Đầu tư bao bì, nâng chất sản phẩm OCOP

29/11/2022 | 08:50 GMT+7

Bao bì sản phẩm đóng vai trò quan trọng, là cầu nối để doanh nghiệp, chủ thể truyền tải thông điệp, tiếp cận với khách hàng.

Bao bì sản phẩm bắt mắt sẽ dễ chinh phục người tiêu dùng, giúp sản phẩm OCOP vươn xa.

Đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết sự phát triển trong những năm qua của các sản phẩm OCOP đã gắn với đặc thù sản xuất các làng nghề và không ngừng đổi mới sáng tạo. Sức sáng tạo của các chủ thể OCOP đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững mà Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh.

Trong bức tranh tổng quan chung về hàng hóa nông sản thì mẫu mã, bao bì sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến gần, đến nhanh, hiệu quả hơn tới người tiêu dùng. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức về bao bì sản phẩm vô cùng quan trọng, góp phần kiến tạo hệ sinh thái, xây dựng ngành công nghiệp bao bì dành riêng cho phân khúc sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và thuận lợi tiếp cận với doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, việc hoàn thiện bao bì sản phẩm là điều cần thiết đối với các chủ thể. Khi sản phẩm được đưa ra thị trường, một thiết kế bao bì đẹp đóng vai trò liên kết cảm xúc với khách hàng. Đây sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để truyền tải những ưu điểm, thông điệp mà chủ thể gửi gắm trong đó. Qua đó, giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập thị trường, gia tăng giá trị.

Ngoài ra, thiết kế bao bì sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP sẽ giúp tăng doanh số. Vì lẽ đó, cần đáp ứng đủ các chức năng về bảo vệ sản phẩm, thông tin sản phẩm, vận chuyển sản phẩm, quảng bá, trưng bày và khuyến mãi, đảm bảo logo và nhận diện cơ bản, nhất là định vị sản phẩm với những hình ảnh thương hiệu mang giá trị cộng đồng, bản địa, địa phương… đặc trưng nhất.

Cái khó của thiết kế bao bì

Trong nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng coi trọng bao bì thiết kế của sản phẩm khi mua sắm. Điều này cho thấy, bao bì chính là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp, chủ thể truyền tải thông điệp, tiếp cận khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều sản phẩm có thể “hút khách” từ cái nhìn đầu tiên.

Hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với những sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên đều cho thấy sự đầu tư của chủ thể cho bao bì sản phẩm. Còn đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, tiêu chí bao bì, nhãn mác mới dừng ở mức có đầy đủ các yếu tố, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt, chưa hiển thị các tiêu chuẩn và chưa phù hợp với tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 1 sao, các tiêu chí về tính hoàn thiện của bao bì, phong cách của bao bì đạt mức điểm thấp nhất, do hầu hết các sản phẩm chỉ sử dụng bao bì truyền thống, không phát triển thêm hoặc không có bao bì, chỉ để trong túi, chai hoặc đóng gói thông thường. Đây là một sự lãng phí rất đáng tiếc đối với các sản phẩm đặc sản của các địa phương và cũng là “nút thắt” khiến sản phẩm khó có thể tiếp cận với các doanh nghiệp và các siêu thị.

Theo TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, sản phẩm OCOP hiện nay đang gặp phải rất nhiều hạn chế như: giống nhau về kiểu dáng, chất liệu; bao bì đơn giản, trùng lặp; ghi nhãn chưa đúng quy định, thiếu thông điệp sản phẩm… Những hạn chế này xuất phát từ năng lực hoạt động, khả năng tiếp cận kỹ thuật, tài chính… của các chủ thể. Thách thức đặt ra với sản phẩm OCOP chính là sự so sánh và gia tăng giá trị.

Tại Hậu Giang, một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) gặp khó trong việc thiết kế bao bì phù hợp. Hình ảnh mẫu mã bao bì của một số sản phẩm chưa có sự khác biệt rõ ràng với những sản phẩm cùng loại trước đó; trên bao bì không có mã QR code để người tiêu dùng thuận tiện truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, bao bì chưa nêu lên được công dụng sản phẩm hay thông điệp mà chủ thể muốn truyền tải.

Theo ông Huấn, để tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, các chủ thể cần chú ý đến hình thức đóng gói, thông điệp truyền tải, thiết kế; phải tạo được khác biệt để hạn chế sự so sánh, đáp ứng các yếu tố như: sang trọng, sáng tạo, tiện lợi, khả năng tích hợp…

Đưa “hơi thở” vào từng sản phẩm

“Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ…, nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó. Vì vậy, chúng ta nhìn sản phẩm là nhìn những giá trị kết tinh, hội tụ trong đó… Chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả các sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn tốt hơn, tinh tế hơn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ khai mạc Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022.

Chương trình OCOP của Hậu Giang đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận khi hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã xây dựng được nhiều sản phẩm thế mạnh, chuẩn hóa từ chất lượng đến đầu tư cho bao bì sản phẩm.

Sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang chủ yếu ở các nhóm: trái cây, đồ uống, thực phẩm, gia dụng… Hiện nay, hầu hết các sản phẩm đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng như: ISO, VietGAP, GlobalGAP… Cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể sản phẩm OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Bao bì sản phẩm ngày càng được đầu tư, đổi mới về mẫu mã, tem nhãn để ngày càng đẹp hơn, từ đó tạo ra các sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa mang tính thẩm mỹ cao, mang đậm dấu ấn và đặc trưng của chủ thể, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) cho biết, hiện nay HTX đang tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi và chế biến sản phẩm từ cá thát lát để tham gia bình chọn sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Song song đó, đầu tư cải thiện về nhãn mác, bao bì cũng nằm trong kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị sản phẩm của HTX.

Tham gia xây dựng OCOP đồng nghĩa với việc chủ thể phải chủ động đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để có được sức cạnh tranh trên thị trường. Nắm vững được tiêu chí đó nên dù đã có 2 sản phẩm được công nhận 3 và 4 sao cấp tỉnh, nhưng thời gian qua, Cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan (thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp) không ngừng cải tiến bao bì và cách thức bảo quản để sản phẩm có chất lượng và mẫu mã tốt nhất đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh, triển khai Chương trình OCOP để các sản phẩm của Hậu Giang từng bước chinh phục nhiều thị trường khó tính. Để được như vậy, cần tiếp tục quan tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong tương lai, câu chuyện về thiết kế bao bì không còn là bài toán khó cho sự vươn xa của sản phẩm OCOP Hậu Giang...

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>