Điểm sáng nông nghiệp cơ sở

15/02/2024 | 07:33 GMT+7

Trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều bước đột phá mới trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó góp phần quan trọng trong việc đưa ngành nông nghiệp tỉnh vươn tầm.

Nhiều diện tích cây ăn trái được nhà vườn trong tỉnh tiếp tục áp dụng quy trình canh tác theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã góp phần nâng cao giá trị và nguồn thu nhập.

Phát triển vùng lúa chất lượng cao

Là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về việc đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy tiếp tục khuyến cáo người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm như mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP gắn với ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ…

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Thời gian qua, huyện thường xuyên đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, không chỉ góp phần nâng cao giá trị loại hàng hóa nông sản chủ lực của địa phương, mà còn thấy được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đã có sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từng bước nâng tầm giá trị hạt gạo làm ra cho người dân. Về thực hiện Đề án một triệu héc-ta vùng lúa chất lượng cao, địa phương phấn đấu đến 2025 có khoảng 6.000ha, đến năm 2030 khoảng 11.000ha.

Bằng những định hướng cụ thể và những chính sách đầu tư hợp lý, xây dựng hệ thống bờ bao, cống, đập kiên cố, các trạm bơm. Đến nay, 100% diện tích canh tác lúa của huyện Vị Thủy có đê bao hoàn chỉnh, giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Đồng thời, đến nay trên địa bàn huyện có 5 hợp tác xã thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với tổng diện tích 520ha. Ngoài ra, ngành chức năng huyện Vị Thủy còn đầu tư hỗ trợ cho một số địa phương thực hiện sản xuất lúa theo hướng an toàn hữu cơ với tổng diện tích trên 1.000ha, qua đây tạo nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm gạo trên địa bàn huyện ngày càng nổi tiếng và vươn xa trên thị trường.

Giống như huyện Vị Thủy, hiện ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A đã thực hiện vùng liên kết sản xuất lúa khoảng 5.000ha trên địa bàn xã Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn; đồng thời xây dựng 2 mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa, với diện tích trên 800ha và một cánh đồng số hóa 104ha.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh đang được nông dân phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu về giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững và có liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống, giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa nên tổng sản lượng lúa năm 2023 của tỉnh đạt 1.186.659 tấn, đạt 101,9% kế hoạch năm.

Quan tâm phát triển nông sản chủ lực

Cùng với cây lúa thì trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp các địa phương trên địa bàn tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Theo đó, là địa phương có lợi thế là kinh tế vườn, với không ít loại trái cây đặc trưng như mít, chanh không hạt, sầu riêng,… trong năm vừa qua, từ nguồn kinh phí sự nghiệp, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về quy trình sản xuất cây ăn trái theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất canh tác, cũng như hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, mã số vùng trồng trên một số cây ăn trái chủ lực của huyện…

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, thông tin: Hiện toàn huyện đã xây dựng mã số vùng trồng được 8 vùng trồng trên cây mít, 2 vùng trồng trên cây xoài và 4 vùng trồng trên cây sầu riêng; đồng thời xây dựng 2 mã số nhà kho, nhà sơ chế đóng gói, truy xuất nguồn gốc nông sản. Toàn huyện hiện có 4.000ha vườn cây ăn trái, rau màu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao giá trị kinh tế vườn gắn với tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì năm vừa qua, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục hướng dẫn người dân chăn nuôi dê, nuôi heo tận dụng phế phẩm nông nghiệp để thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn.

Đối với thành phố Vị Thanh, khép lại năm 2023, ngành nông nghiệp thành phố có nhiều khởi sắc khi giá trị khu vực I đạt 722 tỉ đồng, chiếm 8,98% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Để đạt được kết quả ấn tượng trên, trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp thành phố không ngừng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên mặt hàng nông sản đặc trưng cùa thành phố và tỉnh là cây khóm Cầu Đúc; qua đây đã giúp cải thiện nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Hiện toàn thành phố có khoảng 2.300ha khóm Cầu Đúc, trong đó có khoảng 60% diện tích trồng khóm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác; đặc biệt là có 40ha được nông dân sản xuất đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho hay: Thực hiện mô hình trồng khóm theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản, người dân thu được lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng/ha, cao hơn 30 triệu đồng/ha đối với diện tích đất trồng khóm không kết hợp nuôi thủy sản. Do đó tới đây, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình trên nhằm nâng cao nguồn thu nhập. Ngoài ra, một điều phấn khởi khác là hiện thành phố có 11 sản phẩm chế biến từ khóm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh; trong đó có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều có nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định: Trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được nhiều điểm sáng nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ để góp phần quan trọng vào thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp tỉnh. Cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương đã thực hiện tốt việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó là kết nối cung cầu và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, tham gia các sàn thương mại điện tử. Từ những giải pháp hiệu quả trên đã tạo động lực cho người dân hăng say sản xuất và đạt, vượt sản lượng nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là trên cây lúa, cây ăn trái, thủy sản, rau màu…

Cũng theo ông Ngô Minh Long, phát huy kết quả đạt được, sang năm 2024, toàn ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu chung là chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản và chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>