Mắm cá tra đạt chuẩn OCOP 3 sao

04/10/2023 | 08:02 GMT+7

Chân lấm tay bùn từ thuở còn thơ, nay đã 55 tuổi bà vẫn làm nông kiếm sống, nhưng được cái nhớ nghề của mẹ ngày xưa - làm mắm, cộng với áp dụng đúng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mà nay sản phẩm của bà làm ra đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Chị Hơn (giữa) giới thiệu sản phẩm của mình.

Về huyện Phụng Hiệp, hỏi Mắm cá tra Cô Út Hơn là người ta chỉ ngay đến nhà bà. Bà là Nguyễn Thị Hơn, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng.

Nhà bà Hơn nằm trên trục lộ chính của xã nối liền với huyện lỵ. Bà đang vựa gần 2 tấn mắm cá tra để bán vào dịp tết.

Bà Hơn làm nghề này cách nay khoảng 4-5 năm, ban đầu đơn giản là mua cá tra của các chủ hầm cá đã bán nhưng cá còn sót lại về làm, vốn khởi nghiệp trên chục triệu đồng. Nghề này được bà học từ mẹ với những bí quyết gia truyền nên không lâu sau khi làm “hậu duệ”, mắm cá tra của bà trở nên có tiếng bởi thịt mắm dai, thơm ngon, vừa miệng.

Tiếng lành đồn xa. Vậy là bà như được tiếp thêm động lực mở rộng quy mô.

Bà Hơn kể, nguồn nguyên liệu từ các hầm cá cho ăn thức ăn, được bà đặt và bạn hàng chở đến tận nhà mỗi đợt vài trăm ký, cá chở đến phải còn tươi để chất lượng mắm làm ra sau đó đạt chuẩn.

Về quy trình là cả một giai đoạn cực nhọc, kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm khuyến cáo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó, sau khi nhận cá, bà Hơn nói không được sơ chế liền mà phải bỏ vô thùng đá ngâm qua đêm, làm như vậy để hôm sau lấy cá ra cạo rửa sẽ sạch hơn và thịt cá không bị bở khi thành mắm. Kế tiếp là công đoạn muối cá, thính cá (rang gạo cho vàng rồi xay nhuyễn, ướp đều lên cá), sắp cá vô thùng, chao mắm… Tất cả công đoạn cộng lại khoảng 5 tháng thì thành mắm.

“Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm cực lắm. 100kg cá chế biến thành 50kg mắm, được làm trong 3 ngày công của 1 người. Để thịt mắm thành phẩm có màu đỏ đẹp và không tanh, cả công đoạn phải đảm bảo về mặt thời gian và có thêm chút hương vị của mẹ truyền lại. Ngoài thính đạt chất lượng thì đường, muối… phải đúng tỷ lệ. Vậy mắm mới thơm ngon!”, bà Hơn chia sẻ.

Hiện nay, vốn trong kho mắm của bà gấp hơn chục lần vốn đầu tư ban đầu; khoảng 2 tấn mắm được chứa trong các thùng và keo. Ban đầu, chị làm ra mắm chứa trong keo mũ để bán, sau thì in thông tin hẳn hoi với tên đăng ký “Mắm cá tra Cô Út Hơn” dán vào keo. “Tôi trưng trước nhà, hầu như ngày nào cũng bán ít nhiều, gần tết sẽ hút hàng hơn ngày thường”, bà Hơn thông tin.

Nói về sản phẩm mắm OCOP này, bà Phạm Thị Hằng Ni, Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Hưng, cho biết, đây là sản phẩm đặc trưng của Hội LHPN xã bởi hiện chỉ có chị Hơn làm đạt chuẩn 3 sao. “Thành công xuất phát từ sự cần cù, chịu khó của hội viên phụ nữ nòng cốt Nguyễn Thị Hơn luôn thức khuya dậy sớm miệt mài với công việc; luôn lắng nghe và thực hiện đúng các khuyến cáo khi Hội phối hợp các đơn vị liên quan trong hướng dẫn, trao đổi với chị về quy trình đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm mắm”, chị Ni nhấn mạnh.

Mắm cá tra của chị Hơn làm ra hiện nay rất chất lượng, có nhãn hiệu với thông tin về sản phẩm rõ ràng, địa chỉ cụ thể; được chứa trong các keo mũ trọng lượng khác nhau để người mua dễ lựa chọn. Không muốn bị hụt hàng cung, cứ vài tháng, thấy kho mắm vơi đi là bà Hơn mua thêm cá về làm mắm.

Gần một năm đạt chuẩn OCOP, Mắm cá tra Cô Út Hơn được nhiều người biết đến. Bà chủ này kể, đã có nhiều người gọi điện đến đặt mua, nói là mắm ngon để gửi làm quà cho bà con, bạn bè. Tuy nhiên, tầm vươn của… mắm cũng chưa xa lắm, rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp.

Bà Dương Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phụng Hiệp, nói: Đơn vị đã và đang rất tích cực giúp chị em khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, làm giàu; với các trường hợp cần hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, cán bộ hội cấp xã, huyện rất nhiệt tình. Hội sẽ tìm hiểu kỹ hơn nữa cơ sở Mắm cá tra Cô Út Hơn để quảng bá rộng rãi, gần nhất sẽ là các hội chợ ở tỉnh, địa phương lân cận. 

Toàn huyện Phụng Hiệp có 16 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ, trong đó có sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Bắt tay vào làm sản phẩm OCOP, Hội LHPN huyện rất quan tâm đến tư vấn, trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ vốn cho chị em khi cần. Quan trọng nhất là để chị em tiến nhanh đến đích OCOP nhiều sao, góp phần giúp địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng, thúc đẩy kinh tế - xã hội thêm phát triển…

Bài, ảnh: T.THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>