Chuyển đổi cây trồng phù hợp

31/03/2022 | 08:42 GMT+7

Vài năm trở lại đây, lĩnh vực nông nghiệp của Hậu Giang có bước chuyển mình. Ngoài việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhà vườn còn mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và huyện Phụng Hiệp tham quan mô hình chuyển đổi trồng vú sữa hoàng kim ở xã Tân Long. Ảnh: D.KHÁNH

Là một trong những người đầu tiên canh tác cây sầu riêng trên vùng đất Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, từ 5.000m2 ban đầu, đến nay ông Lê Văn Sáu đã có vườn sầu riêng hơn 5ha, trong đó có 50% diện tích đang cho trái, số còn lại mới trồng. Trung bình hàng năm vườn sầu riêng của ông Sáu cho 90 tấn trái, được thương lái vào tận vườn thu mua với giá ổn định ở mức 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí ông Sáu thu nhập gần 3 tỉ đồng.

Ông Sáu cho biết: “Trước đây, gia đình cũng trồng mía, làm ruộng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau một thời gian loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp, cuối cùng gia đình đã chọn cây sầu riêng để khởi nghiệp. Nhờ điều kiện đất đai thích hợp nên cây sầu riêng đang dần phát triển mạnh trên vùng đất Tân Bình, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nhà vườn”.

Nhờ đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cây trồng, trung bình mỗi năm huyện Phụng Hiệp có từ 500-700ha đất mía, đất sản xuất kém hiệu quả được chuyển đổi. Tính từ năm 2017 đến nay, huyện Phụng Hiệp đã có 2.617ha đất sản xuất được chuyển đổi sang các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Nâng diện tích cây ăn trái từ 8.000ha vào năm 2017 lên 10.600ha vào năm 2022. Trong đó, cây có múi chiếm hơn 5.100ha, xoài 660ha, mít 558ha, sầu riêng 385ha, chuối 1.100ha, còn lại là các loại cây trồng khác.

Bà Trần Thị Quyên, nhà vườn trồng khóm MD2 ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình có 8 công đất, trước đây trồng mía không mang lại hiệu quả. Cách đây 2 năm đã chuyển sang trồng khóm MD2, thu nhập một công mỗi vụ cũng gần 20 triệu đồng, từ đó kinh tế gia đình cũng có bước chuyển biến tích cực”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, trong số diện tích chuyển đổi đến nay có 80% diện tích cho thu hoạch với lợi nhuận cao hơn gấp 2-3 lần so với trước đây. Tính đến nay, toàn huyện có 1.018 mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Trong đó có 109 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP với doanh thu từ 100 triệu đồng đến 3 tỉ đồng mỗi năm.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Mặc dù công tác chuyển đổi cây trồng ở huyện Phụng Hiệp thời gian qua diễn ra nhanh nhưng bà con vẫn tuân thủ việc quy hoạch của các địa phương, từ đó lựa chọn canh tác loại cây trồng phù hợp đất đai của từng vùng. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Cũng nhờ hiệu quả của công tác chuyển đổi cây trồng mang lại, huyện Phụng Hiệp đang từng bước quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị. Nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện đạt 133,5 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/năm, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,56%.

Cây khóm MD2 đang mang lại niềm vui cho nhiều nông hộ ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Ảnh: D.KHÁNH

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, nhất là đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình trồng khóm Queen trên đất nhiễm phèn nặng; canh tác rải vụ xoài cát Hòa Lộc và ứng dụng bao trái xoài; trồng mãng cầu xiêm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; trồng măng cụt an toàn vệ sinh thực phẩm; trồng chôm chôm an toàn vệ sinh thực phẩm; mô hình cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh; chuyển đổi đất mía sang trồng khóm MD2; chăn nuôi gà, ba ba thương phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; nuôi lươn không bùn trên bể; sản xuất kết hợp lúa - tôm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn; nuôi cá trên ruộng lúa… Tất cả các mô hình trên đều cho lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha/năm, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống của bà con nông dân.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Trong năm 2022 này, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới, có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tập trung phát triển các hợp tác xã gắn sản xuất với chuỗi cung ứng. Đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường việc hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản. Nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cho cây trồng, chủ động phòng ngừa với sâu bệnh mới; nhất là kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>