Diện tích lúa bị sinh vật gây hại tấn công đang tăng mạnh

14/02/2023 | 11:53 GMT+7

(HG) - Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh ghi nhận có 3.800ha lúa Đông xuân 2022-2023 của tỉnh bị nhiều đối tượng sinh vật gây hại tấn công, tăng gần 900ha so với thời điểm cách nay khoảng 10 ngày.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần phun thuốc ngừa bệnh lem lép hạt cho cây lúa trong giai đoạn trước và sau trổ đều.

Cụ thể, dịch hại rầy nâu nhiễm 700ha, tăng 196ha, tuổi rầy từ 3-5, mật số từ 750-2.000 con/m2; chuột cắn phá gây hại 741ha, tăng 169ha, tỷ lệ ảnh hưởng từ 5-10% trên cùng diện tích canh tác; bệnh lem lép hạt nhiễm 1.005ha, tăng 363ha, tỷ lệ ảnh hưởng từ 5-10%; bệnh bạc lá nhiễm 189ha, tăng 181ha, tỷ lệ ảnh hưởng từ 10- 20%. Các loại dịch hại trên đang xuất hiện ở các trà lúa đẻ nhánh, đòng trổ, trổ chín và phân bố hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình dịch hại trên cây lúa đang bùng phát mạnh và dự báo còn mở rộng thêm diện tích vào thời gian tới; trong khi lúa Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, đặc biệt là giá bán lúa tươi tại ruộng đang được thương lái thu mua ở mức cao từ 6.600-7.100 đồng/kg (tùy giống), tăng từ 500-800 đồng/kg so với cùng kỳ. Do đó, để hạn chế sinh vật gây hại tấn công và lây lan sang diện rộng, đồng thời đảm bảo năng suất cao khi thu hoạch, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương của tỉnh phối hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng kiểm tra và phát hiện sớm sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời. Trong đó, khuyến cáo nông dân phun trừ bệnh đạo ôn lá khi vết bệnh mới chớm xuất hiện, cũng như phun trừ rầy nâu bằng các loại thuốc đặc trị và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với lúa ở giai đoạn đòng trổ cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt ít nhất 2 lần trước và sau trổ đều.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>