Hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở huyện Long Mỹ

29/08/2023 | 08:25 GMT+7

Xác định nông nghiệp là thế mạnh nên cùng với việc tập trung, tạo điều kiện cho các mô hình trên địa bàn phát triển, huyện Long Mỹ còn tận dụng các lợi thế sẵn có về địa lý và cao tốc để mở rộng đầu ra cho sản phẩm địa phương.

Huyện Long Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Nông nghiệp khởi sắc

Từ chỗ phục vụ nhu cầu gia đình, anh Trần Minh Nìm, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đã mạnh dạn đầu tư và phát triển thành cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm, ăn nên làm ra với lợi nhuận khoảng 600-700 triệu đồng/năm. Anh Nìm cho biết, cơ sở có nhiều điểm đặt thùng ong tại các địa phương ĐBSCL. Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở của anh Nìm còn tạo việc làm cho người dân, đoàn viên, thanh niên tại địa phương với thu nhập ổn định 50-70 triệu đồng/năm.

“Cơ sở quyết tâm giữ vững chất lượng sản phẩm đã có. Mở rộng thị trường thông qua các hoạt động giới thiệu mật ong quê hương để nhiều người biết đến. Tiếp tục nghiên cứu cho ra sản phẩm mới để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”, anh Trần Minh Nìm, bộc bạch.

Chọn nông nghiệp làm kinh tế cũng là cách mà ông Trần Văn Niềm, ở xã Thuận Hưng, thực hiện. Ông Niềm là người tiên phong trong việc nuôi lươn thời gian qua ở ấp 8 với quy mô gần 1.000m2. Ngoài nuôi lươn thịt, ông Niềm còn sản xuất và cung cấp lươn giống, chuyển giao kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân có nhu cầu.

Anh Nìm và ông Niềm là hai trong nhiều mô hình kinh tế đang cho hiệu quả cao tại huyện Long Mỹ. Bên cạnh tập trung mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương luôn còn chú trọng nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, trợ lực cho các mô hình kinh tế. Đến thời điểm này, địa phương có 4/7 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM (xã Vĩnh Thuận Đông, xã Lương Tâm, xã Thuận Hòa, xã Thuận Hưng), riêng xã Thuận Hưng được công nhận xã NTM nâng cao vào năm 2022. 3 xã chưa đạt chuẩn NTM của huyện Long Mỹ, gồm: Vĩnh Viễn A, Xà Phiên, Lương Nghĩa, hiện đạt trên 13 tiêu chí NTM. Đối với tiến độ xây dựng xã NTM nâng cao, hiện xã Thuận Hòa đạt 10/19 tiêu chí, xã Vĩnh Thuận Đông và Lương Tâm cùng đạt 9/19 tiêu chí. Ngoài ra, huyện Long Mỹ hiện có 16 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao. Dự kiến trong năm nay, huyện Long Mỹ ra mắt thêm 12 sản phẩm OCOP mới.

Tận dụng lợi thế sẵn có

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết: Huyện hướng người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm thị trường cần, đảm bảo về số lượng, chất lượng. Nông dân tham gia các HTX ngày càng nhiều nên việc ứng dụng cơ giới ngày càng tăng, giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được người dân quan tâm và áp dụng, đặc biệt là chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái hay thủy sản.

“Theo bộ tiêu chí NTM địa phương vẫn còn một số xã cần phải đầu tư nguồn lực của Nhà nước là chính. Đây là khó khăn, tuy nhiên địa phương đã cân đối những vấn đề cơ bản cho nên việc đầu tư tiếp tục không còn nhiều. Lộ trình kế hoạch vốn trung hạn đã được đề xuất, huyện Long Mỹ có thể đảm bảo 100% xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2025”, ông Lê Hồng Việt thông tin.

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho hay: UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban xây dựng lộ trình cụ thể đối với từng xã, đánh giá dựa trên hiện trạng địa phương, những tiêu chí nào cần đạt từ đó xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở đó, địa phương phối hợp, đặc biệt là ban chỉ đạo của xã triển khai, hàng tháng báo cáo về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì để tham mưu cho UBND huyện.

“Phát triển nông nghiệp là thế mạnh của huyện, chiếm hơn 63% giá trị sản xuất. Địa phương xây dựng đề án, thứ nhất là xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao; quy hoạch vùng lúa chất lượng cao khoảng 4.000ha. Thứ hai, phát triển các HTX gắn với liên kết bao tiêu và khép kín. Hướng mới của huyện ngoài việc HTX phục vụ dịch vụ sản xuất nông nghiệp, sẽ kết hợp tích tụ ruộng đất, huy động thành viên các HTX không sản xuất nhỏ lẻ mà gom lại cho HTX thuê để thực hiện trên một cánh đồng lớn, diện tích lớn. Bên cạnh đó, địa phương đang thí điểm các thành viên HTX kết hợp dịch vụ thủ công mỹ nghệ”, ông Dương Ngọc Hải cho hay. 

Cũng theo ông Hải, tận dụng lợi thế tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi ngang qua, các HTX trên địa bàn có điều kiện kết nối, phát triển sản phẩm. Huyện Long Mỹ là trung tâm, bán kính xung quanh 30km, rất thuận lợi vận chuyển nguyên liệu lúa, cây ăn trái, rau màu… Đây là cơ hội cho địa phương, các HTX, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện kết nối với các huyện trong và ngoài tỉnh.

Về hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, ông Dương Ngọc Hải thông tin: “Đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp chưa có hiệu quả. Chúng tôi đang kiến nghị Trung ương điều chỉnh sang công nghiệp gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, vừa phát triển những mô hình của lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển cho địa phương”.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>