Làm nông thời công nghệ: Bớt vất vả, nhẹ gánh lo

15/05/2024 | 08:23 GMT+7

Bắt nhịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân trong tỉnh đã thay đổi tư duy chuyển từ lao động chân tay sang dùng máy móc, giảm bớt gánh nặng trong sản xuất nhưng chi phí và hiệu quả tăng lên rất nhiều.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở huyện Vị Thủy, phấn khởi vì rải phân, xịt thuốc giờ đều bằng máy bay không người lái.

Làm nông sướng lắm

“Làm nông bây giờ sướng lắm!” là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Tùng, ở huyện Vị Thủy, khi dẫn chúng tôi ra miếng ruộng dọc Quốc lộ 61C. Chỉ tay về phía cánh đồng 14 công lúa xanh tốt vừa xuống giống cách đây khoảng 1 tháng, anh Tùng cho hay, lát nữa sẽ có máy bay không người lái đến để rải phân cho ruộng. Từ ngày biết đến dịch vụ này, công việc làm ruộng của gia đình anh nhẹ nhàng hơn hẳn, anh không cần tiếp xúc với hóa chất, cũng không phải mang vác trên lưng những chiếc bình thuốc nặng trĩu. Nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay, thăm ruộng đã mệt nhoài, nói chi đến việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo cách truyền thống ngày xưa.

“Rải phân, xịt thuốc bằng máy bay tôi thấy hiệu quả cao. Thứ nhất là phân thuốc đều khắp ruộng. Thứ hai, đỡ tốn tiền mướn nhân công, lợi nhiều thứ cho nông dân mình. Mình muốn xịt thuốc, rải phân thì chỉ cần hỏi giá, đồng ý thì người ta đến định vị rồi làm. Phân, thuốc mình chuẩn bị. Bay một công chỉ 16.000 đồng, trong khi làm bằng thủ công tới 27.000 đồng/công”, anh Tùng cho hay.

Theo lời anh Tùng, sử dụng dịch vụ máy bay không người lái, mỗi lần thực hiện, máy bay chỉ cần 2 người phụ trách. Nhà nào có điều kiện thì mua máy làm của, nhà nào ít nhu cầu hơn thì có thể liên hệ dịch vụ là được phục vụ ngay. Anh Tùng cho hay: “Nói chung giờ làm máy không hà. Nếu tới ngày thu hoạch thì chỉ cần cuốn sổ, cây viết với bao đựng lúa là đủ rồi. Một mình vẫn làm được. Ngày xưa cực lắm, còn bây giờ thoải mái, nông dân đứng trên bờ thôi. Mình rải một công bằng bao nhiêu ký phân thì máy định vị là rải cho mình, đều rang”.

Tại nhiều cánh đồng, vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, máy móc đã dần hiện diện, thay sức người trong những công việc vất vả, nặng nhọc, giải quyết “gọn lẹ” bài toán thiếu nhân công. Từ chuyện máy bơm điện, máy cày, máy xới đất, máy gặt đập liên hợp, máy xúc… Đó là chưa kể các hệ thống cảm biến thông minh. Sử dụng một chiếc điện thoại thông minh nông dân có thể nắm rõ tình hình, chất lượng nguồn nước, tình hình sâu bệnh, những thay đổi của thời tiết và chủ động đưa ra phương án xử lý. Chính vì vậy, người ta còn gọi thời điểm hiện nay là làm nông trên những cánh đồng không dấu chân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng là cách mà các HTX trên địa bàn tỉnh đang thực hiện. Là một trong những đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao, giờ đây, Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát, ở huyện Phụng Hiệp, đã khẳng định lựa chọn của HTX cách đây vài năm là hoàn toàn chính xác. Gần 20 hộ sản xuất khoảng 4ha, nhẹ lo đầu ra cho 250-280 tấn trái/năm. Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc canh tác của bà con trong HTX nhẹ hơn trước rất nhiều. Dưa lưới được truy xuất nguồn gốc với mã số vùng trồng để các khách hàng biết và đồng thời cũng an tâm khi sử dụng sản phẩm của HTX.

Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương khác, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã triển khai giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quá trình sản xuất của nông dân. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng xong bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp trực tuyến.

“Muốn chuyển đổi số thì phải có con người số, am hiểu sử dụng các thiết bị mới chuyển đổi được. Hiện nay, sẽ chia ra làm 3 phân tầng. Phân tầng thứ nhất, những cái trang trại. Trang trại quy mô thì gần như áp dụng khoa học công nghệ hết rồi. Nhóm thứ 2 là nông dân ở mức độ trung bình, người ta cũng bắt đầu thay đổi tập quán, thói quen. Thay vì trước giờ dựa vào kinh nghiệm thì đã bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật. Còn nhóm mà thu nhập chính không phải dựa vào sản xuất nông nghiệp thì nhóm đó chậm. Nhìn tổng thể, chuyển đổi số đang tác động đến nông nghiệp rất mạnh mẽ, tích cực”, ông Long nhấn mạnh.

Thực tế đã chứng minh, khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp mang lại hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm truyền thống, mà người nông dân sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc, quản lý. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi thực sự có hiệu quả, bền vững, rất cần có sự chung tay, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương để nông dân Việt Nam thực sự là những “nông dân 4.0”, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích