Nông nghiệp vững tiến

07/02/2022 | 20:32 GMT+7

Năm qua, dù phải đối mặt với không ít khó khăn về dịch bệnh, thời tiết; tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành nên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tiếp tục vững tiến và phát triển.

Nông dân sắp thu hoạch lúa Đông xuân trong tỉnh đang đặt nhiều kỳ vọng về năng suất và giá bán lúa ở mức cao. 

Nỗ lực

Một trong những kết quả nổi bật trong năm 2021 là ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo về việc hỗ trợ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, trong 3 tháng tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nên lúc này việc tiêu thụ nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan trong tỉnh rà soát, cũng như cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản cần được hỗ trợ xúc tiến thương mại; đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch nhưng gặp khó về đầu ra. Đặc biệt là Sở NN&PTNT thực hiện kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT trong việc hỗ trợ người dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tồn đọng.

Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp thông minh là mục tiêu trọng tâm trong năm 2022 của ngành nông nghiệp tỉnh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Chỉ tính trong 3 tháng tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị đã phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương trong tỉnh thực hiện hỗ trợ hợp tác xã (HTX), nông dân của tỉnh kết nối tiêu thụ hơn 1.463 tấn nông - thủy sản, gồm: gạo, trái cây, rau củ, thủy sản; đồng thời tiêu thụ hơn 300.000 trứng vịt tươi và 34.254 combo nông sản cho 15 đơn vị HTX, doanh nghiệp và hộ dân có sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh còn ban hành văn bản hướng dẫn việc thu mua, thu hoạch nông sản trong vùng xanh; phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu mua, thu hoạch và sản xuất nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Bên cạnh hỗ trợ tốt cho người dân tiêu thụ nông sản thì sau khi tình hình dịch Covid-19 được hạ nhiệt, ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để giúp người dân khôi phục lại sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho thị trường, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân, cũng như đảm bảo đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) theo kế hoạch đề ra và góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh việc vận động người dân tăng cường sản xuất lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Vàng, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Cả 3 vụ lúa trong năm 2021, tôi và bà con ở cánh đồng lúa nơi đây đều đảm bảo xuống giống hết diện tích, riêng gia đình tôi là 1,2ha. Năm vừa qua tuy có phần khó khăn trong khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng bà con vẫn cố gắng đẩy mạnh sản xuất theo khuyến cáo của ngành chức năng. Nhờ vậy, kinh tế của gia đình được ổn định. Phát huy tinh thần trên, hiện bà con đang dồn sức chăm sóc cho vụ lúa Đông xuân 2021-2022 được gần 60 ngày tuổi đang phát triển tốt. Kỳ vọng vụ lúa Đông xuân năm nay sẽ tiếp tục mang lại nhiều thắng lợi trên các mặt”. 

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: Mùa lũ 2021, địa phương tiếp tục duy trì diện tích nuôi cá ruộng hơn 3.000ha thay cho vụ lúa Thu đông. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nên hầu hết bà con nuôi cá ruộng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao; qua đây góp phần bù đắp phần nào GRDP chung của ngành nông nghiệp đối với những địa phương giảm diện tích lúa Thu đông. Sang đầu năm 2022 này, địa phương cũng đang tập trung vận động người dân phát triển sản xuất theo lợi thế cây trồng, vật nuôi của từng vùng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tổng diện tích lúa năm 2021 của tỉnh là gần 190.000ha, đạt 99,84% kế hoạch. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 6,76 tấn/ha; sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn, vượt 2,14% kế hoạch năm (bằng 26.763 tấn). Về rau màu, trong năm 2021, toàn tỉnh xuống giống được hơn 25.842ha, tăng 377ha so với cùng kỳ; tổng diện tích thả nuôi thủy sản năm 2021 được 8.138ha, đạt 100,5% kế hoạch, với tổng sản lượng đạt 77.425 tấn.

Nhiều đột phá mới

Cùng với việc tập trung phát triển sản xuất thì công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh trong năm qua cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ đạo) tỉnh, cho biết: Vào đầu mùa khô, đơn vị luôn chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh về các giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên thực hiện quan trắc độ mặn tại các vùng bị mặn xâm nhập trong tỉnh, sau đó kịp thời thông báo đến người dân có giải pháp phòng ngừa hiệu quả; đồng thời tổ chức vận hành tốt hệ thống cống để chủ động trong công tác ngăn mặn. Nhờ thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các công việc trên nên tình hình độ mặn trên địa bàn tỉnh trong năm qua ở mức cao nhất là 11,8‰ nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Sang đầu năm 2022, hiện đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp trong phòng, chống xâm nhập mặn để các địa phương và người dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả, nhất là không được lơ là, chủ quan.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong năm vừa qua, sang năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đề ra nhiều đột phá mới. Trong đó, phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) phồn vinh, văn minh, hiện đại là những nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Để đạt mục tiêu trọng tâm trong năm 2022 được đề ra như trên thì toàn ngành sẽ tập trung thực hiện tốt các nội dung về tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ 4.0... được nhân rộng với quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản. Qua đây sẽ tạo đà cho tăng trưởng ngành nông nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết thúc năm 2021, GRDP khu vực I đạt 4,04% (kế hoạch 2,25%); tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch khoảng 83%, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,29% so với cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 3,1%, đạt 103,3% kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Về chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, phấn đấu đạt GRDP khu vực I là 3%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 83,5%; xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ độ che phủ rừng giữ vững 3,1%.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>