Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo

17/04/2024 | 09:15 GMT+7

Vụ lúa Đông xuân ở Hậu Giang vừa thu hoạch dứt điểm được đánh giá là “được mùa, được giá” làm cho nông dân vô cùng phấn khởi, tạo động lực để người dân tiếp tục gia tăng sản xuất vụ lúa Hè thu, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, đây là điều kiện để ngành nông nghiệp, các chuyên gia tiếp tục có những giải pháp để giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định, bền vững. 

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả canh tác lúa.

Cơ hội để phát triển sản xuất

Tỉnh Hậu Giang nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, với diện tích đất sản xuất lúa khoảng 77.000ha, hàng năm diện tích gieo trồng cây lúa đạt khoảng 180.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá lúa gạo tại Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng theo. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng ổn định diện tích và sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt gạo. Với sự biến động mạnh của giá lúa trong thời gian qua, nông dân trồng lúa tại Hậu Giang vô cùng phấn khởi vì bán được giá cao hơn những năm trước, nhưng không khỏi lo lắng vì chi phí phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất theo đó cũng tăng đáng kể, đồng thời tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua.

Người trồng lúa trong tỉnh luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm lúa gạo để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Anh Đặng Minh Đức, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, vừa thu hoạch xong 1,2ha lúa Đông xuân với giống Đài Thơm 8, cho biết: “Giá lúa các vụ gần đây ở mức cao, giúp người trồng lúa có thêm nguồn lợi nhuận. Tuy nhiên, tình hình dịch hại vào cuối vụ vừa rồi gia tăng nên chi phí đầu tư cho vụ lúa cũng tăng thêm. Mặc dù giá lúa gạo biến động theo giá thị trường, nhưng tính ra vụ Đông xuân nông dân cũng có lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha. Khi giá lúa gạo ở mức cao nông dân sẽ có điều kiện chăm sóc kỹ hơn, nhất là chọn những giống lúa có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo sạ nhằm có lợi nhuận cao nhất”.

Còn anh Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cũng đã thu hoạch xong 4,5ha lúa Đông xuân cho biết vùng này nông dân thường gieo sạ muộn và chỉ làm 2 vụ lúa/năm. Lúc này hạn mặn gay gắt, nông dân sẽ bỏ đất trống chờ đến mưa xuống mới gieo sạ lại. Ở vụ lúa vừa rồi, anh gieo sạ giống Đài Thơm 8, cho năng suất 950kg/công (công 1.300m2), với giá bán 8.200 đồng/kg, tính ra lợi nhuận thu về hơn 4,5 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Thời gian này, anh thực hiện vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cày ải để phơi đất, tạo cho đất tơi xốp chuẩn bị cho vụ mới.

Đến thời điểm này, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Đông xuân gần 74.400ha, với năng suất đạt khoảng 7,8 tấn/ha, bán với giá từ 7.600-8.500 đồng/kg tùy giống và tùy vào thời điểm thu hoạch. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Có thể khẳng định vụ lúa Đông xuân của tỉnh đã thắng lợi về năng suất, giá bán, góp phần rất lớn vào tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Hiện tại, ngành đang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sản xuất lúa Hè thu ở những nơi nước ngọt đảm bảo và không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Theo kế hoạch, vụ lúa Hè thu trong tỉnh sẽ xuống giống khoảng  73.800ha, tổng sản lượng đạt 442.800 tấn, vì vậy ngành nông nghiệp đã yêu cầu phòng NN&PTNT các huyện, phòng kinh tế thành phố, thị xã phối hợp các xã, phường, thị trấn chỉ đạo nông dân trên địa bàn xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” của địa phương để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và sự lan truyền của bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Chỉ đạo các trạm chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tuân thủ lịch xuống giống. Khuyến cáo nông dân không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng. Đặc biệt, hiện nay diễn biến hạn mặn, rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá còn khả năng ảnh hưởng lớn đến sản xuất, do đó các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin từ các cơ quan chuyên môn; đồng thời không được nóng vội xuống giống vụ lúa Hè thu ngoài lịch do khả năng rầy nâu di cư với mật số cao từ ruộng lúa đang thu hoạch sang trà lúa mới gieo sạ trên địa bàn.

Nhiều giải pháp căn cơ

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, nhất là triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung duy trì diện tích sản xuất lúa hàng năm, đồng thời vận động người dân tăng cường mở rộng sản xuất diện tích vụ Thu đông tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để gia tăng sản lượng lúa của tỉnh. Tập trung xây dựng và phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được các vùng trồng lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước.

Đồng thời, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chuyên môn từ tỉnh đến địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường, phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp.

Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân cắt giảm chi phí trong khâu sản xuất lúa thông qua việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất theo hướng xanh, tăng cường cơ giới và tự động hóa luôn là giải pháp căn cơ, lâu dài mang tính thích ứng với thị trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và nhận thức người tiêu dùng, kể cả trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. Duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất những giống lúa chất lượng cao, thơm đặc sản, đồng thời với việc giữ vững và phát triển thương hiệu sản phẩm mang tính quyết định cho vị thế thị trường lúa gạo của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng gia tăng. Nghiên cứu và phát triển mô hình liên kết giữa các công ty xuất khẩu và chế biến lúa gạo với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã một cách có hiệu quả, linh động theo hướng trách nhiệm và bền vững hơn, dựa trên cơ sở phát triển các vùng nguyên liệu lớn, sản xuất lúa chuyên canh với chất lượng cao, cũng như tăng cường mối liên kết ngang giữa các công ty xuất khẩu và chế biến lúa gạo để tận dụng nguồn lực và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại một cách có hiệu quả hơn. Phát triển kênh thị trường lúa gạo càng ngắn càng tốt nhằm để vừa kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, vừa giảm được những chi phí trung gian trong quá trình lưu thông phân phối, nhằm không ngừng gia tăng giá trị cho các kênh thị trường hiện hữu, đặc biệt đối với kênh xuất khẩu.

Chuyên gia Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, định hướng đến năm 2030 phát triển ngành lúa gạo bền vững và hiệu quả làm nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân và các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, xuất khẩu gạo giá trị cao. Mục tiêu là giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu héc-ta, sản lượng 35 triệu tấn, xuất khẩu 4 triệu tấn. Ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến khoảng 70% diện tích; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%. Giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80kg/ha) trên 80% diện tích. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 80%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt 100%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng liên kết sản xuất - tiêu thụ khoảng 50%. Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 10%.

Qua khảo sát của ngành chuyên môn, quy mô sản xuất lúa của nông hộ chủ yếu dưới 0,2ha, chiếm tỷ trọng lên tới 57,3% năm 2020. Các hộ có quy mô sản xuất lúa trên 2ha chỉ chiếm chưa tới 3%. Do đó, việc thúc đẩy “tích tụ, tập trung” đất lúa là một chủ trương lớn vì sẽ dẫn đến sự thay đổi diện mạo ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu quy mô hộ sản xuất lúa và tác động đến gia tăng hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập người trồng lúa. Hiện tại nhiều mô hình “tích tụ, tập trung” đất lúa thực hiện có hiệu quả trên cả nước. Ngoài ra, các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng cần áp dụng hiệu quả kỹ thuật thực hành sản xuất tốt như 1 phải 5 giảm; áp dụng máy sạ cụm hay máy sạ hàng giúp giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 60-80 kg/ha. Giảm mật độ gieo sạ là điều kiện thuận lợi để giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tiến đến áp dụng kỹ thuật canh tác lúa chính xác trong tương lai. Thực hiện sản xuất lúa gạo an toàn, hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, theo thị hiếu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu...

Bài, ảnh: HOÀI THU  

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>