Cần tính toán đến việc nâng giá trị sản xuất nông nghiệp khi đẩy mạnh cơ giới hóa

22/03/2024 | 08:46 GMT+7

Máy móc hiện đại đang từng bước “bành trướng” hoạt động trong sản xuất nông nghiệp. Điều này, giúp nông dân nhẹ công nhưng năng suất và chất lượng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, cơ giới hóa cũng mang lại một thách thức khi nhiều người lao động tay chân đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Đâu sẽ là hướng đi cho hợp lý, dung hòa cho cả đôi bên? Câu chuyện này sẽ được Anh hùng lao động, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (ảnh), chuyên gia hàng đầu về ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang.

Ngành nông nghiệp đang thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến 2030. Nhiều địa phương hiện đã và đang tích cực tham gia đề án này. Tuy nhiên, việc thay đổi tập quán của nông dân là vấn đề không đơn giản. Theo ông thì đây có phải là thách thức lớn nhất khi thực hiện đề án ?

- Chương trình Net Zero - không phát thải, đây là chương trình rất là thách thức đối với bà con nông dân. Đồng thời về phía lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất thì phía Nhà nước cũng phải siết vô cái này. Tại vì chúng ta thấy rằng, Việt Nam mình sản xuất lúa rất nhiều nhưng với cái kiểu của bà con nông dân chúng ta bón phân hiện nay là mình phát thải khí nhà kính rất nhiều.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng giúp việc canh tác được thuận lợi hơn rất nhiều.

Rơm ở lại mà mình không cho nó phân hủy thì nó cho khí amoniac. Kế đó, khi sạ lúa hoặc cấy lúa thì bà con mình không làm theo khuyến cáo của nhà khoa học. Bên khoa học nói là trước khi gieo sạ lúa hoặc cấy lúa thì chúng ta nên bón lót phân urê, lân và 1 phần phân kali. Kế đó, mình trục nhận phân vào đất để cho phân quến chặt vào trong đất, không bay đi đâu cả. Phân với đất làm như thế giống sắt và nam châm hút nhau. Nhưng bà con mình làm theo kiểu thông thường “chưa có lúa mà bón phân là phí”. Do đó, 10 ông nông dân làm đủ 10 ông chờ lúa lên rồi mới bón phân. Khi họ bón phân như thế thì nhất là phân urê nằm ở trên mặt đất, ở dưới lớp nước. Trên lớp đó vẫn còn oxy, nó sẽ tác động làm urê bốc hơi thành khí thải độc, mạnh gấp 310 lần CO2. Thành ra cái hiện nay đang muốn bà con mình áp dụng, thứ nhất là bà con giảm bớt phân hóa học. Thứ hai, bà con nên dùng phân vi sinh, phân hữu cơ và bón trước khi chúng ta gieo sạ, cấy. Bón rồi thì mình trục lần chót, cho đều, giữ phân dưới đó để giảm phát thải khí nhà kính.

Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì để tháo gỡ khó khăn này ?

- Tôi đề nghị chính quyền các cấp của chúng ta nên chỉ đạo chỗ này. Chúng ta nói, mình đã hứa với quốc tế sẽ giảm bớt khí phát thải nhà kính, để giữ nhiệt độ là cùng với thế giới, tăng lên dưới 1,5 độ nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục để bà con dùng quá nhiều phân hóa học, mà chỉ bón phân sau khi sạ lúa hoặc cấy lúa thì chúng ta vẫn tiếp tục để cho khí thải nhà kính. Đây là điều rất là quan trọng mà hiện tại chúng ta phải siết vào.

Nếu 10kg phân urê bỏ xuống ruộng lúa thì cây lúa chỉ ăn 4-5kg, còn 5-6kg kia là bay lên, như vậy đóng góp thêm biến đổi khí hậu. Bởi vì bón phân hóa học sai làm gia tăng khí nhà kính, khí hậu biến đổi rất mạnh nên chúng ta cần phải thay đổi.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa hiện mang đến nhiều lợi ích, nhưng khi máy móc can thiệp sâu vào quá trình sản xuất thì sẽ đẩy nhiều nông dân lên bờ và có nguy cơ thất nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?

- Cái đó trực tiếp là đang gặp vấn đề khó khăn với bà con nông dân mình đây. Bây giờ mình xét ra từ cày đất, bừa, trục... tất cả mướn hết. Thậm chí bón phân cũng mướn người ta bón luôn. Kế đó là phun thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật cũng có máy bay không người lái, tới khi thu hoạch cũng sử dụng máy luôn. Thành ra nông dân giờ chỉ còn lo đếm bao nhiêu lúa bán cho thương lái.

Số ngày công làm việc của người nông dân làm lúa chúng ta hiện nay giảm lại rất thấp. Chỗ này đưa tới phụ nữ mình gần như không có việc làm nhiều. Lúc trước thì phụ nữ có việc làm đồng áng, bây giờ máy móc hết. Tiến tới nữa là cơ giới hóa, thêm nữa cấy thì cũng cơ giới hóa luôn. Sạ thì cơ giới hóa rồi. Mấy chỗ này là đưa bà con nông dân chúng ta đi ra khỏi đồng ruộng để có thời giờ làm việc khác. Bây giờ phải làm thế nào có việc khác để bà con mình có việc làm. Những việc làm về tiểu thủ công nghiệp hoặc chăn nuôi bên cạnh làm lúa. Thí dụ như bây giờ đang làm như thế thì mình sắp xếp đồng ruộng thành ra những liếp trồng lúa thì mình nuôi tôm, cá đồng thời với cây lúa thì bà con sẽ sử dụng lao động để làm ra nhiều của cải, cho thu hoạch thêm. Chứ nếu mà chúng ta để lúa như thế rồi cơ giới hóa hết thì nông dân đang gặp nhiều khó khăn.

Tới đây, những cây trồng khác, tôi nghĩ khi người ta càng đưa cơ giới hóa vào, càng làm tự động hóa thì mình phải tìm cách sử dụng những lao động dôi dư ra mới làm được. Thí dụ ở Hà Lan, nước rất nhỏ ở châu Âu nhưng mà xuất khẩu giá trị nông nghiệp của họ đứng sau Mỹ. Giờ Hà Lan chỉ 3% làm nông nghiệp còn những người khác qua làm dịch vụ hết. Ví dụ trồng hoa tự động hết, thì sinh ra việc là những nhà kính rất tốt, hút nhân công vô làm nhà kính, làm những thứ phục vụ cho hoa. Khi hoa thu hoạch thì phải xếp hoa vô hộp thì cũng tạo ra công ăn việc làm. Kế đến là xe chở đi, máy bay tăng chuyến lên để chở hoa đi các thủ đô khác. Nông nghiệp này, người trực tiếp trồng hoa chỉ 3% nhưng mấy chục phần trăm kia làm mấy thứ khác phục vụ cho việc này, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Tới đây, nông nghiệp của chúng ta cũng nên làm như thế, chứ còn mình bán đồ thô không là không được, hiệu quả không cao.

Xin cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân !

MỘNG TOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>