Món quà tuổi 20 của ngành thương mại

07/11/2023 | 08:36 GMT+7

Gần 20 năm qua, lĩnh vực thương mại của tỉnh đã có nhiều bước tiến. Cơ sở hạ tầng dần được đầu tư khang khang, nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh của Hậu Giang đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước thông qua hoạt động xúc tiến thương mại và hình thức bán hàng trực tiếp lẫn gián tiếp.

Bài 1: Bước “nhảy vọt” hạ tầng thương mại

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển “nhảy vọt”, nhờ được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong tỉnh và khu vực lân cận.

Mặt hàng đa dạng, giá cả tương đối ổn định giúp các siêu thị trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều người tiêu dùng.

Dáng dấp chợ nông thôn “chuyển mình”

Đến với Khu trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố Ngã Bảy, cảm nhận đầu tiên là sự tấp nập, náo nhiệt của tiểu thương và người mua. Được đưa vào hoạt động từ năm 2018, đây là khu chợ rộng, đẹp, được đầu tư bài bản. Nơi đây không chỉ thu hút toàn bộ số tiểu thương từng bán ở chợ Ngã Bảy cũ mà còn có thêm các hộ kinh doanh mới tới đăng ký. Khu thương mại mới được quy hoạch gồm 2 nhà lồng chính của chợ, các gian chợ được phân ô để cho tiểu thương kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, điện lạnh, quầy thuốc...

Khu chợ tại trung tâm thương mại mới được xây dựng khang trang trên khuôn viên rộng rãi, ở vị trí phù hợp. Nơi đây không chỉ đảm bảo mỹ quan, mà còn đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân trong vùng. Dự án Khu trung tâm thương mại - dịch vụ thành phố Ngã Bảy có tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp Miền Nam làm chủ đầu tư. Tổng diện tích toàn khu khoảng 6.100m2, giai đoạn 1 có diện tích gần 4.000m2. Dự án gồm 2 dãy nhà phố và khu trung tâm thương mại với hơn 200 ki-ốt. Khi công trình này đưa vào sử dụng góp phần phục vụ nhu cầu mua bán, kinh doanh của người dân, đồng thời cũng tạo vẻ mỹ quan cho khu vực trung tâm chợ thành phố Ngã Bảy.

Từ khi được đưa vào hoạt động, Khu trung tâm thương mại - dịch vụ thành phố Ngã Bảy không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán, kinh doanh của người dân mà còn tạo vẻ mỹ quan cho khu vực trung tâm chợ thành phố.

Được bố trí chỗ ngồi bán hàng trong chợ, một tiểu thương chuyên bán các loại rau, củ cho biết: “Trước đây, có những hôm đến 7-8 giờ tối, tôi mới rời khỏi chợ vì mỗi khi kết thúc buổi chợ lại phải thu dọn hàng hóa. Bây giờ, được chuyển vào khu chợ mới, hàng hóa được phân thành từng khu riêng, hết buổi có ban quản lý chợ quản lý, bảo vệ nên tôi và các tiểu thương khác rất yên tâm”. Cách chia lô, mở lối đi trong chợ cũng rất phù hợp với thói quen mua sắm của người dân. Các lối đi rộng, buổi sáng chợ đông, người đi chợ gửi xe vào bãi. Còn buổi chiều, chợ vãng khách, nếu vội thì người dân có thể chạy xe vào chợ.

Còn tại chợ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, một nhà lồng trung tâm khang trang, kiên cố đã thay thế cho khu nhà lồng cũ xuống cấp. Đường sá xung quanh chợ rộng rãi, xe tải ra vào chở và giao hàng được. Các dãy ki-ốt mặt tiền hầu hết đều được đầu tư thêm kệ, cửa kéo, đóng trần nhựa. Chợ tổng cộng có 47 ki-ốt tại khu nhà lồng chính, ngoài ra chợ còn bố trí khu vực bán đồ tự tiêu tự sản ở vị trí phù hợp để bà con địa phương mang sản vật tự trồng được ra bán. Các dãy phía ngoài giáp với mặt đường chính vào chợ đều được đăng ký, thậm chí số tiểu thương đăng ký còn vượt qua số lượng ki-ốt. Có chợ mới, tiểu thương yên tâm vì nơi bán ổn định, kiên cố, mạnh dạn mở rộng kinh doanh, hàng hóa nhập về nhiều hơn.

Đối với chợ Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, là một trong những trung tâm lâu đời, có quy mô lớn nhất của thị xã. Toàn chợ có hơn 500 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, buôn bán với hệ thống quầy hàng, ki-ốt có đầy đủ các mặt hàng phục vụ đời sống người dân. Hoạt động bán buôn, bán lẻ ở chợ đã đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế của thị xã. Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, trong những năm qua, HTX quản lý chợ Long Mỹ đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa khu vực nhà lồng A và khu vực ăn uống với tổng kinh phí 2,3 tỉ đồng để các tiểu thương kinh doanh ổn định.

