Chủ động cho vụ lúa Đông xuân

28/09/2023 | 07:46 GMT+7

Với những dự báo về tình hình hạn, mặn trong mùa khô sắp tới không mấy thuận lợi cho vụ lúa Đông xuân 2023-2024, nhất là ở giai đoạn cuối vụ, Bộ NN&PTNT cùng ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã chủ động có những kế hoạch trọng tâm cho vụ lúa chính của năm.

Linh hoạt xuống giống sớm cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn là giải pháp được ngành nông nghiệp Hậu Giang và các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện trong vụ lúa Đông xuân sắp tới.

Khả năng hạn, mặn sớm và gay gắt

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo trạng thái El Nino sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến tháng 2-2024, với xác suất 85-95%. Do đó, ước tính tổng lượng mưa tại vùng ĐBSCL trong tháng 9 này cao hơn từ 5-10% so với trung bình nhiều năm (TBNN); sang tháng 10 tới sẽ phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; đến tháng 11 và 12 tới, dự báo mưa thấp hơn từ 10-20% so với TBNN; sang tháng 1 và 2-2024 có xu hướng thấp hơn TBNN và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa trong thời kỳ này.

Từ nhận định trên, Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo về tình hình lũ năm 2023 và hạn, mặn trong mùa khô 2023-2024 tại vùng ĐBSCL như sau. Trước tiên về lũ, khả năng đỉnh lũ sẽ xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 và nhìn chung, đỉnh lũ năm 2023 ở mức thấp hơn báo động 1, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 và thấp hơn khá nhiều so với TBNN. Về nguy cơ ảnh hưởng do lũ kết hợp triều cường chủ yếu xảy ra ở vùng giữa và ven biển; trong đó, tỉnh Hậu Giang là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất, với diện tích khoảng 15.913ha đất sản xuất nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần chủ động kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao ngăn mặn xâm nhập được hiệu quả và kịp thời. 

Về tình hình ảnh hưởng hạn, mặn thì theo Cục Thủy lợi, đến thời điểm hiện tại, lượng trữ điều tiết của các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong mới đạt 33,8 tỉ m3 nước, chiếm 51,5% tổng dung tích hữu ích của các hồ (tổng cộng khoảng 65 tỉ m3). Với điều kiện thời tiết và thủy văn như nhận định ở trên, dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023-2024 tại ĐBSCL thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực. Đáng chú ý các hồ thượng nguồn có khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, trong đó giai đoạn đầu mùa khô vào khoảng tháng 12-2023 đến tháng 3-2024 có thể xả nước hạn chế; vì vậy, dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, chia sẻ: Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mekong, đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở vùng ĐBSCL sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với TBNN, đặc biệt là một số thời điểm, nước mặn với nồng độ cao lấn sâu vào đất liền tương đương như mùa khô năm 2015-2016 có nồng độ mặn đạt mốc cao lịch sử tại một số vùng của tỉnh nằm ở giữa ĐBSCL như Hậu Giang. Do vậy, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt là đối với vụ lúa chính của năm là Đông xuân.

Đề ra nhiều giải pháp cho vụ lúa Đông xuân

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, vụ lúa Đông xuân 2023-2024, toàn vùng ĐBSCL phấn đấu gieo sạ đạt 1,475 triệu héc-ta, năng suất ước đạt 7,22 tấn/ha, tăng 400kg/ha so với cùng kỳ và ước sản lượng khoảng 10,655 triệu tấn lúa hàng hóa. Để đảm bảo vụ sản xuất lúa Đông xuân tại ĐBSCL đạt thắng lợi trên các mặt trước dự báo về tình hình hạn, mặn đến sớm và diễn ra gay gắt trong thời gian tới; hiện Bộ NN&PTNT cùng ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã chủ động đề ra nhiều giải pháp trước khi bà con xuống giống.

Theo đó, một trong những giải pháp trọng tâm là hiện Bộ NN&PTNT đã đề xuất khung lịch thời vụ cho toàn vùng nghiên cứu áp dụng. Cụ thể, vùng ĐBSCL sẽ có 3 đợt xuống giống cho vụ lúa Đông xuân sắp tới, gồm: đợt 1 sẽ bắt đầu gieo sạ từ ngày 10 đến 30-10 tới; khung lịch thời vụ này dành cho những vùng ven biển Nam bộ, vì đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ sản xuất do bị xâm nhập mặn và hạn hán. Diện tích gieo sạ đợt 1 khoảng 375.000ha, chiếm khoảng 25% trong tổng số diện tích lúa Đông xuân theo kế hoạch của vùng.

Đối với đợt 2 sẽ bắt đầu từ ngày 1 đến 30-11 tới và đây là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, giữa và ven biển; với diện tích gieo sạ đạt khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích lúa Đông xuân theo kế hoạch. Còn đợt 3 sẽ bắt đầu từ ngày 1 đến 31-12 tới và đây cũng là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, giữa và ven biển; với diện tích khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích theo kế hoạch. Ngoài ra, một số vùng có thể xuống giống Đông xuân muộn hơn khung lịch thời vụ trên nhưng phải đảm bảo kết thúc gieo sạ trước ngày 10-1-2024.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết: Từ đề xuất khung lịch thời vụ như trên, Cục Trồng trọt đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chủ động bố trí lịch xuống giống cho người dân phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình, trong đó cần linh hoạt xuống giống sớm cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Từ khung lịch thời vụ chung của Bộ NN&PTNT đề xuất, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã đề ra kế hoạch sản xuất cho vụ lúa Đông xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nông dân Hậu Giang dự kiến xuống giống đạt 74.200ha, ước năng suất bình quân 7,6 tấn/ha; sản lượng ước đạt 565.000 tấn.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Hiện đơn vị đã phân bổ chỉ tiêu về diện tích lúa Đông xuân sắp tới cho các địa phương trong tỉnh thực hiện, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn của sở tham mưu và sớm đề xuất khung lịch thời vụ xuống giống cho từng vùng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ NN&PTNT là linh hoạt xuống giống sớm cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm nhằm hạn chế bị thiệt hại do hạn, mặn vào cuối vụ. Bên cạnh đó, sở cũng chỉ đạo cho ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân xuống giống vụ lúa Đông xuân đúng theo khuyến cáo của từng vùng sản xuất; đồng thời các địa phương có nguy cơ cao về xâm nhập mặn trong tỉnh cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống khi được cảnh báo nguy cơ từ các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ thì qua nắm bắt tình hình tiêu thụ, xuất khẩu gạo hiện nay ở trong nước và nước ngoài, đồng thời dự báo về nhu cầu xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới; Bộ NN&PTNT khuyến cáo nông dân vùng ĐBSCL chọn trồng một số loại giống lúa chủ lực trong vụ Đông xuân sắp tới. Theo đó, nông dân cần ưu tiên gieo sạ nhóm giống lúa có khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt, như: OM18, OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM7347, Nàng Hoa 9,... Cụ thể đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu (trong đó có tỉnh Hậu Giang), nhóm giống lúa mà nông dân cần ưu tiên sử dụng là OM18, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài Thơm, Jasmine 85.

Về giải pháp kỹ thuật, Bộ NN&PTNT đề nghị ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Bên cạnh đó là tăng cường hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây lúa, cũng như nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất lúa như: mô hình “cánh đồng lớn”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”, “quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn -  lùn xoắn lá”...

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết thêm: Ngoài các nhiệm vụ trên thì ngành chức năng có liên quan tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động có giải pháp bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra cho người dân. Bên cạnh đó là bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, thực hiện kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều cường, mặn được kịp thời…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>