Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer

26/10/2023 | 09:04 GMT+7

Khi mới thành lập tỉnh, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm khoảng 40%, nhưng đến nay giảm còn hơn 13%. Kết quả đó là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp của tỉnh chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào, đặc biệt sự nỗ lực vươn lên, tự lực, tự cường của người dân.

Ông Lý Văn Ri hoàn thiện cửa để giao cho khách.

Điểm sáng thực hiện các chính sách dân tộc

Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tỉnh, với hơn 1.000 hộ, chiếm khoảng 35% số hộ toàn xã. Những năm đầu tỉnh mới thành lập, xã có trên 40% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, nhưng đến nay còn khoảng 18%, đời sống đồng bào ngày càng phát triển, số hộ khá giàu không ngừng tăng. Nổi bật, nhiều hộ có bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Đang sắp xếp một số cửa nhôm để giao cho khách ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, ông Lý Văn Ri, ở ấp 5, ngừng tay chia sẻ: “Khi mới làm nghề này tôi chỉ bán cho một vài hộ trong xã nhưng nay tay nghề nâng cao nên không ít người ngoài địa phương đến đặt hàng”.

Hộ ông Ri chỉ có hơn 1 công đất canh tác, trước năm 2015 do thiếu vốn nên không dám mạnh dạn đầu tư nuôi trồng.

Thực hiện một số chương trình, dự án, quyết định của Trung ương về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm... cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ ông được vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông sửa lại nhà, mở tiệm làm cửa nhôm, cửa sắt. Theo ông Ri, những năm 2015-2018 làm cửa nhôm, cửa sắt được nên mỗi tháng trừ chi phí lời khoảng 10 triệu đồng, đến năm 2018 hộ ông thoát nghèo.

Có vốn kha khá, năm 2020, tận dụng đất trống sau nhà, ông nuôi 5.000 con lươn. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, đồng thời giá lúc ấy khá cao nên sau khi bán, trừ các chi phí ông lời khoảng 50 triệu đồng.

Ông Ri cho biết: “Gia đình tôi có cuộc sống như hôm nay cũng nhờ Đảng, Nhà nước tạo điều kiện vay vốn làm ăn, tham quan học hỏi mô hình hay, hiệu quả trong sản xuất. Tới đây, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi lươn và mua một số dụng cụ phục vụ làm cửa nhôm, sắt để phát triển hơn”.

Cách đó không xa, hộ ông Lý Ni cũng thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

Hộ ông Ni chỉ có vài công đất, trước năm 2015, ông làm phụ hồ, vợ thì chăn nuôi. Tạo điều kiện cho ông phát triển kinh tế gia đình, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng cho ông vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông đầu tư mua giàn giáo phục vụ làm hồ; số còn lại mua 3 con heo nái về để giống.

Từ 3 con heo nái, mỗi năm cho ra khoảng 50 heo con, tất cả được ông giữ lại để nuôi heo thịt; tay nghề làm hồ cũng nâng lên mỗi ngày nên nhiều người mướn xây nhà. Hơn nữa, khoảng 5 năm nay, nhờ nuôi lươn thuận lợi, nên số lượng tăng dần, đến nay khoảng 50.000 con. Theo ông Ni, từ nuôi heo, lươn, thợ hồ mà khoảng 4 năm qua, trừ hết các chi phí ông lời trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Ni cho biết: “Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ thoát nghèo vì thiếu hụt nhiều thứ, nhất là vốn. Nhưng nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn nên mạnh dạn đầu tư, cuộc sống dần ổn định. Tới đây, không chỉ tiếp tục mở rộng diện tích, mà sẽ tạo điều kiện cho một số người có hoàn cảnh khó khăn trong xóm học làm hồ, nuôi lươn… nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Theo ông Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã bây giờ nhiều khởi sắc, đó là nhờ hiệu quả từ các chương trình, dự án, mà hơn hết người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất. Trước đây, mô hình 1ha/100 triệu đồng/năm đối với người dân Xà Phiên ít, nhưng nay vài ba công đất có mức thu nhập như thế không phải chuyện hiếm. “Đó cũng nhờ địa phương triển khai kịp thời các chính sách của Đảng dành cho đồng bào dân tộc Khmer trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, ông Khâm khẳng định.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua có những chuyển biến tích cực.

20 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án dành cho đồng bào gần 190 tỉ đồng. Nổi bật là thực hiện Quyết định 112 về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật; Quyết định 126 về hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất… mang lại nhiều hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đánh giá: “Những năm gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư. Nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã giảm đáng kể”.

Tới đây, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

“Chúng tôi còn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương những điển hình tiên tiến trong sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc tham gia thực hiện chính sách dân tộc. Làm tốt công tác tranh thủ, vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua Mặt trận và các đoàn thể nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời phát hiện giải quyết những bức xúc ở cơ sở”, ông Nguyễn Hoàng Triệu cho biết thêm.

Sự đổi thay về vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer hôm nay là minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, địa phương thời gian qua dành cho. Đây là động lực để đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>