Bảo tồn nguồn gen của tỉnh: Việc cần làm ngay !

23/02/2023 | 06:29 GMT+7

Đề tài “Xây dựng Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” là cơ sở để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững, hiệu quả các nguồn gen trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Cần sớm xây dựng đề án

Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Hậu Giang hiện có nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Ngành nông nghiệp Hậu Giang luôn quan tâm đến việc bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi và mong muốn thực hiện điều này. Thời gian qua, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều phương pháp nhưng chưa đi đến đâu. Do đó, tỉnh đang rất cần có một định hướng bài bản cho hoạt động này”.

Xây dựng đề án khung bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi tỉnh, là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được các ngành chức năng của tỉnh phối hợp triển khai thực hiện sớm. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ có khối lượng kiến thức chuyên môn khá lớn, với nhiều nội dung cần nghiên cứu sâu và thực hiện các cuộc khảo sát thực tiễn trước khi viết đề án và triển khai. Vì vậy, năm 2020, nhiệm vụ này đã được UBND tỉnh phê duyệt, đưa vào danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

Đề tài “Xây dựng Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, do TS. Nguyễn Đắc Bình Minh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) là tổ chức chủ trì, triển khai từ tháng 10-2020. Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành khảo sát 240 người thuộc các nhóm đối tượng để đánh giá thực trạng bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi tại tỉnh. Đa số người được khảo sát cho biết, họ nhận thấy rất cần thiết hoặc cần thiết trong việc bảo tồn nguồn gen các cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo khảo sát, hiện nay đa số nguồn gen cây nông nghiệp, cây rau, gia vị, cây ăn quả đều được lưu giữ trên đồng ruộng, vườn của hợp tác xã, hộ gia đình. Nguồn gen cây lâm nghiệp và đa dạng sinh học tập trung tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch sinh thái Việt - Úc, Khu thực nghiệm Hòa An,... Lung Ngọc Hoàng cũng là nơi lưu trữ nhiều nguồn gen cây dược liệu của tỉnh. Còn nguồn gen vật nuôi và thủy sản chủ yếu được lưu giữ trong hoạt động chăn nuôi tại địa phương.

Qua khảo sát, ban chủ nhiệm đề tài cũng đã xây dựng danh mục và lựa chọn nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ xói mòn, tuyệt chủng, cần được tỉnh ưu tiên bảo tồn. Trong đó, có một số loại được xếp vào mức độ nguy cấp và sắp nguy cấp như cây lúa ma, cây dưa leo xanh, cây sảnh, cây mướp hương, cây cà na, con cua đinh, cá he đỏ, cá chạch khoan,...

Vấn đề lớn, cần nhiều thời gian, kinh phí thực hiện

Trên cơ sở đó, đề tài đã xây dựng dự thảo Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự thảo đề án đã xác định danh mục 17 cây ăn quả; 7 cây thực phẩm; 2 cây rau, gia vị; 10 cây gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ; 24 cây dược liệu; 6 loài vật nuôi; 17 loài thủy sản và 10 loại nấm, vi sinh vật, cần được ưu tiên bảo tồn nguồn gen trong thời gian tới. Đồng thời, xác định phương pháp bảo tồn và định hướng hoạt động nâng cao năng lực quản lý bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ đề tài, ban chủ nhiệm đã đề xuất một số giải pháp để các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp thực hiện đề án trong giai đoạn tới. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen cây trồng, vật nuôi tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng bản thuyết minh khu bảo tồn nguồn gen ngoại vi của tỉnh. Đó là những nền tảng quan trọng để triển khai hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nguồn gen cây trồng, vật nuôi tại tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi là một vấn đề lớn, cần nhiều thời gian, kinh phí thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: “Các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có thể phối hợp với nhau trong bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Mỗi tỉnh, thành sẽ bảo tồn một vài nguồn gen đặc trưng, như Vĩnh Long bảo tồn nguồn gen bưởi Năm Roi, Tiền Giang bảo tồn nguồn gen xoài thanh ca, còn Hậu Giang bảo tồn nguồn gen khóm Cầu Đúc,... Ngoài ra, có thể phối hợp với các viện, trường trong khu vực để thực hiện điều này”.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tận dụng và phát huy hiệu quả những hình thức bảo tồn đang triển khai trên địa bàn. Cụ thể là quan tâm, đầu tư kinh phí cho các đơn vị đã và đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tại tỉnh. Ông Trần Bé Em, Trưởng phòng Khoa học và Bảo tồn, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: “Tại khu hiện nay có hình thành được vườn sưu tập thực vật và xây dựng một số chuồng cứu hộ động vật. Nếu đề tài này phối hợp ăn ý và liên kết với các cơ quan để phát huy việc sưu tập này sẽ rất phù hợp”.

Vừa qua, đề tài “Xây dựng Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được hội đồng cấp tỉnh nghiệm thu. Tuy nhiên, đề tài vẫn chưa thực sự kết thúc. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục bám sát tình hình thực tế, chỉnh sửa dự thảo đề án để trình phê duyệt, triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>