Nỗi lo người trồng mía

28/09/2021 | 10:30 GMT+7

Hiện nay, nhiều cánh đồng trồng giống mía chín sớm trên địa bàn tỉnh đã đến ngày thu hoạch. Thế nhưng, việc có ít thương lái đến thu mua mía chục và nhà máy đường chưa có thông tin chính thức về thời gian vào vụ sản xuất đã tạo sự lo lắng cho người dân.

Nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp đang lo lắng vì mía chín nhưng chưa thu hoạch được.

Hàng trăm héc-ta mía đã đến ngày đốn

Căn cứ vào thời gian xuống giống của từng vùng trồng thì ngành nông nghiệp tỉnh tính toán trong tháng 9 này, nông dân trồng giống mía chín sớm ROC 16 ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy cần thu hoạch gần 900ha (tính cả mía chục) vì đã đến ngày đốn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình tiêu thụ nên việc thương lái thu mua mía chục theo hợp đồng trước đó đang rất chậm. Tính từ ngày 14-9 đến 27-9, nông dân tại hai vùng mía trên của tỉnh chỉ bán được khoảng 5ha mía chục. Mặt khác, dù lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã cam kết sẽ thực hiện thu mua mía cho người dân Hậu Giang, thế nhưng theo bà con thì hiện Casuco chưa có thông tin chính thức gì về thời gian vào vụ sản xuất. Do đó, với việc hiện có hàng trăm héc-ta mía của nông dân đã đến ngày thu hoạch mà không biết bán cho ai nên tạo áp lực không nhỏ cho bà con.

Với tâm trạng đầy lo lắng cho 0,5/1ha mía của gia đình đã đến ngày thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến thu mua, ông Trương Hồng Tươi, ở ấp B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Vụ mía năm nay, tôi và hầu hết bà con ở ấp này đều chọn canh tác giống mía ROC 16 và tất cả đều bắt đầu xuống giống từ khoảng tháng 10 âm lịch nên đến nay đã được 9-10 tháng tuổi. Nếu như trong điều kiện bình thường như mọi năm thì lúc này bà con đã bán mía chục gần hết, riêng năm nay thì diện tích mía hiện tại còn khoảng 80% chưa thu hoạch. Điều đáng quan tâm là hầu hết giống mía ROC 16 ở đây đã chín nên người dân mong được bán mía sớm, chứ càng để quá ngày sẽ dẫn tới thiệt hại là khó tránh khỏi”.

Cũng theo ông Tươi, mặc dù mực nước lũ hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ và nước chưa ngập khỏi liếp mía; thế nhưng, chỉ cần mưa dầm vài ngày là nước dâng lên khá nhanh vì đang trong giai đoạn mùa lũ nên nước có thể gây ngập liếp mía bất cứ lúc nào. Mặt khác, nếu để cây mía quá ngày thu hoạch sẽ bị vàng lá và teo đọt nên khi đốn sẽ làm giảm năng suất đáng kể. Ngoài ra, do ảnh hưởng của tình hình mưa giông trong thời gian qua còn làm cho không ít diện tích mía của bà con bị xiêu vẹo cần thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại.

Cùng tâm trạng lo lắng khi có hơn 60% trong tổng diện tích mía của gia đình là 5ha đã đến ngày thu hoạch nhưng chưa bán được, ông Phạm Văn Vũ, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Gia đình đã chuẩn bị sẵn phương tiện chuyên chở mía và lực lượng đốn chặt. Chỉ cần nhà máy đường có thông báo thời gian vào vụ sản xuất là có mía đưa tới liền, thế nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy có tín hiệu. Hiện không riêng gì tôi mà hầu hết bà con nơi đây đều đang trông ngóng nhà máy đường vào vụ sớm để khẩn trương tiêu thụ mía đã chín cho nông dân. Bởi theo ghi nhận của tôi hiện nay, cả ấp này hiện chỉ có 2-3 hộ là bán mía chục được, còn lại là đều có mía đã chín đang nằm ngoài đồng chờ người đến thu mua. Trường hợp nhà máy đường bắt đầu vụ ép vào ngày 15-11 tới theo kế hoạch của công ty thì sẽ gây nhiều khó khăn cho nông dân”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Do mía chục gặp bế tắc về đầu ra trong thời gian dài vừa qua đã làm cho tình hình thu hoạch mía của nông dân không thuận lợi nên dẫn tới dồn ứ diện tích mía nhiều. Qua rà soát mới đây của ngành nông nghiệp huyện thì hiện trên địa bàn huyện có khoảng 700ha mía (giống mía ROC 16) của nông dân đã đến ngày thu hoạch cần đốn trong lúc này. Điều đáng phấn khởi là trong những ngày gần đây, do tỉnh tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nông sản cho doanh nghiệp nên tình hình tiêu thụ mía chục của bà con có nhiều khởi sắc hơn. Ngoài việc kiến nghị nhà máy đường sớm hoàn thành công tác sửa chữa trang thiết bị để sớm vào vụ sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu cho người dân thì đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương trong và ngoài huyện trong việc tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua mía chục cho người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Giá thành sản xuất ở mức cao

