Nỗ lực khôi phục ngành thủy sản

28/09/2021 | 11:25 GMT+7

Nam bộ là khu vực trọng điểm của ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, lúa gạo, trái cây. Từ ngày 19-7-2021, Chính phủ quyết định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn khu vực 19 tỉnh Nam bộ nên sản xuất, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản bị ảnh hưởng.

Lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện 3 tại chỗ.

Nhiều khó khăn

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT, chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Nam bộ chiếm 70-75% giá trị kim ngạch toàn quốc, là đầu ra và động lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh toàn chuỗi; là lĩnh vực có số lượng lao động lớn của ngành. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến xuất khẩu gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội phục vụ chống dịch. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn bị buộc phải cách ly, phong tỏa; do lo ngại khả năng lây nhiễm Covid-19 cao; không đáp ứng điều kiện, yêu cầu cho 3 tại chỗ, 2 tại chỗ (3T/2T) hoặc 1 cung đường 2 điểm đến; ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh; ngừng do doanh nghiệp nằm trong khu vực phong tỏa của địa phương; thiếu lao động tham gia sản xuất, thiếu nguyên liệu trong tình hình dịch bệnh; thủ tục thay đổi ca cho lao động ra, vào nhà máy quá phức tạp nên không chủ động được kế hoạch hoạt động sản xuất.

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7 có 449 cơ sở còn hoạt động; đến cuối tháng 7-2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (chiếm 27,6%) thì đến đầu tháng 9-2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (chiếm 39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với đầu tháng 7-2021, trước khi giãn cách toàn vùng. Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Hiện tại, có tổng số 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca nhiễm Covid-19. Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ. Về phương thức phòng chống dịch của các cơ sở đang hoạt động 3 tại chỗ là 160/273 cơ sở (chiếm 58,6%); 1 cung đường 2 điểm đến là 42/273 cơ sở (chiếm 15,4%), vùng xanh 5/273 cơ sở (chiếm 1,8%), 3 tại chỗ kết hợp với 1 cung đường 2 điểm đến hoặc kiểm soát khác là 66/273 cơ sở (chiếm 24,2%).

Các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng mô hình 3 tại chỗ là về gánh nặng tài chính, không đủ cơ sở vật chất, về tâm lý công nhân và lực lượng lao động, rủi ro trách nhiệm, pháp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp khi thực hiện 3 tại chỗ. Ngoài ra, khó khăn về nguyên liệu, mùa vụ thu hoạch. Đặc biệt doanh nghiệp không đi mua được nguồn nguyên liệu để sản xuất nên không có hàng để xuất khẩu. Khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác ngưng hoạt động. Thiếu hụt nguyên liệu đánh bắt. Giãn cách lâu và đứt đoạn logistics làm người dân không thể thu hoạch và ngừng thả giống nên dự kiến cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu. Việc thu hoạch nguyên liệu cá thương phẩm trong giai đoạn giãn cách rất khó khăn khi huy động lực lượng công đoàn để thực hiện thu hoạch cá. Đối với lực lượng công đoàn thực hiện thu hoạch của vùng nuôi ngoài tỉnh, về đều bị địa phương cách ly tập trung hoặc tại nhà 14 ngày.

Khó khăn trong bảo quản, vận chuyển, lưu thông, đặc biệt là nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất không đến được nhà máy vì vướng vùng phong tỏa, “vùng xanh” trên đường di chuyển. Các nguyên vật liệu khác phải nhập ở các tỉnh khác như Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh,... nhưng do dịch bệnh và cơ chế mỗi tỉnh khác nhau làm ách tắc và khó khăn trong công tác giao nhận hàng hóa. Nguyên vật liệu phải di chuyển qua các tỉnh khác nhau gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa bị kẹt ở chốt, gây chậm trễ trong sản xuất, phát sinh chi phí.

Một số thị trường, trong đó có Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng đông lạnh (bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm); xét nghiệm Covid đối với sản phẩm, bao bì nhập khẩu...; số lô hàng bị cảnh báo gia tăng. Nước nhập khẩu không thực hiện thanh tra thực tế dẫn đến chậm bổ sung cơ sở vào Danh sách được phép xuất khẩu hoặc giải quyết vướng mắc. Nhiều nước tăng cường kiểm tra các chỉ tiêu bệnh, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; một số nước áp dụng các chuẩn mực riêng...

Khôi phục lại sản xuất

Sau ngày 15-9-2021, nhiều tỉnh đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 là cơ hội để các ngành hàng, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới. Tuy nhiên, chế biến thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện và chi phí cho mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến trong dài hạn.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ có 30-40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất và cần sự hỗ trợ. Lực lượng lao động tiếp tục khó khăn do số lượng công nhân chưa được tiêm vắc-xin còn cao, do các hậu quả của dịch bệnh, việc tập hợp lại lực lượng gặp khó khăn lớn. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, mất khách hàng do không đảm bảo tiến độ giao hàng; khó tập hợp lại lực lượng lao động.

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang cũng đã duy trì mô hình 3 tại chỗ từ 2 tháng nay. Tuy nhiên, lực lượng lao động giảm so với trước đây nên chỉ đáp ứng được khoảng 25% công suất. Vì thế mới đây công ty cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về thực hiện hiện dự án xây dựng khu nhà lắp ghép ở tạm phục vụ “3 tại chỗ” cho cán bộ, công nhân viên công ty. Dự án có quy mô 77 phòng, dự kiến cho 924 chỗ ở, thời gian dự kiến hoàn thành vào ngày 10-10 tới đây. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng đây việc làm rất cần thiết để duy trì sản xuất và đảm bảo phòng chống dịch. Tỉnh cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng công ty phải đảm bảo thực hiện theo quy định và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, sản xuất, chế biến trong nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng rất đa dạng về quy mô, loại hình, phương thức nên không thể có công thức chung, đáp án chung cho tất cả mà cần dựa trên những nguyên tắc chính thức, thống nhất, rõ ràng về phòng dịch, di chuyển của lao động để xây dựng phương án cụ thể cho từng doanh nghiệp, từng khu công nghiệp có sự thẩm định của địa phương. Phương án tổ chức sản xuất, chế biến của doanh nghiệp cần xây dựng linh hoạt trên cơ sở các nguyên tắc chung về phòng dịch, di chuyển của lao động. Cơ sở vật chất và kết cấu dây chuyền sản xuất; điều kiện cơ sở vật chất để tách dây chuyền, tách vùng đệm, cách ly các khu vực. Đặc thù hoạt động chế biến (chế biến ướt, chế biến khô...); không gian kín, hở, có sử dụng máy lạnh; số lượng công nhân, tính đa dạng loại hình công nhân, tính đa dạng địa bàn sinh sống của người lao động.

Ngoài ra nên tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh - vùng cam - vùng đỏ. Cần cho phép các doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn mô hình 3 tại chỗ, “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” hoặc kết hợp, xây dựng phương án áp dụng phù hợp khả năng và điều kiện. Khuyến khích doanh nghiệp đã duy trì tốt mô hình hiện tại mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở có vùng đệm giữa nhân sự mới và nhân sự hiện đang thực hiện 3 tại chỗ...

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ có 449 nhà máy thủy sản xuất khẩu, trong đó số cơ sở ngừng sản xuất là 176, chiếm 39%. Tỉnh Hậu Giang có 12 nhà máy thì có 5 tạm ngừng hoạt động, chiếm 42%.

 

Bài, ảnh: T.TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>