Đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất

23/03/2023 | 07:54 GMT+7

Cùng với hạ tầng thủy lợi hiện có, các dự án nạo vét kênh trục và hệ thống ô bao lớn sắp được triển khai giúp thích ứng tốt với hạn mặn, đảm bảo tưới tiêu, thoát lũ, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp.

Dự án nạo vét kênh trục tỉnh Hậu Giang giúp tăng khả năng dẫn và trữ nước tạo nguồn để cung cấp cho khoảng 22.000ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Dự án nạo vét kênh trục tỉnh Hậu Giang có tổng kinh phí thực hiện khoảng 320 tỉ đồng, quy mô dự án gồm nạo vét kênh trục Nàng Mau 2, chiều dài khoảng 28,00km; nạo vét kênh trục Hậu Giang 3 dài khoảng 43km; xây mới 21 cống điều tiết nước trên tuyến Nàng Mau 2. Cùng với hệ thống thủy lợi hiện có, dự án nạo vét kênh trục sẽ giúp tăng khả năng dẫn nước ngọt, trữ nước tạo nguồn để cấp cho khoảng 22.000ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, cải thiện giao thông đường thủy. Đồng thời, đáp ứng mục tiêu dẫn nước trữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong vùng dự án.

Khu vực dự án thuộc địa bàn huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tuyến kênh Nàng Mau 2 bắt đầu từ cầu Rạch Gòi trên Tỉnh lộ 929, huyện Phụng Hiệp, điểm cuối là cầu Nước Đục thuộc thị xã Long Mỹ, với chiều dài khoảng 28km. Tuyến kênh Hậu Giang 3 bắt đầu từ cống điều tiết đầu kênh Hậu Giang 3 giao với kênh Lái Hiếu thuộc huyện Phụng Hiệp, điểm cuối là cống điều tiết cuối tuyến kênh Hậu Giang 3 giao với kênh Đê Nhỏ, huyện Long Mỹ với chiều dài hơn 43km.

Theo ông Trương Minh Kiêm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh, dự án nạo vét kênh trục là công trình trọng điểm, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang, phù hợp với Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, dự án đã đáp ứng được mục tiêu và nhiệm vụ theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được duyệt.

Dự kiến dự án sẽ được trình và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trong quý II, đấu thầu và khởi công trong quý III tới. Đến năm 2025, dự án sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Tổng diện tích đất bồi thường để xây dựng công trình dự kiến khoảng 3,66ha. Bề rộng cống lựa chọn đảm bảo phù hợp về mặt kinh tế và kỹ thuật. Với đáy cống lựa chọn đảm bảo vận hành cửa van ổn định lâu dài cũng như chế độ thủy lực của kênh êm thuận. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đồng thời bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho năm 2023. 

Việc đầu tư Dự án nạo vét kênh trục tỉnh Hậu Giang sẽ giúp khắc phục những tồn tại xoay quanh vấn đề tưới tiêu, thoát lũ trong thời gian qua. Đồng thời, giúp tăng khả năng tiêu thoát, truyền tải nước từ thượng nguồn, nâng cao khả năng điều tiết nước, gom các ô bao, bước đầu hoàn chỉnh hệ thống ô bao phù hợp với với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Hỗ trợ tăng cường khả năng vận tải thủy, kết nối giao thông dọc theo hai bờ kênh qua các khu vực dân cư.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp tích cực với chủ đầu tư và các địa phương trong quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự án, kỳ vọng sẽ sớm được triển khai trong quý II này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các công trình cống kết hợp cầu, đề nghị chủ đầu tư và tư vấn tính toán đảm bảo thông thuyền cho phương tiện lưu thông, đảm bảo mỹ quan.

Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Viết Hưng đề nghị ngay sau khi thống nhất thiết kế, Cục quản lý xây dựng công trình yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt để sớm triển khai.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp sớm hoàn thiện trình tự thủ tục đầu tư dự án nạo vét kênh trục tỉnh Hậu Giang. Lưu ý, kết hợp các huyện, thị xã rà soát chính xác diện tích đất thu hồi thực hiện dự án. Về thiết kế các cống điều tiết nước trên tuyến Nàng Mau 2 cần  được rà soát kỹ, thiết kế kỹ đáp ứng mục tiêu đảm bảo khép kín phục vụ sản xuất.

Ngoài dự án nạo vét kênh trục tỉnh Hậu Giang, dự án Hệ thống ô bao lớn kiểm soát mặn vùng triều Phụng Hiệp - Long Mỹ sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022-2025. Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quyết định đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo quy mô đầu tư dự kiến, sẽ nâng cấp cải tạo tuyến bờ bao đoạn phía Nam kênh Hậu Giang 3 và đoạn phía Tây kênh Ngang với tổng chiều dài khoảng 30km, đảm bảo mặt cắt, cao trình chống lũ, triều cường và xây dựng, sửa chữa các công trình trên tuyến.

Hệ thống ô bao lớn kiểm soát mặn vùng triều Phụng Hiệp - Long Mỹ sau khi được đầu tư sẽ giúp chủ động kiểm soát hạn, mặn về mùa khô và chống lũ, ngập úng trong mùa mưa; chủ động trữ ngọt, tạo nguồn, cấp nước tưới, tiêu, thau chua, rửa mặn, cải tạo đất đai cho hơn 20.500ha đất sản xuất nông nghiệp, (thị xã Long Mỹ hơn 9.000ha, huyện Phụng Hiệp hơn 11.500ha). Khu vực trong vùng dự án hiện nay chủ yếu là khu vực sản xuất lúa từ 2-3 vụ, trồng mía và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản kết hợp canh tác lúa. Hệ thống ô bao này sau khi hoàn thành còn mở ra cơ hội cho người dân chủ động đầu tư chuyển đổi cây trồng có lợi thế, tăng thu nhập kết hợp phát triển giao thông bộ, cải thiện môi trường sinh thái trong vùng dự án. Đồng thời, kết hợp phát triển giao thông nội vùng, liên vùng để vận chuyển hàng hóa, nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>