Chủ động phòng bệnh trên động vật

27/09/2021 | 07:41 GMT+7

Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Qua đó, góp phần duy trì ổn định hoạt động chăn nuôi trong những tháng cuối năm 2021.

Người dân luôn có ý thức phòng bệnh trên gia súc, gia cầm.

Tăng cường công tác giám sát

Tại Hậu Giang, gần 9 tháng qua tình hình dịch bệnh trên động vật, thủy sản được kiểm soát tốt. Toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò rất ít, khoảng 5.000 con. Qua rà soát, có khoảng 3.500 con trong diện cần tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh cũng đang xúc tiến thủ tục mua dự phòng khoảng 3.500 liều vắc-xin để tiêm phòng. Ngoài ra, công tác phòng bệnh cúm gia cầm đang được triển khai gấp rút. Mới tuần qua, Chi cục Chăn nuôi Thú y - Thủy sản tỉnh đã phân bổ vắc-xin về cho các trạm chăn nuôi và thú y, hiện nay lượng vắc-xin phòng cúm gia cầm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêm.

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 1 ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A vào ngày 24-4-2021. Tổng số heo đã chết và tiêu hủy có trọng lượng 865kg. Dịch bệnh đã được khống chế, tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng (2-5) đến nay không phát sinh ổ dịch mới. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh gần 9 tháng qua không xuất hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm.

Tương tự một số địa phương, do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ cao, phát sinh và lây lan dịch bệnh. Giá vắc-xin tiêm phòng một số loại bệnh khác cao so với thu nhập người dân nông thôn nên người dân còn tâm lý ngán ngại, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng chưa cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác giám sát dịch bệnh trên động vật gặp không ít khó khăn.

Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thời gian tới ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tại các địa phương để có hướng xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch, tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc. Thí điểm xây dựng và quản lý cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn năm 2021 trên địa bàn tỉnh (dự kiến hỗ trợ xây dựng 3 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh cúm gia cầm).

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 99 xã của 29 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 370.000 con gia cầm, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Dịch tả heo châu Phi xảy ra gần 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 93.000 con heo, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 17-9, cả nước có 354 ổ dịch tại 120 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Từ giữa tháng 6-2021, chủng vi-rút cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan tại 10 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới nguy cơ phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8; bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tai xanh... là rất cao. Bộ NN&PTNT đã cấp 90.000 liều vắc-xin, 279.000 lít hóa chất phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm và 380 tấn hóa chất phòng dịch bệnh thủy sản cho các tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nguy cơ các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan diện rộng là rất cao. Để tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, các địa phương cần quan tâm triển khai chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật. Cơ quan thú y, thủy sản của địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người nuôi trồng thủy sản và doanh nghiệp, không để gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và phòng chống dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh trong chăn nuôi, chủ động thuốc, vắc-xin tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm, đạt tối thiểu 80% gia súc các địa phương có dịch, nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu: Cục Thú y bám sát việc thực hiện kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh trên gia cầm, thủy sản. Nắm tình hình, trên cơ sở giám sát vi-rút để xử lý kịp thời. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập thuốc, vắc-xin phòng bệnh; tổ chức triển khai tiêm vắc-xin và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Thứ trưởng giao Cục Chăn nuôi chịu trách nhiệm về an toàn sinh học, chỉ đạo các cơ sở, địa phương, chuẩn bị giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi cho vụ sản xuất mới. Đồng thời, bám sát thực tiễn để có kịch bản duy trì chăn nuôi từ đây đến cuối năm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương quan tâm doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, phân phối lưu thông thị trường và xuất khẩu. Duy trì tốc độ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để kết nối cung - cầu ra thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đảm bảo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định đời sống Nhân dân trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng qua, sản xuất nông nghiệp cả nước đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, chăn nuôi, thủy sản chiếm đến 49,5% tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp. Các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Tổng đàn gia cầm hơn 500 triệu con, tổng đàn heo trên 26 triệu con, tổng sản lượng thịt gia súc chuồng ước đạt trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỉ quả.

 

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>