Bất cập ở vùng mía

23/11/2022 | 07:36 GMT+7

Nếu như mọi năm, vào thời điểm này vùng mía ở huyện Phụng Hiệp rất nhộn nhịp nhân công tấp nập và thu hoạch chuyên chở mía. Nhưng năm nay, dù nhà máy đường công bố giá mía thu mua đầu vụ cao hơn 300 đồng/kg, nhưng không khí ở vùng mía năm nay cũng khá trầm lắng.

Do nông dân bán mía chục nên nguồn mía nguyên liệu về nhà máy đường thời điểm này rất ít. Ảnh: T.TRÚC

Nông dân từ chối bán mía cho nhà máy đường

Canh tác 5 công mía giống Suphen hơn 11 tháng tuổi, mía đã đạt chữ đường thu hoạch, nhưng ông Đào Văn Vởn, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, chưa vội thu hoạch mặc dù Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) công bố giá thu mua đầu vụ ở mức 1.300 đồng/kg mía 10 CCS, cao hơn năm trước 300 đồng/kg so với năm rồi. Thay vào đó, ông Vởn quyết định tiếp tục neo mía để đợi bán mía chục.

Ông Vởn cho biết: “Giống mía này hiện nay thương lái thu mua mía chục ở mức 2.400 đồng/kg, nông dân không tốn chi phí nhân công thu hoạch. Trong khi bán mía cho nhà máy thấp hơn 1.000 đồng/kg so với mía chục, nên nông dân không có lãi. Buộc lòng bà con ở khu vực này chọn bán mía chục, thay vì bán cho nhà máy đường. Bởi lâu lắm rồi mía mới có giá, ai cũng muốn gỡ gạc gạt lại thu nhập sau nhiều năm thua lỗ”.

Năm nay, huyện Phụng Hiệp xuống giống hơn 3.600ha mía, hiện nông dân đã bán mía chục gần 80%. Thậm chí những diện tích đã ký kết, nhận đầu tư của công ty cũng hủy kèo không bán cho nhà máy. Theo thống kê của Casuco, vụ mía 2021-2022 công ty ký hợp đồng đầu tư cho 830 hộ trồng mía ở huyện Phụng Hiệp với tổng diện tích hơn 736ha. Đến nay đã có 363 hộ nhận hợp đồng đầu tư đã bán mía chục cho thương lái với diện tích 262ha, còn lại 473ha nông dân vẫn chưa chịu thu hoạch mía bán cho nhà máy đường.

Như trường hợp của ông Trần Văn Thảo, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đầu vụ ông Thảo ký hợp đồng nhận đầu tư của Casuco trên diện tích 4 công mía trồng giống ROC 16. Nhưng khi thấy mía chục có giá, ông Thảo đã chủ động hủy hợp đồng, chấp nhận đóng lãi cho phần chi phí đầu tư của công ty để được bán mía chục. Toàn bộ 4 công mía của ông Thảo bán mía chục được 130 triệu đồng, trừ hết chi phí đầu tư ông lãi gần 80 triệu đồng.

Ông Thảo cho biết: “Sau nhiều năm thua lỗ, năm nay ai còn gắn bó với cây mía thì hầu như đều bán mía chục. Dẫu biết rằng đầu ra của mía chục vẫn còn bấp bênh, không ổn định như mía đường nhưng trước mắt lợi nhuận khá cao nên nông dân đa phần đều làm theo. Hiện nay, mía chục không trồng theo vụ như mía đường, mà được trồng quanh năm nên tháng nào cũng có mía thu hoạch, vì thế nông dân trồng mía có đồng ra đồng vô”.

Do sản lượng mía cung cho nhà máy giảm mạnh nên Casuco phải thông báo điều chỉnh thời gian sản xuất, thay vì vào vụ ép từ ngày 14-11.

Cần có định hướng phát triển lâu dài cho vùng mía

Do giá mía chục năm nay ở mức cao, đầu ra tương đối thuận lợi hơn mọi năm nên nhiều diện tích chuyển đổi trước đây cũng được bà con nông dân cải tạo để trồng mía trở lại. Có gần 10 công chuối trước đây chuyển từ mía, nhưng hiện nay ông Nguyễn Phi Hùng, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đang bỏ 5 công chuối để quay lại trồng mía. Theo ông Hùng, hiện nay mía có giá nên muốn quay lại với cây trồng truyền thống này, nếu giá bán ổn định sẽ tiếp tục chuyển thêm 5 công còn lại. Ông Hùng cho biết thêm: “Quay lại với cây mía nhưng cũng còn nhiều nỗi trăn trở nên gia đình chỉ mới chuyển đổi lại 50% diện tích. Giờ trồng thì trồng, nhưng cũng chưa biết bán cho nhà máy đường hay mía chục, tới vụ thu hoạch mới tính. Vì năm nay giá mía chục ở mức cao nhưng chưa biết năm sau thế nào nữa”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Năm nay, mía có giá nên nhiều nông hộ đã chủ động quay lại với cây mía. Hiện nay, ngành cũng đang chỉ đạo cho cán bộ kỹ thuật các địa phương tiến hành theo dõi và cập nhật số liệu. Dự báo niên vụ mía 2022-2023 diện tích mía ở huyện Phụng Hiệp sẽ tăng mạnh.

Để phát triển ổn định vùng mía, định hướng của huyện Phụng Hiệp đến năm 2025 sẽ giữ vững vùng nguyên liệu mía từ 3.000-3.500ha, trong đó có khoảng 500ha ở các xã như: Phụng Hiệp, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng được quy hoạch trồng mía chục, số còn lại sẽ sản xuất để cung ứng cho nhà máy.

Để giúp người dân trồng mía an tâm sản xuất lâu dài, Casuco cũng đã triển khai phương án đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu trong 3 vụ mía tới. Theo đó, nông dân sẽ nhận đầu tư giống, phân bón và trả lại sản lượng mía cho nhà máy khi đến vụ thu hoạch. Cách thức thực hiện cũng như vụ mía 2021-2022, nhưng được kéo dài đến 3 năm. Cụ thể, mỗi héc-ta mía nông dân sẽ được đầu tư 38 triệu đồng, bao gồm: mía giống, phân và công chăm sóc. Chính sách này sẽ đảm bảo cho người trồng mía có lãi và nhà máy cũng có sản lượng mía để hoạt động.

Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: Với phương án đầu tư mới của công ty sẽ đảm bảo cho nông dân có lãi, dù giá đường có giảm đi chăng nữa thì giá sàn bảo hiểm của công ty cũng cam kết thu mua cho bà con 1.000 đồng/kg. Ngoài việc đảm bảo về giá cả và đầu ra thì trong quá trình sản xuất, công ty sẽ hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác làm cho chữ đường bình quân đạt theo yêu cầu. Khi đó mía 10 CCS, lợi nhuận của bà con nông dân phải đạt hơn 15% chi phí sản xuất, đối với mía lưu gốc thì phải đạt được là 30% sau khi trừ chi phí sản xuất, để người dân gắn bó lâu dài với cây mía.

Nông dân chạy theo xu hướng của thị trường để gỡ gạc lại nguồn thu nhập sau nhiều năm lỗ lã với cây mía là điều dễ hiểu. Nhưng hướng đi này lại vô tình đã phá vỡ mối liên kết hàng chục năm nay giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngành chức năng cần có những định hướng và cách làm phù hợp để giúp vùng mía Phụng Hiệp phát triển bền vững.

Vụ mía 2021-2022, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 3.842ha, đạt 96,06% kế hoạch, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đa phần bà con thu bán mía chục, với giá từ 1.700-3.200 đồng/kg, năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>