Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

05/09/2024 | 05:03 GMT+7

Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và từ nhiều nguồn lực, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt giúp người dân vùng nông thôn có nguồn nước sạch để bảo vệ sức khỏe và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có thêm khoảng 4.000 hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch sử dụng.

Đưa nước sạch đến người dân

Xã Hỏa Tiến là vùng nông thôn của thành phố Vị Thanh, trước đây nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu là do tự khoan cây nước để sử dụng. Nay đã có nhà máy cung cấp nước sạch nên người dân nơi đây rất phấn khởi. Bà Chiêm Ngọc Bích, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Vùng đất ở đây nguồn nước bị nhiễm phèn và đến mùa khô có hiện tượng mặn xâm nhập nên trước đây để có nước sử dụng người dân đều khoan cây nước xài. Mấy năm qua, trên địa bàn xã đã có nhà máy nước của Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp nước cho bà con, người dân không còn gặp cảnh khó khăn về nước sạch, gia đình tôi rất vui”.

Ông Nguyễn Văn Lòng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang (công ty), cho biết: Khi mới chia tách, hầu hết địa bàn nông thôn của tỉnh là vùng sâu, vùng xa, các trạm cấp nước chủ yếu là trạm mini và chỉ có duy nhất 1 Nhà máy nước Nàng Mau có số lượng khách hàng gần 1.000. Nhưng với sự quyết tâm và kiên trì của lãnh đạo công ty, cùng sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự hỗ trợ kịp thời của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, công ty đã vượt qua những khó khăn theo từng giai đoạn.

Thời điểm đầu, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (nay là công ty) quản lý hầu hết là các trạm cấp nước mini, công nghệ thô sơ, chất lượng nước không ổn định, nguồn thu rất ít. Đến khoảng năm 2010, trung tâm đã định hướng được việc tăng quy mô, công suất của các trạm cấp nước lớn hơn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Từ đó, hàng năm tùy vào điều kiện nguồn vốn có được mà tăng dần quy mô trạm và từng bước xóa dần, đi đến xóa hoàn toàn các trạm cấp nước mini.

Năm 2004, Trung tâm Nước sách và Vệ sinh môi trường nông thôn (nay là công ty) quản lý 274 trạm cấp nước, trong đó có 3 trạm cấp nước tập trung và 271 trạm cấp nước mini. Đến cuối năm 2023, công ty quản lý khai thác 26 trạm cấp nước tập trung với công nghệ tiên tiến, giảm 248 trạm so với năm 2004 và không còn trạm cấp nước mini. Năm 2004, sản lượng khai thác nước khoảng 400.000 m3/năm, đến năm 2024 đạt 10.272.906m3 tăng khoảng 9.872.906 m3/năm.

 Năm 2004, tổng số kilômet đường ống cấp nước trên địa bàn do trung tâm quản lý, khai thác khoảng 550. Hiện tại khoảng 3.000km đường ống, trong đó có nhiều trạm đạt từ 100km đến gần 200km đường ống. Năm 2004, có số tổng khách hàng là 7.970, đến nay đang quản lý là 82.918 khách hàng, tăng 71.982 khách hàng so với năm 2004.

Nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch

Trên thực tế hiện nay, ở các địa phương vẫn còn những tuyến chưa có ống nước kéo đến, hộ dân vẫn còn sử dụng nước giếng khoan. Ông Dương Văn Dũng, Trưởng ấp 8, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: Hiện trên địa bàn ấp, các tuyến thuận đường thì có đường ống cung cấp nước sạch cho hộ dân. Trong ấp còn tuyến từ cống Hai Lai giáp với ấp 12 khoảng 2,5km, với 50 hộ dân sinh sống vẫn đang sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước giếng khoan ảnh hưởng bởi môi trường nên chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, cũng mong các cấp, các ngành quan tâm để giúp người dân có nước hợp vệ sinh sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, để người dân trên địa bàn xã đều có nước sạch sử dụng, xã tiếp tục rà soát các tuyến đường chưa có nước sạch và đề xuất Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn xem xét mở rộng các tuyến đường ống cấp nước cho người dân.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tài chính. Ông Lê Kỳ Hội, Giám đốc công ty, cho biết: Việc đầu tư xây dựng các trạm cấp nước và phát triển tuyến ống đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn lực của công ty còn hạn chế. Theo đó, qua kết luận thanh tra của Bộ Tài chính thì Nhà nước không đầu tư vốn vào công ty để đầu tư công trình cấp nước cho các hộ dân còn lại. Mặt khác, do đặc thù người dân nông thôn thường sống phân tán dẫn đến suất đầu tư các công trình cấp nước cao, thời gian thu hồi vốn chậm nên công ty chưa thể thực hiện được.

Tuy nhiên, để nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hàng năm công ty sẽ tiếp cận các tổ chức tín dụng vay vốn để thực hiện theo quy hoạch phát triển của tỉnh. Đối với các tuyến ống nhánh, đông dân cư, kinh phí nhỏ, người dân đồng thuận cao, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, nhất là vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, vốn hạn mặn nếu có, công ty phối hợp tốt để thực hiện đồng bộ, phát huy tốt hiệu quả dự án.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang đang thực hiện công trình nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước tập trung Đông Thạnh, huyện Châu Thành, nâng công suất từ 35m³/h lên 150m³/h, tiến độ thi công đạt 34% khối lượng. Còn công trình nâng cấp, mở rộng Trạm cấp nước tập trung xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy nâng công suất từ 35m³/h lên 300m³/h đã thống nhất vị trí, diện tích quy hoạch đất xây dựng dự án. Công trình cải tạo cụm xử lý nhà máy nước Nàng Mau đang hoàn thành phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. Khi các công trình hoàn thành sẽ góp phần nâng thêm số lượng người dân sử dụng nước sạch trong thời gian tới.

Trong năm 2004, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 64%. Cho đến năm 2024, ước tính tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 98,36% tăng 34,36%, trung bình tăng 1,7% mỗi năm thông qua kết quả điều tra Bộ chỉ số hàng năm do UBND tỉnh phê duyệt.

 

T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>