Cảnh giác với các chủng vi-rút cúm gia cầm độc lực cao

28/07/2021 | 07:16 GMT+7

Để chủ động ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm, đặc biệt là các chủng vi-rút cúm gia cầm thể độc lực cao, Hậu Giang đang tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi chủ động bảo vệ đàn gia cầm. Liên quan đến các giải pháp phòng bệnh, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hùng Cường (ảnh), Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh.

Xin ông thông tin về bệnh cúm gia cầm cũng như các triệu chứng, biểu của bệnh trên gia cầm để người chăn nuôi nắm vững hơn?

- Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm, chim hoang dã) và động vật có vú (gồm cả con người). Bệnh do vi-rút tuýp A gây ra. Ở nước ta hiện nay đã xác định chủng vi-rút gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6 và mới nhất là H5N8. Trong chăn nuôi, gà thường mắc bệnh rất nặng, vịt mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng va là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

Gia cầm nhiễm bệnh sẽ có các triệu chứng lâm sàng như chết đột ngột, tỷ lệ chết có thể lên đến 100% tổng đàn trong vài ngày. Gia cầm sốt cao đi loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, nằm tụ tập từng cụm. Ngoài ra, còn có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, hắt hơi, khó thơ, khò khè, chảy nước mũi, sưng phù đầu và mặt, xuất huyết dưới da; tiêu chảy phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ, năng suất trứng giảm rõ rệt.

Chủng vi-rút cúm gia cầm A/H5N8 mới đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố, xin ông cho biết thêm về chủng mới này?

- Vi-rút cúm gia cầm A/H5N8 là chủng có độc lực cao lại rất mới với chúng ta nên rất cần sự quan tâm, nêu cao cảnh giác của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm để chủ động phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm. Về đặc điểm bệnh, các chủng vi-rút cúm gia cầm bao gồm cả A/H5N8 khi gây bệnh với triệu chứng gần như giống nhau.

Hậu Giang thuận lợi hơn các tỉnh bạn về vị trí địa lý, chúng ta không thuộc vùng biên nên việc kiểm soát vận chuyển cũng thuận lợi hơn, chủ yếu là kiểm soát nội địa. Tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện trên 4 triệu con, trong đó đàn gà dao động khoảng 1,7-2 triệu con. Khó khăn chủ yếu hiện nay là tình trạng chăn nuoi nhỏ lẻ phổ biến. Đối với hộ chăn nuôi quy mô từ 100 con trở lên, việc vận động tiêm phòng bà con chấp hành rất tốt. Riêng hộ nuôi nhỏ lẻ, quy mô vài chục con chủ yếu là tự phát nuôi thả rong không chuồng trại, ít quan tâm về tiêm phòng và việc thực hiện an toàn sinh học rất hạn chế, nhóm này có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Người chăn nuôi cần quan tâm thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.

Một số vấn đề người chăn nuôi cần lưu ý hiện nay là gì, thưa ông?

- Người chăn nuôi cần quan tâm thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Trong đó, đảm bảo giữ khoảng cách và kiểm soát tốt ra, vào khu vực chăn nuôi và các vật trung gian. Đây là biện pháp đầu tiên và có hiệu quả tốt nhất để đạt được mức độ an toàn sinh học cao. Nếu mầm bệnh không thâm nhập được vào chuồng nuôi gia cầm thì không thể xảy ra sự lây nhiễm. Kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nước uống. Giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi, làm sạch thường xuyên bằng vôi bột, hóa chất. Thực hiện tiêm phòng bệnh cúm gia cầm đúng lịch, đủ liều cho gia cầm; ngoài ra người chăn nuôi cần quan tâm quy trình phòng các bệnh khác như bệnh niu-cát-xơ (dịch tả gà), tụ huyết trùng, gumboro và cầu trùng… Trong chăn nuôi, phòng bệnh bằng vắc-xin được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Bà con cũng lưu ý chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sạch bệnh. Gia cầm mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Thức ăn, nước uống phải đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ. Định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế người ra, vào. Không nuôi chung các loại gia cầm với nhau hoặc nuôi chung gia cầm với gia súc. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết bất thường, bà con báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Đặc biệt người chăn nuôi cần phải đảm bảo vệ sinh cá nhân phòng chống lây nhiễm từ đàn gia cầm nuôi bằng các biện pháp như: Rửa tay sạch sẽ trước và sau tiếp xúc gia cầm, trang bị bảo hộ găng tay khẩu trang, ủng, kính khi vào khu vực chăn nuôi. Tuyệt đối không được giết mổ khi gia cầm có biểu hiện bệnh, chết chưa rõ nguyên nhân. Cần khai báo khi nuôi mới gia cầm với nhân viên thú y xã, phường để tổ chức tiêm phòng. Khi đàn gia cầm có biểu hiện chết nhanh đột ngột, có dấu hiệu lây lan nhanh cần báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Thường xuyên vệ sinh, sát trùng môi trường chăn nuôi để tiêu diệt cac loại mầm bệnh.

Như vậy, thời gian tới ngành chức năng sẽ có giải pháp gì để kiểm soát tốt dịch bệnh này, thưa ông?

- Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện đang rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao và gửi xét nghiem xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi-rút cúm gia cầm chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép xuất, nhập tỉnh. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm xuất, nhập tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu tháng 6-2021 đến nay đã phát hiện chủng vi-rút cúm gia cầm A/H5N8 tại 3 tỉnh là Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Bộ NN&PTNT nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng ở nước ta là rất cao. Nguyên nhân do chủng vi rút mới cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Vi-rút được phát hiện từ gia cầm chăn thả trên khu vực rộng, đặc biệt được phát hiện từ giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm sống, nơi hoạt động buôn bán diễn ra thường xuyên, điều kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo. Việc truy xuất, tiêu hủy gia cầm mắc benh gặp nhiều khó khăn. Mật độ chăn nuôi cao, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học. Thời tiết gần đây diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm…

 

THÚY HẰNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>