Phát triển bền vững mô hình nuôi cá thát lát

01/08/2023 | 18:10 GMT+7

Hậu Giang có lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước... nên rất thuận lợi trong phát triển vùng nuôi thủy sản. Bên cạnh hình thức nuôi quảng canh thì việc nuôi thâm canh cá thát lát - một loài đặc sản của tỉnh được nhiều hộ dân lựa chọn.

Mô hình liên kết sản xuất giữa HTX Kỳ Như với hộ nuôi đã mang lại nhiều hiệu quả.

Ổn định kinh tế với nghề nuôi cá thát lát

Ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, ông Phạm Văn Khởi là người có nhiều năm gắn bó với con cá thát lát từ khâu ương giống đến nuôi thương phẩm. Ông Khởi chia sẻ: “Hiện tôi có hơn 2.000m2 mặt nước nuôi cá thát lát. Lúc đầu gia đình chỉ làm ruộng, sản xuất lúa thì được mùa mất giá nên gặp nhiều khó khăn. Năm 2008, tôi bắt đầu mua cá bột để ương và bán cá giống lại cho trại cá giống. Thấy nuôi cá có lời nên tôi mạnh dạn đầu tư thêm diện tích nuôi cá thương phẩm, sản lượng và lợi nhuận tăng dần theo mỗi năm. Năm 2021-2022, tôi thả khoảng 70.000 con giống cá thát lát ghép với cá sặc rằn, nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa trong ao nuôi và cải thiện môi trường nước. Vụ vừa qua, tôi thu hoạch được 18 tấn, với giá bán 70.000 đồng/kg, tôi thu được 1,26 tỉ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận 324 triệu đồng”. Ông Khởi thông tin, việc nuôi cá thát lát không khó, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì cá sẽ phát triển rất tốt. Cá thường chỉ bị nhiễm bệnh về đường ruột nhưng cũng dễ điều trị.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến tháng 6-2023, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hơn 3.654ha. Trong đó diện tích nuôi cá thát lát là 58,96ha, dự kiến đến cuối năm diện tích đạt khoảng 100ha. Hiện nay, việc nuôi cá thát lát thâm canh chủ yếu ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, nhưng tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp. Trong đó có một số hộ tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nuôi cá thát lát và có nhiều HTX với quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, cung ứng thức ăn cho các xã viên, liên kết bao tiêu đầu ra. Hiện nay, diện tích nuôi của các HTX còn ít, đa phần nuôi với quy mô nhỏ lẻ.

Theo các hộ nuôi, nhằm tạo nền tảng cũng như động lực mở rộng diện tích, phát triển bền vững các mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm cần phải kết nối chặt chẽ với các công ty thức ăn cung cấp cho hộ nuôi thông qua các THT, HTX và thu mua lại cá của người dân; nguồn vốn cũng là một yếu tố quan trọng để người dân tiếp tục duy trì và phát triển diện tích ao nuôi của mình. Vì vậy, việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, thực hiện tốt các dịch vụ cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm là điều cần thiết.

Việc nuôi và chế biến cá thát lát được xem là nghề ăn nên làm ra của nhiều bà con nông dân. Để có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất, ngoài 3ha tự có, HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, còn mạnh dạn liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 12ha. Trung bình mỗi năm HTX Kỳ Như thu mua và chế biến hơn 500 tấn cá thát lát nguyên liệu. Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: “Nếu hình thành được vùng nuôi cá chuyên canh kết hợp chế biến và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm từ cá thát lát theo chuẩn VietGAP thì giá cá sẽ ổn định và cao hơn. Do nhu cầu hiện nay là phần lớn người dân chuộng sản phẩm sạch nên khi đáp ứng được thì sản phẩm cá thát lát sẽ còn vươn xa ra thị trường nước ngoài, lúc này sản phẩm sẽ nâng tầm giá trị hơn nữa. Trong thời gian tới, cơ sở sẽ mở rộng diện tích ao thêm 2ha nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, cũng không ngừng tổ chức các buổi gặp mặt trao đổi những kiến thức chuyên môn để các xã viên tiếp cận những công nghệ tiên tiến giúp cho các xã viên ngày càng nâng cao hiệu quả đối với con cá thát lát.

Ông Phạm Văn Khởi, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, bên mô hình nuôi cá thát lát.

Nhân tố để phát triển bền vững

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, với hình thức nuôi cá thát lát công nghiệp theo hướng thâm canh cần áp dụng công nghệ tuần hoàn nước để sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; các quy trình nuôi theo quy chuẩn thực hành nuôi tốt, trong đó Nhà nước đầu tư hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Về mặt tiêu thụ sản phẩm, Hậu Giang cũng xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm “Cá thát lát Hậu Giang”, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đầu tư công nghệ chế biến đa dạng hóa sản phẩm cá thát lát, liên kết phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, quản lý và xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho chuỗi liên kết như quy hoạch vùng nguyên liệu cá, phương thức sản xuất nhà máy chế biến, liên kết các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác (THT, HTX, doanh nghiệp...), từ đó hình thành liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị… Bởi liên kết trong sản xuất thủy sản là yêu cầu tất yếu để có thể áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.

Bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Ngành luôn khuyến khích người dân kết nối hình thành THT và HTX, trong đó có hình thức liên kết ngang và liên kết dọc. Với hình thức liên kết ngang là giữa người nuôi với người nuôi để thuận tiện trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả, đạt chất lượng cao cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc liên kết này cũng giúp người dân trong việc thu mua những nguyên liệu đầu vào giảm bớt giá thành và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng cao giá trị sản phẩm. Còn với hình thức liên kết dọc là liên kết giữa người nuôi với cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào, giữa người nuôi với cơ sở chế biến, tạo thành một hệ thống liên kết chuỗi. Riêng đối với ngành sẽ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc liên kết, trong đó cũng không ngừng tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật quy trình nuôi theo hướng an toàn thực phẩm hoặc theo quy chuẩn sản xuất tốt nhằm giảm bớt sử dụng chất kháng sinh, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và đạt được năng suất cao của người nuôi.

Việc ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật, nuôi đúng quy trình kỹ thuật của ngành chuyên môn khuyến cáo cũng sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho việc mở rộng diện tích nuôi cá trên địa bàn. Một điều cần lưu ý là việc thả nuôi đúng mùa vụ, quản lý tốt nguồn nước, thức ăn để hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi cũng là yếu tố thành công trong mùa vụ. Vấn đề cốt lõi hiện nay là nguồn nông sản sạch quyết định đến giá trị sản phẩm của mình, vì vậy xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP… theo hướng liên kết giữa các nhóm hộ, hợp tác xã là rất cần thiết.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh (giai đoạn 2021-2025) thì phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích đạt khoảng 11.000ha. Trong đó, diện tích nuôi ao 4.900ha (cá tra 200ha, cá thát lát 150ha, lươn 50.000m2…), diện tích nuôi thủy sản - lúa 6.100ha, nuôi lồng vèo 5.000 chiếc. Phấn đấu đến 2025, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 120.000 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi 117.200 tấn (cá tra 50.000 tấn, cá thát lát 13.500 tấn, lươn 1.750 tấn…). Bên cạnh đó, phải kết hợp hài hòa giữa khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh, duy trì sản lượng khai thác thủy sản khoảng 2.500-3.000 tấn/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2,5%/năm.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HUẤN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>