Giảm chi phí trung gian: Đảm bảo lợi ích cho nông dân lẫn người tiêu dùng

08/02/2023 | 10:36 GMT+7

Việc trải qua nhiều khâu trong hệ thống phân phối đã đẩy giá cả nông sản lên cao, khiến người tiêu dùng phải trả chi phí cao mới mua được hàng. Vì vậy, kéo giảm chi phí trung gian được xem là cách vừa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân vừa để người dân mua được hàng hóa với giá hợp lý.

Cần giảm chi phí trung gian để nông dân hưởng lợi.

Giá chênh lệch

Là viên chức, cũng là nội trợ chính trong nhà nên chị Trần Thị Thu Trang, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thường xuyên đi chợ, siêu thị mua thực phẩm về sử dụng. Chuyện giá cả cùng một mặt hàng có sự chênh lệch giữa tại vườn, chợ và siêu thị là điều mà chị và các bà nội trợ đều biết và chấp nhận được. Nhưng đôi khi chị cũng phải giật mình, vì mức chênh lệch quá cao.

Chị Trần Thị Thu Trang chia sẻ: “Cùng là rau, cải, trái cây, thịt, cá... của bà con nông dân mình nhưng nhiều khi bày bán ở một số cửa hàng, siêu thị giá cao hơn nhiều so giá bán của nhà vườn, thậm chí gấp đôi. Người bán nói là qua nhiều khâu trung gian, mối lái lên giá nên họ phải tăng theo. Kinh tế khó khăn, tôi thấy thiệt thòi là bà con nông dân với người tiêu dùng mình là nhiều khi giá cao như vậy”.

“Giá chợ - giá siêu thị” là khái niệm chúng ta thường được nghe các bà nội trợ nhắc đến khi nói về chuyện mua sắm hàng hóa, thực phẩm. Tất nhiên, chúng ta không bàn tới chuyện hàng nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất theo các tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe “tiền nào của nấy” mà đang nói đến chuyện cùng một mặt hàng nội địa, nhưng phải trải qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá đến tay người tiêu dùng cao hơn so với giá thực tế. Bởi theo lý giải của nhiều đơn vị thu mua thì làm gì cũng phải có lời nhưng ở mức độ nào cũng phải hợp lý.

Thực tế cho thấy, một số hộ sản xuất nhỏ lẻ chưa tiếp cận được hết yêu cầu về quy cách, tiêu chuẩn của thị trường do đó nên khi mua về phải xử lý một lần nữa vừa tốn nhân công, thời gian và thất thoát nên chi phí đội lên cao. Trong khi đó, HTX sẽ giải quyết được bài toán giảm giá thành khâu trung gian, giúp nâng cao lợi nhuận cho xã viên vừa giúp người tiêu thụ có giá tốt. Như tại HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ Thạnh Tiến, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, đang có cách làm hay để giảm các chi phí trung gian không cần thiết, giúp người sản xuất và người tiêu thụ có mức giá hợp lý.

Theo ông Trần Văn Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX thì chi phí của người nông dân hiện rất cao do chi phí vật tư nông nghiệp quá cao, do đó việc giảm chi phí rất khó. Do vậy, để giảm chi phí trung gian, HTX đã thực hiện giảm lượng phân bón, kết hợp lấy phân tận gốc, bán khóm tận ngọn.

Hiện HTX có 38 thành viên với hơn 75ha khóm. Có 6 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm qua giá khóm ổn định từ 10.000-11.000 đồng/trái loại nhất, tăng từ 2.000-3.000 đồng/trái đã mang về doanh thu cho HTX hơn 1 tỉ đồng. Khóm trái sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu. Ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP giúp nâng cao chất lượng trái khóm, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu.

Ông Trần Văn Bá chia sẻ: “HTX bây giờ lấy phân bón trực tiếp từ nhà máy rồi giao cho xã viên, không có tính lãi, xã viên chỉ tốn tiền vận chuyển. HTX thu gom không bao giờ ép giá xã viên, mua tận gốc, bán tận ngọn thì giảm được khâu trung gian nhiều lắm. Giả tỉ giá khóm 10.000 đồng, nhưng cò mua chỉ 9.000 thôi, để nó giao bên kia 10.000, cò lấy 1.000 đồng một trái còn HTX mình lấy trực tiếp 10.000, không có kiểu qua trung gian kiểu đó”.

Tổ chức lại sản xuất

Theo các chuyên gia, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi nông dân, nhà sản xuất chưa chắc đã lời nhiều và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nhìn rộng ra, ĐBSCL mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Thực tế là chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam chiếm 20-25%, gấp đôi Thái Lan. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí này, nhất là chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, nêu đề xuất: “ĐBSCL cần chú trọng, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng logistics đặc biệt là cơ sở hạ tầng lạnh bao gồm kho, bãi lạnh, phương tiện vận tải lạnh và các điều kiện từ kết nối tới vùng trồng để sản phẩm sau khi thu hoạch có thể đưa vào bảo quản lạnh, góp phần nâng cao giá trị của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung trên thị trường quốc tế. Tôi tin rằng với những chính sách phát triển và chú trọng vào logistics, đặc biệt logistics phục vụ cho hàng nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp, máy móc, thiết bị để tạo ra được năng suất cao hơn trên nền tảng tổ chức lại sản xuất quy mô lớn. Trong đó, sự liên kết giữa người dân trong vùng nguyên liệu tạo ra hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng sử dụng chung được công nghệ, thiết bị, máy móc từ cơ giới hóa để đạt được hiệu quả tối ưu hóa sản phẩm.

“Tổ chức lại ngành hàng là một yếu tố sống còn, trên nền tảng tổ chức lại sẽ đưa những công nghệ, thiết bị, đưa thị trường vào trong một ngành hàng đó. Nếu tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ sẽ giới hạn tác dụng của máy móc, thiết bị, công nghệ, bởi dù tạo ra được sản phẩm chất lượng, tối ưu hơn nhưng sản xuất nhỏ lẻ sẽ gặp phải bài toán thị trường. Do đó, một bên phải tạo ra được giá trị từ tối ưu hóa sản xuất, một bên tạo ra giá trị từ hợp tác từ bà con nông dân để quy lớn hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>