Đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

29/08/2023 | 09:29 GMT+7

Để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Vị Thủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để chung sức xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Những luống rau của anh Sáu tươi tốt nhờ sản xuất an toàn trong nhà lưới.          

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển có định hướng, tập trung, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tối ưu hóa giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, từng bước phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng; xây dựng và phát triển nông sản chủ lực đạt thương hiệu ở cấp độ thị trường nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định xã hội. Thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,5% năm giai đoạn 2021-2025, tỷ trọng khu vực 1 giảm còn 49,35% vào năm 2025, nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Thực hiện kế hoạch, Nghị quyết của tỉnh, huyện, đối với huyện Vị Thủy từ năm 2020 đến nay về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện đạt nhiều kết quả tốt và có chuyển biến lớn. Hiện toàn huyện có diện tích đất trồng lúa là 17.000ha. Hàng năm, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện xuống giống đạt chất lượng. Trong đó, đối với cơ cấu giống lúa chọn những giống có thị trường, năng suất. Đến nay, lúa chất lượng cao toàn huyện thực hiện đạt 90%, chủ yếu các loại ST, OM 18, Đài Thơm, RVT.

Điều phấn khởi trong sản xuất lúa của người dân trên địa bàn huyện trong 2 năm qua là đầu ra và giá cả ổn định. Có được kết quả này là nhờ thực hiện tốt liên kết trong sản xuất. Còn đối với các hợp tác xã, đến nay đều thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất đạt 100%. Điển hình như Hợp tác xã Kiến Thành ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, có sử dụng máy bay không người lái để phun xịt thuốc trên ruộng lúa. Đối với cây lúa, trong năm nay chuẩn bị công nhận sản phẩm OCOP gạo chất lượng cao và thực hiện ở Hợp tác xã Thạnh Phát, xã Vĩnh Trung.

Đối với rau màu, thời gian qua diện tích trồng trên địa bàn đang phát triển mạnh và đem hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn huyện đã xuống giống trên 3.000ha rau các loại. Còn diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện hiện có trên 2.306ha, chủ yếu là mít, xoài, mãng cầu xiêm, cây có múi khác, đặc biệt có 11,4ha sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP và 10ha sản xuất xoài cát hồng đạt chuẩn OCOP…

Anh Trần Văn Sáu, ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, cho hay: “Gia đình tôi chọn rau ăn lá để trồng, vì lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, gia đình tôi gắn bó với cây rau màu 20 năm nay. Hiện nay, gia đình trồng rau an toàn trên diện tích trồng 2.000m2. Đặc biệt, gia đình được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, hệ thống tưới tự động, đây là động lực giúp tôi trong sản xuất suốt thời gian qua”. Nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, gia đình ông Sáu trồng rau màu luân phiên để cung ứng cho thị trường từ 40-50kg/ngày. Để có thị trường ổn định, ông Sáu còn bán rau qua app Nông sản Hậu Giang, zalo, facebook. Bình quân mỗi tháng trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu được từ 15 triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Xoài Cát Hồng Vĩnh Trung, phấn khởi cho biết: “Nhờ được tỉnh, huyện hỗ trợ là động lực giúp cho người nông dân tham gia phát triển kinh tế theo hướng tập thể. Chính vì điều này là cơ hội cho các thành viên của hợp tác xã áp dụng với tiến bộ khoa học kỹ thuật nhiều hơn, đem lại hiệu quả kinh tế hơn so với trước đây. Hiện tại hợp tác xã có 10,2ha trồng xoài cát hồng, mỗi năm cho lợi nhuận từ 180-200 triệu đồng/ha. Sản phẩm xoài cát hồng Vĩnh Trung đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, hiện nay hợp tác xã được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ để đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, để giúp diện tích trồng xoài cát hồng của hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế hơn, hợp tác xã mong sớm được hỗ trợ hệ thống tưới tự động”.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>