Đề xuất nhiều giải pháp phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng “thuận thiên”
(HG) - Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt gần 3 triệu héc-ta. Đây là vùng có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp với lĩnh vực trồng trọt và thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Hiện sản lượng nông nghiệp của vùng chiếm trên 50% so với cả nước, còn lương thực xuất khẩu chiếm trên 90%, cây ăn trái và thủy sản trên 70%. Do đó, vùng ĐBSCL giúp Việt Nam từ nước thiếu ăn, hiện trở thành nước xuất khẩu lương thực top 3 thế giới.
Nông dân Hậu Giang đã và đang tích cực triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”.
Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đã và đang đối mặt với tình trạng ngập mặn, sạt lở, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là hàng năm, tình hình sạt lở đã làm mất 500ha đất ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời. Hiện toàn vùng còn 561 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810km. Trước tác động của biến đổi khí hậu và áp lực chuyển đổi đang đặt ra yêu cầu phải xác định đúng lợi thế hiện có, cũng như tiềm năng của vùng để quy hoạch và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả; đặc biệt là đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Trước mắt, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương của vùng đã có những đề xuất với Chính phủ, cùng Bộ NN&PTNT về những giải pháp cụ thể. Điển hình, cần sớm triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL, cũng như Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; sớm ban hành cơ chế tài chính và chính sách đặc thù, ưu đãi cho phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng.
Về nhóm biện pháp nông nghiệp thuận thiên phi công trình, thực hiện đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát hiện đại, thông minh để phục vụ đắc lực công tác dự báo, kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ nhằm kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; trao đổi khoa học công nghệ, số hóa trong nông nghiệp, ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; quan tâm nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, quảng bá sản phẩm nhằm tìm đường ra các thị trường lớn, ổn định; đẩy mạnh xúc tiến kết nối thị trường, nâng cao năng lực và đào tạo chất lượng cao. Về nhóm giải pháp công trình, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi “Thuận thiên có kiểm soát” theo định hướng chuyển đổi, cơ cấu ngành nông nghiệp...
Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC
- BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO BÁO HẬU GIANG
- “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”
- Chúc tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lành
- Huyện Vị Thủy: Xây dựng 41 tuyến đường đẹp
- Điểm tin sáng 17 – 5: Bốn người Việt Nam vào top gương mặt trẻ nổi bật châu Á
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
- Nâng cao kỹ năng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”
- Bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp ra mắt mô hình mới
- Xét xử 16 bị cáo liên quan đến “tín dụng đen”
- Nguy cơ ùn tắc kiểm định khi gần 300 đăng kiểm viên ra tòa