Khôi phục sản xuất nông nghiệp: Nhiều thách thức và sự quyết tâm

07/09/2021 | 07:51 GMT+7

Mục tiêu trọng tâm từ nay đến cuối năm là ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh khôi phục sản xuất nhằm ổn định cuộc sống người dân.

Công tác thu mua nông sản tồn đọng của người dân đã và đang được các ngành chức năng tỉnh nỗ lực thực hiện.

Khó đạt diện tích lúa Thu đông

Qua hai vụ lúa Đông xuân và Hè thu, nhờ nông dân trong tỉnh đảm bảo về diện tích xuống giống, năng suất và sản lượng ở mức cao nên đây là yếu tố chính làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) qua 8 tháng đầu năm đạt 2,33%. Thế nhưng, ngành chức năng tỉnh dự báo đến cuối năm sẽ giảm xuống còn 2,13% vì nhiều ngành của khu vực I bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi kế hoạch đề ra là 2,25%. Do đó, một trong những yếu tố được đặt nhiều kỳ vọng trong những tháng còn lại của năm nhằm vực dậy cho khu vực I là vụ lúa Thu đông đã và đang xuống giống. Tuy nhiên, tình hình sản xuất thực tế của vụ lúa này hiện nay không được như kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Đến ngày 31-8, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 31.000ha lúa Thu đông, tập trung ở huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Hiện tại, chỉ còn một phần của huyện Long Mỹ do nông dân đang thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ nên sẽ tiến hành gieo sạ lúa Thu đông trong thời gian tới, nhưng chậm nhất đến ngày 10-9 phải xuống giống dứt điểm để đảm bảo cơ cấu mùa vụ cho vụ sau. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị thì khả năng năm nay tỉnh sẽ không đạt chỉ tiêu về diện tích lúa Thu đông theo kế hoạch đề ra là 36.700ha. Nguyên nhân là do giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng mạnh, nhất là giá phân bón; trong khi giá lúa lại ở mức thấp (hiện dao động từ 5.200- 5.400 đồng/kg đối với giống lúa OM 18) nên bà con nông dân ở vùng lúa huyện Long Mỹ e ngại sản xuất vụ Thu đông vì sợ thua lỗ.

Ngoài giá vật tư nông nghiệp đang tăng thì theo phản ánh của một số địa phương đang có lúa trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện Long Mỹ như xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A và Xà Phiên thì hiện tại do gặp khó di chuyển trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 nên tình trạng thiếu máy cắt đang diễn ra cục bộ tại nhiều cánh đồng. Đồng thời kết hợp với mưa dầm làm cho ùn ứ công cắt khá nhiều, từ đó kéo dài thời gian cắt lúa sẽ diễn ra. Trong khi theo chỉ đạo của UBND huyện Long Mỹ là nông dân phải xuống giống lúa Thu đông chậm nhất đến ngày 20-9, những trường hợp gieo sạ trễ sẽ bị lập biên bản để xem xét không hỗ trợ thiệt hại nếu có xảy ra thiên tai. Mặt khác, cũng do gặp khó khăn trong di chuyển nên tình trạng thiếu máy ở khâu làm đất trước khi gieo sạ cũng xảy ra cục bộ ở nhiều cánh đồng trong lúc này.

“Từ nhiều yếu tố trên nên khả năng diện tích lúa Thu đông năm nay của xã Lương Tâm chỉ đạt khoảng 300ha, trong khi mọi năm là hơn 500ha”, ông Trần Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho hay.

Tăng diện tích rau màu và cá ruộng

Để gỡ khó về khả năng không đạt diện tích lúa Thu đông theo kế hoạch, hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Theo đó, trước dự báo về khả năng mặt hàng rau, củ, quả sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới nhằm phục vụ nhu cầu của người dân tại các địa phương còn diễn biến phức tạp về tình hình dịch Covid-19; vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp cùng ngành chức năng các địa phương trong tỉnh tổ chức vận động người dân ở những vùng có điều kiện nhưng không canh tác lúa Thu đông sẽ chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày nhằm tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con. Điều phấn khởi là theo tổng hợp của ngành nông nghiệp tỉnh, khoảng 10 ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã trồng mới diện tích rau màu các loại đạt gần 600ha.

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất vườn kém hiệu quả và đất ruộng không canh tác lúa Thu đông. Trong đó, ưu tiên trồng các loại rau màu ngắn ngày phục vụ nhu cầu thị trường sắp tới theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường hỗ trợ người dân trong thực hiện liên kết chuỗi để đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra được ổn định trong điều kiện dịch Covid-19.