Bà Trần Thị Ngọc Trâm, tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Mỹ, cho biết: “Từ khi được nâng cấp, sửa chữa thì việc mua bán của bà con tiểu thương ở đây được ổn định hơn. Chứ hồi trước, bà con mua bán lụp xụp, phải lo che mưa, che nắng. Bây giờ có chỗ đàng hoàng, sạch sẽ việc trưng bày hàng hóa của tiểu thương cũng dễ dàng”.

Những chợ nông thôn phát triển với hạ tầng khang trang, thu hút dân cư tập trung đông, xu hướng tất yếu hình thành khu dân cư, thương mại, người dân kinh doanh, buôn bán, dịch vụ xung quanh chợ tạo thành một khu vực sầm uất, nhộn nhịp chứ không riêng gì khu nhà lồng buôn bán nhỏ. Dáng dấp các đô thị thu nhỏ hình thành từ đó. Mạng lưới chợ nông thôn phát triển còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng được thị phần của mình, đưa hàng hóa, nhất là hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn ngày càng nhiều hơn.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại

Diễn biến thị trường mấy năm gần đây đã phản ánh rõ nét xu hướng tất yếu của sự đổi thay về cách mua sắm và phong cách thương mại. Đó là sự ra đời của các trung tâm thương mại, hàng hóa bày bán đã được phân bố lại theo hướng ai lấy được lòng “thượng đế” hơn sẽ chiếm được thị phần nhiều hơn. Việc mua sắm theo xu hướng thương mại hiện đại đang không ngừng gia tăng cả chất lượng và số lượng. Trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư như chuỗi siêu thị Co.opMart, Vincom, các siêu thị chuyên doanh liên tục ra đời và đạt mức tăng trưởng không kém chợ truyền thống. Những siêu thị này, không chỉ có nhiều lợi thế không cần diện tích lớn mà mặt hàng đa dạng tại đây sẽ giúp người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, giá cả tương đối ổn định. Vì vậy, mô hình kinh doanh này đang trở thành xu hướng phát triển, không ngừng gia tăng.

Để khuyến khích phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, tỉnh đã bố trí nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, mở rộng mạng lưới phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh đã được mở rộng cả về số lượng và quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.

Trong bức tranh phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh, điểm sáng chính là hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm ngày càng gia tăng theo hướng hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại hạng III và 4 siêu thị hạng II đang hoạt động, trong đó có sự góp mặt của các “tên tuổi lớn” như Vincom, Điện máy Chợ Lớn, Điện máy xanh… Sự ra đời của các siêu thị không chỉ thay đổi thói quen mua bán truyền thống của người dân mà còn góp phần tạo nên một hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp hơn.

Đi vào hoạt động từ năm 2007, sản phẩm chủ lực mà siêu thị Co.opMart hướng tới là các nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng, tập trung 5 nhóm hàng chính như: thực phẩm công nghệ - đông lạnh, thực phẩm tươi sống chế biến - nấu chín, may mặc, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 siêu thị Co.opMart đang hoạt động tại thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy.

Từ đầu năm 2017, Trung tâm thương mại Vincom Plaza cũng đã có mặt tại Hậu Giang, đánh dấu bước phát triển mới về hạ tầng thương mại của tỉnh. Ở Vincom có hệ thống siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy hiện đại, khu ẩm thực và các khu vui chơi giải trí dành cho mọi lứa tuổi. Khách hàng có cơ hội mua sắm đầy đủ các mặt hàng thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước, đồ trang sức và phụ kiện, mỹ phẩm, đồ dùng thể thao, du lịch cũng như các mặt hàng nội ngoại thất, dụng cụ gia đình.

Nhờ vào sự đóng góp của hệ thống chợ, siêu thị mà ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh thời gian qua không ngừng tăng cao. 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thực hiện được 45.772 tỉ đồng, tăng 18,96% so với cùng kỳ và đạt 86,33% kế hoạch. Những tháng cuối năm, các ngành chức năng tỉnh và địa phương sẽ tăng cường thực hiện công tác quản lý thị trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, buôn bán hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 65 chợ đang hoạt động. Trong đó, có 6 chợ hạng 1, 7 chợ hạng 2, 50 chợ hạng 3 và 2 khu chợ đêm. Về tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn, đến nay đã xác nhận cho 3/8 huyện đạt tiêu chí số 7 về tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn cấp huyện. Trên địa bàn hiện có 1 trung tâm thương mại hạng III, 4 siêu thị hạng II, trong đó có 3 siêu thị kinh doanh thực phẩm và 1 siêu thị kinh doanh điện máy; 22 cửa hàng bách hóa xanh.

 

Bài, ảnh: Y.LINH

------------------

Bài 2: “Quả ngọt” xúc tiến thương mại

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>