Nông dân Phụng Hiệp chủ động phòng chống hạn, mặn

25/03/2024 | 08:25 GMT+7

Trước tình trạng hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái luôn phát triển xanh tốt. 

Anh Lịnh tưới nước cho vườn chanh không hạt.

Rút kinh nghiệm từ đợt mặn xâm nhập vào nội đồng hồi tháng Chạp năm 2016, những năm qua, mỗi khi đến con nước tháng Giêng, tháng Hai, ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, đều thận trọng sử dụng ống nhiệt kế kiểm tra nồng độ mặn trong mương vườn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng. Với cách làm này, 5 công chanh không hạt của ông Hoàng phát triển xanh, tốt, năm vừa rồi thu hoạch hơn 5 tấn trái, giá bán trên 20.000 đồng/kg, trừ hết chi phí ông còn lợi nhuận trên 80 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mỗi lần tưới cho cây chanh, tôi phải đo nồng độ mặn trong nước trước khi tưới thì mới an toàn. Có nhiệt kế đo nồng độ mặn, nông dân chúng tôi thấy an tâm, nếu đo không có mặn, nhiệt kế về số 0, còn có mặn thì nhiệt kế này hiển thị lên nồng độ mặn. So với dự báo của ngành chuyên môn, ống nhiệt kế đo có độ chính xác trên 90%”. 

Còn đối với anh Nguyễn Thanh Lịnh, ở xã Hòa Mỹ, linh hoạt sử dụng màng phủ nông nghiệp, xem đây là giải pháp căn cơ không chỉ bảo vệ vườn chanh hơn 7 tháng tuổi tránh khỏi tình trạng hạn và xâm nhập mặn, còn giúp cho vườn chanh không hạt rộng 1,2ha của anh ra đọt non tược mới ngay trong mùa khô. Theo anh Lịnh, ngoài việc hạn chế cỏ dại, tiết kiệm phân bón, màng phủ nông nghiệp còn giúp cho vườn chanh hạn chế tối đa lượng nước bốc hơi trong mùa khô. Dù thời tiết nắng gắt như hiện nay, nhưng vườn chanh của anh trung bình từ 7-10 ngày mới tưới nước một lần. Cách làm này giảm được lượng nước và giảm số lần tưới từ 5-7 lần so với cách trồng truyền thống.

Anh Lịnh còn sử dụng màng phủ nông nghiệp để che chắn hai bên bờ bao để giữ nước trong mương vườn. Màng phủ cũng có tác dụng giữ bờ, chống ngập úng trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, chủ động trồng cây theo hướng bền vững trước diễn biến hạn, mặn ngày càng gay gắt và thất thường, anh Lịnh lên liếp thành nhiều ô, mỗi khu vực có các mương nhỏ liên kết với nhau. Trong trường hợp nước mặn có thấm vào mương phía ngoài thì bên trong anh vẫn còn lượng nước ngọt dự trữ để tưới cho cây trồng. Anh Nguyễn Thanh Lịnh, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Chủ yếu bờ bao phải cao, xung quanh bờ bao tôi ốp màng phủ hết để tránh nước bên ngoài rò rỉ vào mương vườn. Còn bên trong, từ mặt ruộng mình lên bờ 4 tấc là vừa, nếu cao quá không đủ nước tưới. Ngoài ra, tôi chia mặt liếp, mỗi liếp là 6m, trồng cây cách nhau 4m, rồi làm đường mương rộng rãi để dễ tiêu thoát nước…”.

Cùng sự quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống hạn, mặn từ các cấp chính quyền địa phương, sự chủ động của nông dân là yếu tố quan trọng để giảm thiệt hại trước tác động của nắng hạn và mặn xâm nhập.

Bài, ảnh: LÊ ĐĨNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>