Bên cạnh rau màu ngắn ngày thì việc tăng diện tích nuôi cá ruộng thay cho vụ lúa Thu đông cũng là giải pháp được nhiều địa phương vùng hạ nguồn của tỉnh như huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ quan tâm thực hiện. Bởi theo dự báo từ ngành chuyên môn của Trung ương và tỉnh thì thời tiết trong những tháng cuối năm sẽ xuất hiện mưa nhiều và lũ thượng nguồn từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ ở mức cao, trong đó đỉnh lũ năm nay sẽ ở mức báo động III. Vì vậy, trên các cánh đồng không canh tác lúa Thu đông của tỉnh sẽ xuất hiện nước tương đối nhiều nên tạo điều kiện cho mô hình nuôi cá ruộng hiệu quả.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Nhiều mùa lũ qua, huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện tích nuôi cá ruộng tương đối lớn của tỉnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở những tháng nhàn rỗi. Năm nay, địa phương tiếp tục duy trì diện tích hơn 3.000ha và cố gắng vận động người dân tăng diện tích thêm để tạo nguồn thu nhập và nhằm bù đắp phần nào GRDP chung của ngành nông nghiệp đối với những địa phương giảm diện tích lúa Thu đông. Về lúa Thu đông của huyện Phụng Hiệp, đến ngày 31-8, nông dân đã gieo sạ được 7.011ha, kế hoạch là 7.500ha. Những ngày tới, địa phương tiếp tục vận động người dân xuống giống để đảm bảo đạt diện tích đề ra.  

Diện tích lúa Thu đông có thể không đạt kế hoạch nên nông dân trong tỉnh đang tích cực chăm sóc để đạt năng suất cao.

Nỗ lực tiêu thụ nông sản

Cùng với việc gỡ khó cho diện tích lúa thì vấn đề tồn đọng và giải quyết đầu ra nông sản của người dân cũng là những thách thức không nhỏ cho ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương trong những tháng cuối năm. Tính đến ngày 31-8, sản lượng nông sản còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh là 6.337 tấn, trong đó có 42 tấn rau màu, 659 tấn trái cây, 5.554 tấn thủy sản và 83 tấn heo, trâu, bò, gia cầm. Cụ thể là có 4.800 tấn nông sản các loại không có thương lái đến tận hộ dân để thu mua, còn lại 1.536 tấn nông sản người dân chưa muốn bán do giá thấp.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Để giải bài toán trong tiêu thụ nông sản tồn đọng của người dân do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả những công việc đã nỗ lực làm như thời gian qua. Cụ thể là phối hợp cùng ngành công thương và các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh tổ chức kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cá nhân trong, ngoài tỉnh tổ chức thu mua nông sản cho người dân. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh còn ban hành văn bản hướng dẫn thu mua, thu hoạch nông sản trong “vùng xanh”; cũng như phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu mua, thu hoạch và sản xuất nông sản. Đặc biệt là hàng ngày, đơn vị đều rà soát và có báo cáo đến Tổ công tác của Bộ NN&PTNT về tình hình sản xuất, sản lượng nông sản còn tồn đọng để kịp thời hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản.

Minh chứng là từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh đã kết nối tiêu thụ được 97 tấn gạo, gần 82 tấn khóm trái, 231.000 trứng vịt tươi, 35 tấn sản phẩm chế biến từ cá (thành phẩm và nguyên liệu), gần 853 tấn trái cây các loại và gần 110 tấn rau củ quả. Ngoài ra, có hai HTX điển hình trong tỉnh là HTX Kỳ Như đã kết nối bán được 1.000 combo với các loại sản phẩm là khô sặc rằn, chả cá thát lát, khổ qua, dưa leo, trứng muối, trứng tươi, hành, ớt; đồng thời HTX Thịnh Phát bán được 1.500 combo gồm 6 loại rau, củ, quả như dưa leo, khổ qua, mướp, bắp, cam sành, bí đỏ.

Ngoài ra, thực hiện ký kết giữa tỉnh Hậu Giang với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 trong việc hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch Covid-19 thì mới đây ngành nông nghiệp đã phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức bàn giao 10 tấn nông sản, gồm: 3 tấn khóm, 2,05 tấn dưa leo, 1,7 tấn mướp, 1,5 tấn đu đủ, 1 tấn củ cải trắng, 450kg khổ qua và 300kg rau màu các loại cho Quân khu 9 chở đi tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Quân khu 9 trong tiêu thụ nông sản tồn đọng cho người dân.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, từ đó xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và địa phương trong tỉnh tổ chức chỉ đạo mở rộng tối đa diện tích sản xuất lúa Thu đông ở những vùng có đủ điều kiện, phấn đấu đạt sản lượng lúa cả năm trên 1,2 triệu tấn. Ngoài ra, tổ chức rà soát nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị... và khả năng cung ứng để có sự chủ động. Đồng thời, giám sát, kiểm tra chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời ngăn chặn tình trạng mua bán hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sản xuất. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án và các nguồn vốn của ngành đã được phê duyệt; cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu vào cuối năm...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>