Hiệp Hưng vượt khó xây dựng nông thôn mới

23/04/2023 | 13:16 GMT+7

Xuất phát điểm thấp, nhưng với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nên chỉ trong thời gian ngắn, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới và long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu vào sáng ngày 24-4.

Cảnh quan môi trường được người dân chăm chút làm cho các tuyến đường nông thôn của xã Hiệp Hưng thêm bừng sáng.

Hạ tầng thay đổi

Thời điểm mới điều chỉnh địa giới hành chính xã Hiệp Hưng thành lập thị trấn Cây Dương tháng 8- 2000, xã Hiệp Hưng được xếp vào nhóm xã thuộc diện khó khăn nhất tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ. Hơn 90% dân số sống bằng nghề nông với kỹ thuật canh tác lạc hậu, đất sản xuất nông nghiệp phần lớn bị hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại chủ yếu là ghe xuồng. Thậm chí xã không có nỗi một nhà văn hóa. Nhưng chỉ sau 22 năm điều chỉnh địa giới hành chính, bằng tinh thần đoàn kết, vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây đã chung tay xây dựng nên một xã Hiệp Hưng cường thịnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức khá, thu nhập của người dân trong xã xấp xỉ mức thu nhập bình quân của tỉnh. 100% tuyến đường trong xã được bê tông, nhựa hóa đảm bảo cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân. Đặc biệt cuối năm 2022, xã Hiệp Hưng thực hiện và được công nhận đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Năm 2011, cùng với 12 xã của huyện Phụng Hiệp, xã Hiệp Hưng triển khai xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tiềm lực có giới hạn, hạ tầng còn nhiều yếu kém. Hàng năm, huyện đều có tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của địa phương này. Năm 2022, qua đánh giá xã Hiệp Hưng dù còn nhiều khó khăn nhưng có tiềm năng đạt chuẩn NTM, chính vì thế huyện đã tập trung, dồn sức hỗ trợ xã. Hàng tháng, Ban chỉ đạo huyện đều có làm việc để cùng Ban chỉ đạo xã tháo gỡ khó khăn việc thực hiện các tiêu chí.

Với quyết tâm đạt chuẩn NTM theo kế hoạch của huyện đã đề ra, chính quyền và người dân Hiệp Hưng đã tổ chức thực hiện các tiêu chí theo lộ trình phù hợp. Ông Huỳnh Văn Út, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho biết: “Xã xác định nhiệm vụ xây dựng NTM là của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Do đó, khi bắt tay xây dựng NTM xã đã phát huy sức mạnh của Nhân dân thông qua việc lập quy hoạch, công bố ra dân và hoàn thành cắm mốc quy hoạch đúng theo quy định, theo hướng phù hợp với từng nơi, từng khu vực. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể của xã còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong thực hiện 19 tiêu chí để người dân ra sức làm và thụ hưởng”.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi của xã Hiệp Hưng trong xây dựng NTM là “lòng dân”, bởi trong 11 năm bắt tay xây dựng xã NTM, địa phương đã huy động các nguồn lực hơn 308 tỉ đồng để thực hiện các tiêu chí. Trong đó, doanh nghiệp và Nhân dân trong xã đã đóng góp gần 50 tỉ đồng để từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Đến nay, xã đã có 70km đường được bê tông hóa, nhựa hóa khang trang; đường ngõ xóm, dân sinh được cứng hóa 100% giúp người dân đi lại và giao thương thuận tiện. Hơn 3.500 hộ dân trong xã tham gia trồng cây xanh, hoa kiểng trên 51km đường giao thông trong xã, góp phần xây dựng nhiều tuyến đường đẹp đạt giải cấp huyện và cấp tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 38,9%.

