Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

02/10/2023 | 07:41 GMT+7

Với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng cho từng địa phương, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì thì công tác quảng bá sản phẩm OCOP cũng cần được quan tâm thực hiện.  Ảnh: T.TRÚC

Tâm huyết của chủ thể

Sau hơn 3 năm có mặt trên thị trường, khô cá sặc rút xương của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, rất được người tiêu dùng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng, thông qua sản lượng tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm rồi cơ sở của chị Linh cung ứng hơn 2 tấn khô cá sặc rút xương cho thị trường, tăng gấp 4 lần so với thời điểm mới khởi nghiệp. Sản phẩm khô của cơ sở chị Linh chủ yếu sử dụng nguyên liệu cá đồng tự nhiên như: Cá sặc bướm, sặc điệp, sặc rằn. Theo chị Linh, cá sặc có kích cỡ khá nhỏ nếu làm khô để luôn xương khi chế biến sẽ rất khó ăn nên gia đình mới nghĩ ra cách rút xương để người tiêu dùng tiện sử dụng. Tuy nhiên, để rút xương được một con cá sặc đòi hỏi phải có kỹ thuật để cá không mất thịt, khi phơi cá không bị cứng. Trung bình 4 ký cá nguyên liệu mới sản xuất được một ký khô thành phẩm.

Chị Linh cho biết thêm: “Cơ sở rất tâm huyết với sản phẩm cá sặc rút xương nên thời gian qua đã đầu tư các trang thiết bị để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm rồi cơ sở đã mạnh dạn đầu tư hơn chục triệu đồng xây dựng giàn phơi để đảm bảo về chất lượng của sản phẩm. Với mong muốn đưa sản phẩm đi xa hơn trên thị trường, đầu năm cơ sở cũng đăng ký với địa phương tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Và thời gian qua cơ sở cũng đã được đơn vị tư vấn xuống hỗ trợ làm các bước thủ tục cần thiết”.

Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mới thì thời gian qua huyện Phụng Hiệp cũng tập trung nâng chất để thăng hạng cho các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao. Theo đó, huyện Phụng Hiệp có 2 sản phẩm đủ điều kiện tham gia bình xét OCOP 5 sao cấp quốc gia là rượu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở xã Tân Bình và cá thát lát rút xương tẩm gia vị của HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa. Thời gian qua hai cơ sở đã được các đơn vị tư vấn hỗ trợ thiết kế lại bao bì, mẫu mã sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường.

Bà Võ Thị Phương Trang, Chủ cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, cho biết: “Từ sự nỗ lực của bản thân, kết hợp với sự hỗ trợ từ chương trình OCOP quốc gia, tất cả đã góp phần tạo nên các dòng rượu SNOR’S Út Tây được ưa chuộng và được nhiều người tin dùng làm quà tặng khách phương xa. Từ đó giúp cho Út Tây trưởng thành hơn trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh, góp phần gìn giữ nghề truyền thống và phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn. Do đó, cơ sở chuẩn bị rất kỹ cho đợt bình chọn lần này. Bởi khi sản phẩm được công nhận 5 sao cấp quốc gia thì sẽ có cơ hội mở rộng thị trường khắp cả nước cũng như ra nước ngoài”.

Để tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, năm 2023 mục tiêu đề ra là huyện Phụng Hiệp sẽ xây dựng thêm từ 5-7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Để thực hiện được mục tiêu này, huyện sẽ tập trung hỗ trợ cho các địa phương chưa có sản phẩm được công nhận, với ngành hàng như: Mật ong rừng, vú sữa hoàng kim, các loại khô cá đồng đặc trưng của từng khu vực trong huyện. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tái công nhận các sản phẩm gần hết hạn. Đặc biệt phối hợp với tỉnh hoàn thiện hồ sơ cho hai sản phẩm là cá thát lát rút xương tẩm gia vị và rượu đông trùng hạ thảo tham gia đánh giá OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị

Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người nông dân từ sản xuất thuần túy sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh những kết quả đạt được rất ấn tượng thì việc triển khai Chương trình OCOP tại địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 175 sản phẩm OCOP, các sản phẩm được sử dụng logo của chương trình OCOP có gắn sao tương ứng với kết quả sản phẩm đạt được. Theo các chuyên gia nghiên cứu Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại thì đây được coi là nhận biết cơ bản của sản phẩm OCOP với các sản phẩm chưa tham gia đánh giá, phân hạng lưu thông tiêu thụ, đồng thời còn phản ánh năng lực, uy tín, lợi thế cạnh tranh của chủ thể sản xuất trên thị trường. Song, còn thiếu quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP còn sơ sài, công tác bảo mật còn giản đơn, thông tin dữ liệu chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết các nội dung về hồ sơ OCOP. Do vậy, gặp khó khăn trong truy xuất, khai thác thông tin về sản phẩm OCOP phục vụ công tác quản lý, báo cáo chuyên môn thường xuyên và đột xuất, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh thì vấn đề khó khăn trước mắt trong triển khai OCOP hiện nay là sự phối hợp của một số địa phương trong tỉnh về việc rà soát những sản phẩm truyền thống lâu đời, sản phẩm hiện có để xem xét tạo thương hiệu OCOP nhiều lúc chưa được thực hiện chặt chẽ. Do OCOP là chương trình mới nên một số chủ thể chưa am hiểu, chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để mở rộng quy mô, tăng công suất nên quy trình chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu, thủ công. Do vậy, các sản phẩm OCOP gia tăng giá trị chưa cao. Bên cạnh đó phần lớn chủ thể là sản xuất nông nghiệp thường yếu kỹ năng bán hàng, khó khăn trong việc xây dựng các kênh quảng bá online cho sản phẩm như: website, fanpage, youtube... Các chủ thể chưa chú trọng đến việc tham gia các hội chợ cũng như xây dựng chính sách giá bán đại lý, giá bán lẻ, chưa có chiến lược cụ thể. Mặt khác, nguồn vốn thực hiện chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng cho sản phẩm. Công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm chưa đi vào chiều sâu, cũng như chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản phẩm nên khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục các hạn chế, nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm OCOP, các chuyên gia đề nghị cần chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế của địa phương và yêu cầu của thị trường. Thực hiện rà soát, kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố và cấp huyện. Xây dựng quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP và tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, phân công trách hiệm cụ thể cho các ngành, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn của tỉnh. Tổ chức triển khai Chương trình OCOP thường niên linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm. Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương. Các chủ thể OCOP cần tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu...

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>