Bước tiến nông nghiệp

24/01/2023 | 06:46 GMT+7

Nghe Podcast:

/uploads/Audio/News/2023/01/24/132715THÀNH PHẨM PODCSAT BAI BUOC TIEN NONG NGHIEP - PHƯỚC.mp3

 

Thời gian gần đây, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, cũng như tăng tính liên kết trong tiêu thụ sản phẩm... được nông dân tỉnh nhà đặc biệt quan tâm.

Nông dân Hậu Giang đang ứng dụng mạnh mẽ thiết bị bay không người lái vào khâu gieo sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật.

Nông dân dần làm chủ công nghệ

Vụ lúa Đông xuân 2022-2023 này, các thành viên HTX Nông nghiệp Mùa Vàng, ở ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cùng bà con xung quanh cảm thấy phấn khởi, khi HTX đầu tư hẳn một thiết bị bay không người lái để phục vụ sản xuất. Ông Trần Ngọc Tần, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mùa Vàng, chia sẻ: “Sau vài vụ áp dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, nên mới đây HTX đã mạnh dạn mua một chiếc máy bay không người lái về nhằm tự chủ động phục vụ cho bà con. Điều phấn khởi là kinh phí mua thiết bị bay không người lái được Nhà nước hỗ trợ 50% đã giảm bớt gánh nặng cho HTX. Mặt khác, thao tác điều khiển thiết bị bay không quá khó nên sau thời gian được tập huấn từ cán bộ chuyên môn của tỉnh, giờ đây tôi có thể tự điều khiển thiết bị bay của mình trên đồng ruộng”. 

Hiện có nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được nông dân đăng ký quét mã QR Code trong truy xuất nguồn gốc, từ đó góp phần nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cũng theo ông Tần, nhờ có công nghệ hiện đại này mà tết đến, bà con trong HTX và xung quanh có thời gian trang hoàng nhà cửa cho tươm tất. Bởi, nếu phun thuốc theo truyền thống thì 1ha, một người phải mất khoảng 3-4 giờ phun, còn với thiết bị bay thì chỉ mất 7-8 phút là xong. Mặt khác, quá trình phun thuốc không giẫm đạp lúa, hạn chế tiếp xúc với thuốc, lượng nước sử dụng ít nên bảo vệ tốt môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.

Không chỉ nông dân làm lúa mà hiện có không ít nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh cũng áp dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật. Đang đứng xem nhân viên điều khiển thiết bị bay phun thuốc cho 5,5ha sầu riêng từ 5 đến hơn 20 năm tuổi của gia đình, ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng thường cao, to nên việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh thường gặp nhiều khó khăn và tốn công, tốn sức. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, vấn đề trở ngại trên được tháo gỡ khi tôi áp dụng biện pháp phun thuốc cho vườn sầu riêng của mình bằng thiết bị bay không người lái. Bởi, khi pha thuốc đưa vô bình phun xong thì một người chỉ cầm thiết bị điều khiển đứng tại chỗ rồi cho máy bay thực hiện phun thuốc. Với 5,5ha sầu riêng thì chỉ mất vài giờ là phun xong, còn trước kia thì tốn vài ngày”.

Nông dân Hậu Giang đang dần làm chủ và áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài thiết bị bay không người lái thì nông dân trong tỉnh còn áp dụng mạnh mẽ việc ứng dụng cơ giới hóa vào canh tác lúa, nhất là đầu tư máy cấy lúa. Ông Nguyễn Thanh Vững, Giám đốc HTX Vĩnh Lập, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho hay: “Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu về sản phẩm an toàn thực phẩm, bà con xã viên HTX đã đẩy mạnh việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hiện tại, HTX có 70ha đất trồng lúa, trong đó có 50ha sản xuất theo mô hình lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đặc biệt, trong vụ lúa Đông xuân đang canh tác, HTX được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí để mua chiếc máy cấy lúa. Qua đây, càng tạo động lực cho xã viên HTX thực hiện ngày càng tốt hơn mô hình sản xuất lúa sạch”.

Nhiều điểm nhấn

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, điểm nhấn trong sản xuất lúa của tỉnh hiện nay là nhiều địa phương đã hình thành được vùng lúa chất lượng cao, với tổng diện tích hơn 35.000ha, tập trung ở huyện là Châu Thành A, Vị Thủy và Phụng Hiệp; đồng thời nhiều địa phương của tỉnh còn quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, trong đó có nơi đạt diện tích liên kết, tiêu thụ khoảng 5.000ha. Ngoài ra, trong quá trình canh tác thì nông dân của tỉnh ngoài việc tăng cường sử dụng giống lúa theo nhu cầu thị trường và đạt chuẩn cấp xác nhận thì bà con còn ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hạt gạo.

Ngoài tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật thì nhiều địa phương trong tỉnh còn quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giữa nông dân với doanh nghiệp và HTX.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, thông tin: Trong những năm qua, địa phương luôn tập trung đầu tư vùng lúa chất lượng cao chiếm trên 95% diện tích lúa toàn huyện. Trong đó, nổi bật là sản xuất gạo sạch và trên 200ha làm lúa giống cấp xác nhận để cung cấp cho người dân trong vùng. Ngoài ra, huyện còn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng vùng lúa chất lượng cao trên cơ sở liên kết 4 nhà, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh cây lúa thì nhờ thực hiện tốt công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên nhiều lĩnh vực cây trồng, vật nuôi của tỉnh cũng đang tạo đột phá mạnh mẽ về diện tích, sản lượng và áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Trong đó, nhiều diện tích cây ăn trái như chanh không hạt, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, mít,… được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời cũng có không ít diện tích rau màu được nông dân trồng trong nhà kính gắn với hệ thống tưới nước nhỏ giọt và trồng rau màu theo mô hình thủy canh sinh thái cho hiệu quả kinh tế cao.

Diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt hơn 45.800ha, trong đó có nhiều diện tích được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Không chỉ quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất mà nông dân Hậu Giang còn xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản bằng việc quét mã QR Code. Bởi, theo xu thế phát triển của thị trường thì bên cạnh nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản, người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói và vận chuyển đến bày bán sản phẩm.

Trong chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Hậu Giang, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ NN&PTNT, cho rằng Hậu Giang đang là một trong những tỉnh nổi bật của vùng ĐBSCL về thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn truy xuất nguồn gốc trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, điểm nhấn là hiện ngành nông nghiệp của tỉnh đã được 99 vùng trồng có cấp mã số trên cây ăn trái, cây dược liệu và lúa. Từ kết quả khởi sắc trên sẽ là cơ sở quan trọng để địa phương tiếp tục nhân rộng cách làm trong thời gian tới.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trên cơ sở những bứt phá quan trọng trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết “4 trụ cột” của Tỉnh ủy thì riêng lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp đi đúng hướng với quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Cụ thể là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cũng như tổ chức nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp. Đặc biệt, chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển có định hướng, tập trung, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, việc tối ưu hóa giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển đổi đất canh tác, các cây trồng, vật nuôi chủ lực đem lại hiệu quả cao là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp.

“Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2022 của Hậu Giang đạt gần 180.000ha, năng suất bình quân 6,7 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt hơn 45.800ha, tổng sản lượng đạt gần 590.000 tấn; diện tích rau màu của tỉnh đạt 25.500ha, sản lượng đạt 320.000 tấn/năm... Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) năm 2022 đạt 3,93% (kế hoạch 3,05%); trong đó có thời điểm trong năm thì mức GRDP của khu vực I đạt 4,49% và đây được xem là cột mốc cao nhất của 10 năm qua.”

 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>