“Bệ phóng” giúp nông nghiệp Hậu Giang vươn xa

24/02/2022 | 07:09 GMT+7

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp Hậu Giang tập trung các mục tiêu, giải pháp đưa nông nghiệp của tỉnh ngang tầm với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao đời sống của nông dân.

Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã sản phẩm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Tập trung giải pháp tạo đột phá

Trên lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, tự phát sang phát triển có định hướng, tập trung, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tối ưu hóa giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển đổi đất canh tác, các cây trồng, vật nuôi chủ lực đem lại hiệu quả cao là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trình UBND tỉnh đóng góp mới đây, mục tiêu là đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực I bình quân đạt 3%/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70%, nâng năng suất lao động khu vực I bằng mức bình quân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì mức 3%, tăng cường trữ lượng, chất lượng rừng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30%; sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 25%; tỷ lệ giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20%; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 đến 2,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

Hậu Giang phấn đấu xây dựng thành công 5 nông sản chủ lực định vị thương hiệu tiêu thụ ở 3 thị trường: nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu.

Xây dựng thành công 5 nông sản chủ lực (lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn) định vị thương hiệu tiêu thụ ở ba thị trường: nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển 4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch (khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày). Ngoài ra, xây dựng 15 mô hình hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả. Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 04, ngành nông nghiệp xây dựng, định hướng phát triển ngành nông nghiệp và các lĩnh vực chủ yếu của ngành. Từng bước hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị và các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao năng suất lao động và thu nhập của nông dân. Xây dựng hoàn thiện và triển khai một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng “trụ cột nông nghiệp” vững chắc

Theo dự thảo Kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ từng bước hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh theo hướng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường. Tập trung phát triển nhóm nông sản chủ lực (lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát, lươn), có sự đầu tư phát triển cân đối nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các nông sản chủ lực đủ điều kiện. Áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Các sở, ngành cũng cho rằng ngành nông nghiệp cần nghiên cứu xây dựng những mô hình tiên tiến trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Kết hợp lưu chuyển hàng hóa, nông sản kể cả đường bộ và đường thủy nội địa. Cần cụ thể hơn các giải pháp triển khai kế hoạch.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Ngành công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp trong việc triển khai kế hoạch. Chúng tôi cho rằng cần phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn. Trên cơ sở Nghị quyết 04, chúng tôi đã xây dựng 12 chương trình xúc tiến thương mại năm 2022, chương trình xúc tiến thương mại 2021-2025 với kinh phí hơn 13 tỉ đồng. Tập trung xúc tiến, quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Mục tiêu là vừa hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ và hướng đến việc khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, đối với nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương có quy mô nhỏ (khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày), tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm, từng bước hướng đến thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Trong Nghị quyết 04, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong giai đoạn 2021-2025, phải có mục tiêu, giải pháp đưa nông nghiệp của tỉnh ngang tầm với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao đời sống của nông dân. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng với nhiệm vụ, chỉ tiêu, thời gian, nguồn lực hết sức chi tiết để kiểm tra, đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện, kịp thời phát hiện nhân tố điển hình, điều chỉnh, khắc phục hạn chế.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu bổ sung thêm các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng bên cạnh những sản phẩm chủ lực của tỉnh; phải cân nhắc trong việc xác định diện tích các loại cây trồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường; nghiên cứu các loại sản phẩm chế biến từ nông sản mới, đa dạng. Ngoài ra, phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Tuyên truyền, tranh thủ mọi nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 3,08% so với năm 2020. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,11 điểm phần trăm với mức tăng 4,04%; tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,96% trong cơ cấu kinh tế, tăng 0,14% so với năm 2020, giá trị tăng thêm đạt trên 10.700 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>