Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

14/03/2023 | 10:34 GMT+7

Huyện Châu Thành đang tăng cường triển khai các biện pháp phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Qua đây, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành ngày càng được nâng cao.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tính đến đầu tháng 3, huyện Châu Thành có 12 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác, 14 câu lạc bộ khuyến nông và 1 liên hiệp HTX trái cây. Địa phương đã xây dựng kế hoạch thi đua phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện năm 2023, đồng thời phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang thành lập mới Hợp tác xã đan đát ở thị trấn Ngã Sáu và Farm dưa lưới Ngọc Thành ở xã Đông Thạnh. Hỗ trợ Liên hiệp Hợp tác xã Mê Kông, HTX Trái cây sinh học OCOP xác định danh mục đầu tư, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định. Tổng diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện hiện có trên 10.600ha, sản lượng thu hoạch trong tháng qua khoảng 12.600 tấn. Bên cạnh đó, huyện đã xuống giống mới 27,8ha rau màu, tăng 42,7% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết thời gian qua lực lượng chuyên môn của ngành nông nghiệp tập trung tư vấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác, quản lý sinh vật hại trên các loại cây trồng và các phương thức tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh. Kết hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP mít cho 93,4ha/58 hộ nông dân. Tiếp tục theo dõi mô hình “Cải tạo đất trồng cây có múi tại các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.

Nông dân Lâm Thanh Phùng, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ về chuyên môn của ngành nông nghiệp, vừa qua tôi mạnh dạn thay mới những cây có giá trị kinh tế thấp, thay vào đó trồng xen nhiều loại cây ăn trái để vườn nhà thu hoạch được quanh năm. Mạnh tay thay thế sang những loại cây trồng năng suất cao, kết hợp với tư vấn của ngành nông nghiệp tôi vững tin hơn trong chăm sóc. Vườn nhà có nhiều loại cây ăn trái từ vú sữa, chôm chôm, xoài nên mùa nào cũng có trái cây bán, cho thu nhập quanh năm”.   

Trên lĩnh vực chăn nuôi những tháng đầu năm cũng có nhiều khởi sắc. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường. Trên địa bàn huyện không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, tổng đàn gia súc hiện có gần 3.000 con; tổng đàn gia cầm hiện khoảng 155.000 con. Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản huyện đang tăng cường tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; đồng thời kiểm tra công tác tiêu độc khử trùng cơ sở giết mổ, gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, để chủ động khống chế được một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản và một số bệnh khác nhằm bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND huyện Châu Thành ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023. Qua đây đẩy mạnh việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về chăn nuôi, thú y và thủy sản, cơ chế chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Thông tin kịp thời, chính xác về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trên động vật trong địa bàn huyện. Tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về công tác tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang động vật, từ động vật sang người.

Trên cơ sở đó, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản của địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi, thú y, thủy sản về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với các bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản bắt buộc phải công bố dịch. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với thú y cơ sở quản lý tốt tổng đàn gia súc, gia cầm và vùng nuôi thủy sản; tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của trạm chăn nuôi và thú y; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh ở động vật trên địa bàn quản lý.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện trực tiếp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyên môn liên quan đến lĩnh vực thú y, thủy sản; tham mưu lập dự toán, quản lý, phân phối kịp thời, đúng quy định nguồn kinh phí phòng, chống dịch được cấp. Thường xuyên cập nhật thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản về tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của vi-rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Huy động lực lượng, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp với các cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản...

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>