Theo nông dân tại vùng trồng mía lớn nhất tỉnh là huyện Phụng Hiệp khi có 4.725ha trong tổng số 5.040ha mía của tỉnh thì giá thành sản xuất của vụ mía chuẩn bị thu hoạch đang ở mức khá cao. Nguyên nhân là do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, nhất là giá phân bón. Mặt khác, chi phí thuê nhân công ở các khâu trong sản xuất cũng tăng mạnh so với cùng kỳ; trong đó, nhiều hộ trồng mía theo hình thức bán mía chục nên rất tốn công chăm sóc nhằm tạo ra cây mía chất lượng về mọi mặt trước khi đưa về nhà máy đường sản xuất có hiệu quả.

Ông Phạm Văn Vũ, hộ có 5ha mía ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ thêm: “Qua tính toán sơ bộ thì giá thành sản xuất mía năm nay của nông dân sẽ ở mức 800 đồng/kg và tổng chi phí đầu tư có thể ở mức 12 triệu đồng/công. Do bỏ ra nhiều công chăm sóc dẫn đến chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại năng suất mía sẽ đạt ở mức hấp dẫn khi đánh giá sơ bộ giống mía chín sớm ROC 16 có thể đạt năng suất từ 12-15 tấn/công”.

Ngoài năng suất mía được dự đoán ở mức cao thì nông dân trồng mía còn cho biết chất lượng cây mía tại nhiều vùng trồng trong năm nay đạt khá cao. Theo đó, mặc dù chưa thu hoạch nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cây mía thì nông dân đánh giá những diện tích mía hiện đã đến ngày đốn như hiện nay có thể đạt chữ đường (CCS) từ 10-11 CCS. Với những yếu tố trên, người trồng mía trên địa bàn tỉnh ngoài mong nhà máy đường của Casuco sớm vào vụ ép thì còn đề xuất công ty cân nhắc giá thu mua mía sao cho người dân có đồng lời để tạo điều kiện tái sản xuất cho mùa vụ sau nhằm ổn định vùng mía nguyên liệu của Casuco.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Tình hình sản xuất mía năm 2021 trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm về diện tích so với những năm trước, do giá thu mua thấp và luôn biến động, trong khi chi phí sản xuất cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua đã có nhiều tác động trực tiếp đến tình hình tiêu thụ mía của người dân; trong đó, hiện có không ít diện tích mía đã đến thời gian thu hoạch nhưng chưa được tiêu thụ làm nông dân lo lắng. Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng mía của tỉnh trong thực hiện các khâu cần thiết, nhất là thành phố Ngã Bảy (nơi đặt Nhà máy đường Phụng Hiệp) trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy đường sớm vào vụ sản xuất; đồng thời đề nghị Casuco thực hiện tốt những cam kết với lãnh đạo tỉnh trong việc tiêu thụ mía cho người dân Hậu Giang.

Nhằm giúp cho công tác thu hoạch mía được phù hợp và kịp thời giữa các vùng trồng, Sở NN&PTNT tỉnh chia ra 4 đợt thu hoạch mía cho nông dân. Cụ thể trong tháng 9 này sẽ thu hoạch 879ha (có 292ha mía chục); sang tháng 10 thu hoạch 1.361ha, trong đó huyện Phụng Hiệp 1.306ha, thành phố Ngã Bảy là 55ha (có 391ha mía chục); đến tháng 11 thu hoạch 1.009ha, trong đó tại huyện Phụng Hiệp là 948ha, thành phố Ngã Bảy là 61ha (có 284ha mía chục); cuối cùng là tháng 12 thu hoạch 991ha, trong đó tại huyện Phụng Hiệp 952ha, thành phố Ngã Bảy 37ha và thành phố Vị Thanh 2ha.   

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>