Như tuyến đường kênh Hậu Giang 3, dài hơn 10km, được xây dựng năm 2015 với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng do Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Sau khi khánh thành đưa vào sử dụng, tuyến đường đã hình thành tuyến liên xã, liên ấp phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển. Ông Nguyễn Văn Hên, người dân ở ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Tuyến đường kênh Hậu Giang 3 từ khi khánh thành đưa vào sử dụng không chỉ phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân mà còn làm thay đổi bộ mặt của khu vực này. Bởi sau khi lộ hoàn thành, bà con trồng hoa kiểng, lắp đèn chiếu sáng giúp cho việc đi lại vào ban đêm thêm dễ dàng”.

Đời sống người dân được nâng lên

Bên cạnh hạ tầng được đầu tư thì đời sống của người dân trong xã cũng có bước cải thiện. Tính đến nay, thu nhập của người dân trong xã đạt trên 55 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng so với năm 2010. Toàn xã xây dựng được 145 mô hình sản xuất cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 3,96% vào cuối năm 2022. Có được kết quả này là nhờ xã đã đột phá trong việc vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc linh hoạt, quy hoạch từng khu vực với các loại cây trồng phù hợp như: sầu riêng, măng cụt, mít Thái, rẫy dây, lúa và mía thì chính quyền địa phương còn khuyến khích người dân canh tác theo hướng đa canh, lấy ngắn nuôi dài, vừa kéo giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Công, ở ấp Quyết Thắng A, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Nếu làm vườn cây ăn trái thì bà con kết hợp nuôi thủy sản, nuôi ếch dưới mương. Còn canh tác mía thì trồng xen rẫy dây ở đầu mỗi hàng mía. Những cách làm này vừa góp phần làm gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, vừa giảm nguy cơ thất thu khi nông sản rớt giá”.

Cuối năm 2022, xã Hiệp Hưng về đích NTM với các tiêu chí đạt và vượt cao so với bộ tiêu chí quy định. Thành quả này ngoài sự chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, còn có sự chung sức, chung lòng của Nhân dân trong xã. Để hôm nay, xã Hiệp Hưng đón nhận danh hiệu xã NTM trong niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã, sau một chặng đường dài phấn đấu. Ông Huỳnh Văn Út, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho biết thêm: Hiệp Hưng được công nhận NTM là thành quả của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong xã. Thành quả hôm nay là kết quả bước đầu, xã sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt những thành tích cao hơn, như NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Và mục đích cuối cùng mà địa phương hướng đến là cải thiện cuộc sống cho người dân trong xã ngày một tốt hơn.

Từ một địa phương có điểm xuất phát thấp, nhưng với hướng đi phù hợp, cách làm sáng tạo, biết huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cùng ra sức thực hiện các tiêu chí NTM, xã Hiệp Hưng đã tiến nhanh trên các lĩnh vực. Những con đường bê tông lớn mở rộng, điện, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, nhà cửa khang trang sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, kinh tế - xã hội ở địa phương đang phát triển. Thành quả hôm nay sẽ là nấc thang vững chắc để Hiệp Hưng tiếp tục gặt hái những thành quả mới trên chặng đường phát triển.

Một số mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả của người dân xã Hiệp Hưng như: Mô hình nuôi cá sặc rằn ở ấp Mỹ Lợi B diện tích 1.500m2 cho thu nhập 950 triệu đồng/năm. Mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim, ở ấp Quyết Thắng với diện tích 1ha cho thu nhập 750 triệu đồng/năm. Mô hình trồng dừa, nuôi heo ở ấp Long Phụng A cho thu nhập 850 triệu đồng/năm. Mô hình trồng chanh không hạt, ở ấp Hưng Thạnh, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B với 23 hộ tham gia; mô hình trồng thạch đen (sương sáo) trên địa bàn ấp Mỹ Hưng, Quyết Thắng B với 40 hộ tham gia; mô hình nuôi lươn trong bể bạc xi măng tại các ấp Long Phụng, Long Phụng A, Quyết Thắng A, Mỹ Lợi B, với 27 hộ dân tham gia, với số lượng 270.000 con lươn thịt... Các mô hình này từng bước tăng thu nhập ổn định kinh tế gia đình, góp phần tăng thu nhập đầu người của xã.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>