Nông dân thở phào vì giá phân bón giảm mạnh

09/08/2023 | 06:56 GMT+7

Giá phân bón giảm mạnh, là tín hiệu vui cho nhà nông do giảm được phần nào chi phí sản xuất. Bởi lẽ “nhất nước, nhì phân”, điều này có thể thấy phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng.

Việc bón lót phân bón trước khi gieo trồng rất quan trọng, giúp cây hấp thụ nhanh.

Giá phân giảm

Ghi nhận tại các đại lý phân phối, cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, những ngày qua, giá nhiều loại phân bón tiếp tục giảm mạnh. So với cách nay hơn 1 tháng, các loại phân bón vô cơ như urê, DAP, NPK và Kali đã giảm đáng kể và đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, nhất là đối với các loại phân bón DAP.

Các đại lý phân bón nhận định, nguyên nhân khiến giá phân bón giảm do nguồn cung dồi dào, có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu và do giá trên thế giới giảm mạnh trở lại. Nhờ đó, nông dân có nhiều cơ hội để lựa chọn trong sử dụng nhằm giảm chi phí tiền phân bón mà hiệu quả sản xuất vẫn đạt cao.

Anh Đào Tấn Thông, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Vị Thủy, cho biết: Chủ yếu phân urê với phân DAP giảm so với đầu vụ khoảng 200.000-300.000 đồng/bao. Giờ chủ yếu người ta xài phân vô cơ, phân hóa học nhiều. Phân lúc trước cao thì bán được phân hữu cơ, tại người ta ngán tiền. Người ta đầu tư ít lại, mua phân hữu cơ xài.

Dẫu giá phân bón đã hạ nhiệt nhưng xu hướng giảm các loại phân bón vô cơ, thay vào đó tăng cường mua các loại phân bón hữu cơ để sử dụng đã thấm vào tư duy mới trong canh tác của nông dân. Đồng thời, tận dụng rơm rạ, phân của các loại vật nuôi và các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ phục vụ cho các loại cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, huyện Vị Thủy, cho biết vụ này giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm mạnh nên chi phí đầu vào cũng nhẹ hơn. Theo ông Thích, trước đây mỗi 1ha lúa, chi phí sản xuất trong đó có phân bón khoảng 15-16 triệu đồng, nhưng với giá như hiện nay nông dân giảm hơn 5 triệu đồng.

“Đầu vào hiện nay tương đối ổn định so với năm rồi, trước đây truyền thống người ta dùng đạm là urê, DAP, Kali, 3 hỗn hợp đó người ta trộn lại rải, nhưng sau khi HTX triển khai quy trình làm thì mình sử dụng hữu cơ. Quy trình mới mình giảm lượng phân, mình xem chu kỳ phát triển của cây lúa rồi bón định kỳ chứ không theo truyền thống ngày xưa”, ông Nguyễn Văn Thích bộc bạch.

Không riêng gì nông dân trồng lúa, nông dân canh tác rau màu cũng rất phấn khởi khi giá phân bón hạ nhiệt. Tuy vậy, nhiều nông hộ vẫn ưu tiên lựa chọn phân hữu cơ để sử dụng vừa tiết kiệm chi phí vừa sản xuất theo hướng an toàn. Điển hình như tại HTX Nông sản an toàn ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ. Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc HTX, cho hay: Hiện HTX có 23 thành viên với diện tích 23ha trồng rau màu trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới nước tiết kiệm, gồm: cải xanh, cải ngọt, cải thìa, bẹ dún, rau muống… chủ yếu bán qua thương lái, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường từ 500kg đến 1 tấn rau màu các loại.

Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc HTX, cho biết: Mỗi hộ bình quân thấp nhất mỗi ngày cung ứng 50kg. Hiện giá rau màu đang tăng trở lại, trong khi phân bón giảm khiến bà con rất phấn khởi, nhưng bà con không trồng nhiều được do vùng sản xuất chưa được khép kín. Chỉ có một số hộ khép kín được với có nhà lưới sản xuất tốt mới trồng. Dù giá phân hóa học sụt giảm nhưng HTX không sử dụng nhiều mà thay vào đó là ưu tiên xài phân bón hữu cơ, rơm sau khi chất nấm xong được thu gom, ủ lại để sử dụng dần, ngoài ra hợp đồng với công ty phân vi sinh để lấy phân về sử dụng, đảm bảo chất lượng nông sản vừa nhẹ chi phí đầu tư, vừa giúp tăng lợi nhuận sau mỗi vụ, thành ra hiện sản xuất có lãi.

Sử dụng đúng rất quan trọng

Ở góc độ nhà sản xuất, để giá phân bón đến tay người dân hợp lý, các công ty sản xuất phân bón cho rằng, cần nhiều chính sách tổng hợp. Trong đó nên xem xét chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế, để làm giảm giá bán, bớt gánh nặng cho bà con nông dân và doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mặt khác, có cả việc hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, về nguyên tắc kinh doanh, buộc doanh nghiệp không thể giảm giá thành tới mức giá vốn, sẽ dẫn đến thua lỗ.

Việc giá phân bón trong nước giảm, phần nào đó sẽ làm nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó, nhưng ở khía cạnh người sử dụng thì nông dân sẽ được hưởng lợi sau nhiều mùa vụ phải chịu chi phí giá vật tư tăng. Về lâu dài, việc thay đổi thói quen trong canh tác sẽ giúp bảo vệ môi trường, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho vật tư đầu vào.

Anh hùng lao động, giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về ngành nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: Phân hóa học là sản phẩm của dầu khí, quy trình làm ra urê phải lấy khí của các nhà máy lọc dầu. Thành ra khi giá dầu khí tăng lên thì kéo theo giá phân bón tăng lên, không có cách khác nên phải theo giá quốc tế.

“Nếu bà con mình giờ thay đổi cách bón phân, mình bón phân lót thì sẽ giảm được ít nhất là 30%, thậm chí lên 40% phân hóa học. Ví dụ đối với cây lúa, bón lót trước khi làm đất, gieo sạ thì sau khi sạ, rễ cây lúa sẽ tiếp xúc thẳng với phân bón, trước đây bón trên mặt đất, cây lúa không hấp thụ được nhiều để phát triển nhanh. Nếu bón 10kg phân cây lúa ăn chỉ khoảng 5kg là nhiều nhất, còn lại là bốc hơi làm gia tăng phát thải khí nhà kính”, giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>