Bảo vệ tốt diện tích sản xuất nông nghiệp

27/10/2021 | 08:43 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, nhờ dự báo, tiên liệu trước được tình hình và mức độ hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão mà ngành chức năng thành phố Vị Thanh đã có kế hoạch phòng chống kịp thời. Do đó, diện tích sản xuất nông nghiệp được bảo vệ tối đa, hạn chế ảnh hưởng.

Trạm bơm Tư Nghĩa được đầu tư, nâng cấp, giúp nguồn nước cung cấp cho diện tích sản xuất lúa của người dân được ổn định nhiều năm nay.

Ngay những ngày đầu năm 2021, thành phố Vị Thanh đã xây dựng kịch bản phòng chống hạn mặn bài bản. Từ đó, Kế hoạch số 13/KH-UBND của UBND thành phố Vị Thanh về phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2021 đã ra đời và nhận định đúng năm 2021 được dự báo là năm ít nước, dòng chảy lũ về đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Dự báo, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn, sâu hơn. Vì xác định phương châm phòng là chính, chủ động đề ra các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn nên ngành chức năng thành phố đã thực hiện thành công kế hoạch, góp phần giảm bớt được thiệt hại cho người dân.

Theo đó, các địa điểm trọng yếu đặc biệt được quan tâm gia cố, sửa chữa để vận hành hiệu quả, đạt đúng mục đích. Theo dự đoán, thực hiện theo chức năng, UBND thành phố và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chủ động phối hợp với các cấp thực hiện nhiều nội dung liên quan đến các hệ thống cống trên địa bàn. Đặc biệt là hệ thống cống của tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, vì đây là nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng khi có xâm nhập mặn xuất hiện. Theo đó, có 13 cống hở được vận hành đóng, mở theo dõi độ mặn trong và bên ngoài sông. Bên cạnh đó, tại xã Hỏa Tiến, Tân Tiến đã đóng 22 cống ngầm, 1 đập thời vụ kịp thời ứng phó tình huống. Bên cạnh đó, hệ thống cống tại đây và cống ngăn mặn Nam Xà No và Bắc Xà No đã vận hành trơn tru, hoàn tất việc đóng 5 cống hở vào những tháng đầu mùa nước mặn. Nhờ vậy, vào thời điểm tháng 3 năm nay, tuy nồng độ mặn tại các vị trí lên đến 11,2‰, đến sớm hơn so cùng kỳ năm 2020 nhưng được ngăn chặn kịp thời.

Để chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, thành phố Vị Thanh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa mới 3 đập ngăn mặn cải tiến, với tổng kinh phí thực hiện 900 triệu đồng. Thành phố đã đầu tư 3 trạm đo mặn tự động đặt tại kênh Lầu sông Cái Lớn (xã Hỏa Tiến), sông Nước Đục cặp kênh Mới (xã Tân Tiến) và trạm đo mặn sông Cái Lớn cặp cầu Cái Tư (xã Tân Tiến). Tại đây, các máy đo thường xuyên được bộ phận chuyên môn sử dụng khai thác số liệu để kịp thời cập nhật và thông báo với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố, cũng như kịp thông báo trên hệ thống truyền thanh của thành phố, giúp người dân nắm bắt và xử lý.

Bên cạnh đó, việc đầu tư các trạm bơm của thành phố cũng góp phần giúp người dân đảm bảo lượng nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Năm nay, thành phố Vị Thanh đã và đang giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng thực hiện nhiều công trình thủy lợi như: công trình nạo vét kênh Ranh tại phường III, kênh Rạch Lá ở phường VII, kênh Vành Đai ở xã Vị Tân với tổng mức đầu tư 500 triệu đồng.

Tại ấp 7, xã Vị Tân, nông dân Lưu Văn Minh đã giữ vững được diện tích sản xuất lúa 70.000m2 của gia đình nhiều năm nay. Đó là nhờ trạm bơm Tư Nghĩa được đầu tư từ năm 2017 với kinh phí 5 tỉ đồng, đã đảm bảo phục vụ nước cho 100ha lúa trong khu vực. Đáng mừng là hơn 1 năm qua, trạm bơm được nâng cấp, đầu tư thiết bị vận hành thông minh qua điện thoại với kinh phí hơn 250 triệu đồng đã giúp việc bảo quản, sử dụng hệ thống dễ dàng, thuận lợi hơn. Ông Minh bày tỏ: “Tôi là người được giao nhiệm vụ trông coi trạm bơm, năm 2019, trạm được đầu tư mới, sử dụng vận hành thông qua điều khiển bằng phần mềm trên điện thoại nên tôi đã tiết kiệm được công sức và hơn 2 giờ để vận hành. Thay vào đó, mỗi lần chỉ cần ấn nút, chỉ mất 5 phút là hoàn thành. Sự cải tiến này giúp cho việc bơm tưới nội đồng trong khu vực được nhanh chóng, đảm bảo lịch thời vụ cho bà con.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, thành phố có các con sông lớn nhận nguồn nước gần biển nên là nơi dễ chịu tổn thương nhất nếu có mặn xuất hiện. Nhất là năm 2016 được xem là năm nông dân sinh sống trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Để tình trạng này không tái lặp lại, các ngành chức năng thành phố đã và đang tập trung thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống hạn, mặn xâm nhập để người dân hiểu và tham gia tích cực vào việc phòng, chống khi tình trạng xâm nhập mặn xảy ra. Bên cạnh đó, cũng tích cực tham mưu thành phố tiếp tục đề xuất để tỉnh kiểm tra, rà soát, kịp thời bổ sung các nguồn lực từ nguồn cấp bù thủy lợi phí cũng như nguồn hỗ trợ cho đất lúa tiến hành gia cố các đập nhằm bảo vệ được nội đồng không bị mặn xâm nhập, giúp gìn giữ được diện tích cũng như sản lượng nông sản cho người dân.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>