Nâng chất sản phẩm OCOP
Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các chủ thể đăng ký tham gia ngày càng nhiều, với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Các chủ thể OCOP luôn quan tâm nâng chất lượng, bao bì sản phẩm. Ảnh: H.THU
3 năm trước, Công ty TNHH Liên Hưng, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, có 2 sản phẩm là gạo Đài Thơm 8 và OM 5451 được công nhận OCOP 4 sao. Từ việc đầu tư bao bì, là sản phẩm được công nhận OCOP nên sản phẩm của công ty ngày càng được nhiều người biết đến. Không dừng lại ở đó, công ty này không ngừng cải tiến mẫu mã, đầu tư thêm trang thiết bị sản xuất gạo theo dây chuyền khép kín từ khâu chế biến đến đóng gói thành phẩm. Chất lượng ngày càng được nâng cao, sản phẩm gạo Đài Thơm 8 và OM 5451 còn được đưa lên sàn thương mại điện tử nên số lượng hợp đồng ngày càng nhiều hơn so với thời gian trước.
Từ sự chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, sau 3 năm được công nhận OCOP 4 sao, hiện giờ 2 sản phẩm gạo Đài Thơm 8 và OM 5451 đã được tái công nhận. Ngoài ra, mới đây công ty còn đưa 2 sản phẩm là gạo ST 25 và RVT tham gia OCOP và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm thị xã Long Mỹ công nhận 3 sao, đang trình tỉnh công nhận 4 sao trong năm nay. Ông Ngô Minh Đăng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên Hưng, cho biết: “Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm gạo của công ty chúng tôi luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về hình thức luôn được cải tiến mẫu mã sao cho bắt mắt hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng để tăng độ nhận diện và sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường hiện nay”.
Là một trong những chủ thể tham gia OCOP từ những ngày đầu ở thị xã Long Mỹ, cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Mỹ, phường Bình Thạnh, hiện có 3 sản phẩm lần lượt được công nhận OCOP 3 sao là kẹo đậu phộng, bánh hạnh nhân và bánh kẹp nước cốt dừa. Cơ sở này làm nghề gia truyền hơn 20 năm theo hình thức thủ công truyền thống. Từ khi tham gia chương trình OCOP, ngoài sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng, cơ sở còn mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà sản xuất vào năm 2023 theo quy trình khép kín một chiều, từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến, đóng gói sản phẩm. Hiện nay, cơ sở Tân Mỹ đang xin hỗ trợ của Nhà nước 50% kinh phí đầu tư thêm máy cán, máy cắt tự động để chế biến kẹo đậu phộng, giá máy hiện nay là 420 triệu đồng.
Bà Trương Cẩm Ngoa, chủ cơ sở bánh kẹo Tân Mỹ, cho biết thêm: “Chúng tôi luôn quan tâm nâng chất các sản phẩm OCOP đã được công nhận bằng cách không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, vì thế 2 sản phẩm kẹo đậu phộng và bánh hạnh nhân đã được công nhận OCOP 3 năm trước, nay đã được tái công nhận. Tham gia OCOP, mỗi tuần cơ sở của chúng tôi sản xuất được hơn 500kg, lượng mua tăng 30% so với thời gian trước vì sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Khách hàng hiện nay không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều nơi trong nước”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã Long Mỹ đã tổ chức 2 hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, qua đó đã công nhận 11 sản phẩm. Trong đó, có 8 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đủ điều kiện trình tỉnh công nhận 4 sao. Ngoài ra, đã tái công nhận 9 sản phẩm OCOP đã được công nhận trước đó. Trong đó có 7 sản phẩm 3 sao và có 2 sản phẩm đủ điều kiện trình tỉnh tái công nhận 4 sao. Nâng tổng số sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ hiện có lên 47 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao.
Bà Lý Lệ Hoa, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, đánh giá: Hiện nay, các sản phẩm OCOP của thị xã được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, các sản phẩm này được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, nhờ vậy doanh thu sản xuất của các chủ thể tăng từ 20-30%. Với quyết tâm cao của địa phương cùng sự hưởng ứng tích cực từ các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Chương trình OCOP trên địa bàn thị xã Long Mỹ đã từng bước khẳng định thương hiệu riêng của địa phương, tăng cường sức cạnh tranh cho các mặt hàng trên thị trường; góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cho biết, đến nay tỉnh có 266 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 92 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, với 125 chủ thể tham gia, trong đó 18 công ty; 36 hợp tác xã; 71 cơ sở, hộ kinh doanh. Thời gian qua, đơn vị luôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phát triển sản phẩm, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến ở các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
H.THU - H.NHÂN
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa