Nhiệm vụ kép cho ngành hàng lúa gạo

09/08/2023 | 19:03 GMT+7

Tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực trong nước là hai nội dung trọng tâm được bộ, ngành liên quan của Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện trong lúc này.

Tình hình xuất khẩu và giá bán gạo thuận lợi đang kéo theo giá lúa hàng hóa tăng mạnh tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Khởi sắc thị trường xuất khẩu gạo

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho biết, tính hết tháng 7 vừa qua, Việt Nam ước xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ. Về cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu được tập trung thực hiện đúng hướng theo nhu cầu của thị trường như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm của Việt Nam được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hong Kong… thì một số khu vực thị trường ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc như EU.

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, thông tin: Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga được thực hiện từ gần hơn nửa cuối tháng 7 vừa qua đã có sự tác động lớn đến thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Trong đó, trọng tâm là Ấn Độ, nước chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của các thị trường trên đã và đang mở ra cơ hội không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khi liên tục có những hợp đồng xuất khẩu mới được đối tác liên hệ mời gọi thực hiện nhằm cung ứng gạo cho nhu cầu thị trường.

Không chỉ tình hình xuất khẩu gạo mang lại nhiều kết quả khởi sắc mà giá bán gạo cũng đạt mức cao nhất trong vòng hơn 11 năm qua. Cụ thể, giá bán gạo 5% tấm của Việt Nam được Hiệp hội Lương thực Việt Nam ghi nhận vào ngày 7-8 đạt mức 618 USD/tấn; riêng đối với dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine đạt 733 USD/tấn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, việc tăng giá gạo thời gian qua là “đột biến”, “tăng hàng ngày” và chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta biết rằng, đầu tháng 6, gạo trắng có giá chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng đến ngày 4-8 là 12.000 đồng/kg vẫn không mua được. Trong khi đó, gạo xuất khẩu đầu tháng 6 có giá 510 USD/tấn thì đến ngày 4-8 là 610 USD/tấn, nhưng bán rồi doanh nghiệp vẫn tiếc nuối vì hôm sau giá tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định: “Do tác động của thị trường, nhất là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ nên dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn rất lớn. Đây là cơ hội của Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này; song cũng cần nhận định sát những rủi ro của thị trường xuất khẩu”.

Đồng quan điểm về cân nhắc những yếu tố rủi ro trong xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần bình tĩnh vì một số nước cấm xuất khẩu gạo có khả năng chỉ là tình huống ngắn hạn 1-2 tháng, chứ không phải dài hạn 1-2 năm. Do đó, chúng ta không nên tự tạo áp lực cho chính mình mà phải đánh giá hết sức kỹ tình hình, phải bình tĩnh để có quyết định đúng nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong xuất khẩu gạo vào thời gian tới.

Để việc xuất khẩu gạo mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời tận dụng thời cơ để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và khẳng định được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới; Bộ Công thương đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương, nhấn mạnh: Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, phản biện chính sách, tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo và tham gia xây dựng phương án đàm phán FTA với các đối tác nhằm bảo đảm tối đa lợi ích cho doanh nghiệp. Về phía các thương nhân xuất khẩu gạo, nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; cũng như chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng xuất khẩu gạo. 

Đảm bảo an ninh lương thực 

Bên cạnh việc tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu gạo thì vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước là nội dung được các bộ, ngành liên quan của Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm trong lúc này. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dự kiến trong năm nay, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu héc-ta lúa, ước năng suất bình quân đạt 6,07 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 20 triệu tấn quy gạo. Qua tổng hợp nhanh của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa thu hoạch cả nước đến đầu tháng 8 đạt hơn 24,1 triệu tấn.

Về cân đối xuất khẩu gạo, với dự kiến tổng sản lượng lúa cả năm đạt được như trên thì ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi thì theo ước tính của Bộ NN&PTNT, lượng lúa dành cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay đạt hơn 15,1 triệu tấn, tương đương hơn 7,5 triệu tấn quy gạo. Tuy nhiên, con số trên chưa kể lượng lúa, gạo nhập khẩu hàng năm từ Ấn Độ, Campuchia về để phục vụ chế biến. Thế nhưng, hiện nguồn gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ đã không còn sau lệnh cấm nên khả năng sẽ phải bù đắp từ nguồn trong nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Bộ và các địa phương trong cả nước đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp người trồng lúa sản xuất đạt hiệu quả. Đặc biệt là khuyến cáo các địa phương tăng thêm 50.000ha sản xuất lúa Thu đông (đạt tổng diện tích 700.000ha lúa Thu đông) tại các vùng đảm bảo điều kiện canh tác để góp phần tăng sản lượng lúa, tận dụng thời cơ tốt về xuất khẩu gạo. Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường về thời tiết thì Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ đảm bảo đạt tổng sản lượng lúa như dự kiến để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện có không ít đơn vị trong ngành băn khoăn với con số xuất khẩu 7,5 triệu tấn quy gạo do Bộ NN&PTNT đưa ra. Theo chia sẻ của bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty lương thực Ngọc Quang Phát thì về lý thuyết, việc thống kê lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu là rất “đẹp”, nhưng thực tế đi vào thực hiện thì gặp nhiều khó khăn và giá lúa hàng hóa trong dân cũng tăng lên liên tục.

“Cụ thể là trong vụ lúa Hè thu đã và đang được nông dân vùng ĐBSCL vào vụ thu hoạch thì do tình hình mưa bão làm ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ về năng suất lúa cho người dân. Thực tế là có nhiều cánh đồng, nông dân thu được chưa đến 50% sản lượng lúa so với dự tính khi chưa có mưa bão, từ đó kéo theo việc doanh nghiệp thu mua với sản lượng ít. Do đó, ngành chức năng cần phải cân nhắc lại việc cân đối làm sao có gạo trữ trong nước được an toàn và việc xuất khẩu với số lượng vừa phải”, bà Huyền chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu thụ lúa gạo; đồng thời phòng, chống hiện tượng đầu cơ, găm hàng làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nội địa và nguồn hàng phục vụ xuất khẩu. Kịp thời báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Theo số liệu ước tính của cơ quan liên bộ, qua 7 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,84 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm nay còn khoảng 2,67 triệu tấn.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>