát động vật hoang dã...

Ông Phan Thành Nhân, ở ấp 1, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tuy biết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, bảo vệ tốt đàn vật nuôi, nhưng chi phí đầu tư ban đầu quá cao và yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên gia đình tôi chưa đủ điều kiện đầu tư và áp dụng. Gia đình tôi nuôi 10 con bò và hơn 10 con heo, vẫn cố gắng đảm bảo vệ sinh chuồng trại theo cách truyền thống chứ chưa có điều kiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học”.

Biện pháp phát triển bền vững

Trước hết cần hiểu chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thực tế là phương pháp chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và đảm bảo an toàn cho sản phẩm chăn nuôi. Các biện pháp này gồm: kiểm soát môi trường bằng cách xây dựng chuồng trại kín đáo, thoáng mát, cách ly tốt với bên ngoài, sử dụng hệ thống làm mát và thông gió; vệ sinh chuồng trại; phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và sử dụng thuốc thú y chất lượng; quản lý chất thải và kiểm soát, hạn chế người và vật nuôi ra vào khu vực chăn nuôi, sử dụng quần áo bảo hộ… Những phương pháp này giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Đây được xem là một giải pháp tổng thể về mặt kỹ thuật để đảm bảo trại chăn nuôi an toàn từ bên trong (con giống, thức ăn, chăm sóc…) và ngăn chặn xâm nhiễm các mầm bệnh từ bên ngoài vào trong.

Như trại chăn nuôi gà thịt của ông Tống Minh Tâm, ở khu vực 5, phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, có mô hình chăn nuôi gà hậu bị chuồng lạnh tiên tiến được áp dụng với tổng diện tích 31.934,7m2 và quy mô 100.000 con/lứa nuôi. Chuồng nuôi được xây dựng kín đáo, cách ly với bên ngoài, sử dụng hệ thống làm mát Cooling Pad và quạt hút để duy trì nhiệt độ 22-250C. Hơn hết, quy trình phòng bệnh cho gà được thực hiện nghiêm ngặt thông qua vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin và uống thuốc phòng bệnh định kỳ. Sau mỗi lứa nuôi, chuồng trại được vệ sinh, phun xịt sát trùng và để trống một tháng trước khi bắt đầu lứa mới.

Việc áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học mang lại nhiều lợi ích, vì gà nuôi trong điều kiện chuồng lạnh phát triển tốt, giảm tỷ lệ bệnh tật và tăng trưởng nhanh hơn. Gà 90 ngày tuổi đạt trọng lượng 1,7-2 kg/con, mỗi lứa nuôi cung cấp khoảng 170-200 tấn gà thịt. Chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, đối với các cơ sở, trang trại có quy mô vừa cũng tiến hành thực hiện một số biện áp an toàn sinh học như phun xịt, tiêm phòng, tiêu độc sát trùng, giữ khoảng cách chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng con giống… Các biện pháp này cơ bản đều được áp dụng rộng rãi trong các chuồng, trại chăn nuôi trên địa bàn.

Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi đã góp phần kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh, bảo vệ tốt đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

Ông Bùi Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và cung cấp thông tin cho nông dân, đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ để ổn định đầu ra, giúp chăn nuôi đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi”.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần tiếp tục áp dụng và tuân thủ các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, sử dụng thức ăn và thuốc thú y đảm bảo chất lượng. Bà con nên tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các công nghệ mới vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đồng thời, theo dõi hướng dẫn của ngành chăn nuôi về các biện pháp an toàn sinh học, trong đó có thực hiện một số văn bản hướng dẫn như Thông tư số 24 năm 2022 đang được triển khai, có nội dung về cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi. Ngoài ra, một số văn bản của Cục Thú y, như Công văn 5329 năm 2019 đã hướng dẫn các biện pháp tăng cường kỹ thuật trong an toàn sinh học như chống dịch tả heo châu Phi, kiểm soát con người, động vật hoang dã, quá trình nuôi, kiểm soát chất thải...

Định hướng phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh dự kiến sẽ xây dựng tờ rơi tuyên truyền nội dung Thông tư số 24 đến với các trạm và người dân, cũng như tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng con giống, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả theo hướng an toàn, bền vững.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>