Hậu Giang và khát vọng phát triển tuổi 20

28/10/2023 | 08:16 GMT+7

Bài 3: Chủ động đổi mới, sáng tạo, vươn lên tỉnh khá

Nửa nhiệm kỳ tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ Hậu Giang, Tỉnh ủy đánh giá đã đạt được nhiều kết quả nổi bật từ việc chủ động, sáng tạo, đổi mới trong ban hành Chương trình, Nghị quyết, Đề án cụ thể hóa Nghị quyết đến tổ chức thực hiện và đã mang lại nhiều kết quả.

Doanh nghiệp đến Hậu Giang tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Thành tựu đáng ghi nhận

Hơn 2 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, khẳng định một điều, nhờ tinh thần đoàn kết, đồng thuận, phong trào thi đua ở các cấp, các ngành được phát động sâu rộng, nên 18 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đều đạt kết quả từ 50% trở lên, đặc biệt có những chỉ tiêu bứt phá vươn tầm cao khu vực.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, phân tích: Trước tiên, phải nói đến ba nhiệm vụ đột phá được tỉnh cụ thể hóa bằng hệ thống nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện, như: Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn, chức danh lãnh đạo, quản lý; Đề án cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thực thi thể chế, chính sách, giai đoạn 2021-2025; Định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26-11-2021 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo…

Về 18 chỉ tiêu nhiệm kỳ, xây dựng Đảng là chỉ tiêu thứ nhất và kết quả nửa nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực khi Hậu Giang quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đi vào chiều sâu các mặt công tác “chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh. Khẳng định chính trị, tư tưởng đã đi trước “mở đường” cho những hành động tích cực, khát vọng phát triển; các nội dung xây dựng Đảng đã nêu đi vào đời sống chính trị, đời sống xã hội; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, đoàn kết, đồng thuận cao chung sức, chung lòng cùng hướng về lý tưởng cách mạng, xây dựng quê hương, đất nước phát triển phồn vinh.

Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp thành lập mới cũng như đầu tư vào Hậu Giang đã mang lại hiệu quả.

Đối với kinh tế, thành tựu đáng kể là tăng trưởng năm 2021, 2022 rất ấn tượng. Nếu năm 2021, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng với quyết tâm cao, hành động tích cực, kinh tế tỉnh đạt mức tăng trưởng 3,08%, đứng thứ hai trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cao hơn mức bình quân của cả nước và khu vực; thì năm 2022, với đà phục hồi kinh tế nhanh, cùng với các quyết sách hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hậu Giang đạt đến 13,94%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay, đứng thứ tư cả nước. Nếu bình quân thì vẫn cao hơn chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra là tăng trưởng 6,5-7%. Với kết quả đạt được trên cùng với dư địa phát triển, năm 2023, Hậu Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng trên 10%.

Các chỉ tiêu khác cũng ở nhịp độ tăng, tạo đà cho năm 2023 và các năm cuối nhiệm kỳ thêm chất lượng. Cụ thể là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng 20,49% so năm 2021, vượt 24,5% kế hoạch đề ra, thu nội địa tăng hơn 1.000 tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt gần 66 triệu đồng người/năm 2022, so năm 2021 là 58,4 triệu đồng.

Trong khi đó, chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế cũng ấn tượng không kém khi năm 2022 các khu vực kinh tế đều tăng trưởng trưởng tốt so năm 2021, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, khu vực I tăng 3,82%, khu vực II tăng 36,55%, khu vực III tăng 8,84%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội được cải thiện nhiều, đạt 19.400 tỉ đồng, tăng 11,94% so năm 2021, vượt 4,3% chỉ tiêu kế hoạch. Tính chung 2 năm thực hiện Nghị quyết lần thứ XIV, Hậu Giang huy động được 55.000 tỉ đồng, so với tổng chỉ tiêu nhiệm kỳ đặt ra là 99.000-100.000 tỉ đồng, nay đạt trên 55%.

Sau Đại hội lần thứ XIV, Hậu Giang cũng quan tâm chỉ tiêu cải cách hành chính (PAR INDEX), từ đó, năm 2022, tỉnh tăng 1 bậc, đạt 86,77/100 điểm, nằm tốp trên của nhóm tốt, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp vị trí thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đây là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Hậu Giang tăng cả về điểm số và thứ hạng; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tăng 26 bậc và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điều này minh chứng cho kết quả nỗ lực thực hiện các chỉ số cạnh tranh để góp phần đưa tỉnh phát triển, thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Hậu Giang xác định, cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tạo sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Các cấp chính quyền ngày càng gần dân, luôn lắng nghe và phục vụ ngày càng kịp thời nhu cầu của dân và doanh nghiệp. Các chỉ số tăng trưởng đều gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

 “Đến thời điểm này, khẳng định Hậu Giang tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV đạt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Những mục tiêu đột phá thực hiện bài bản; phát động thi đua thực hiện các chỉ tiêu cụ thể với số lượng, chất lượng, hàm lượng giá trị nhiều chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, cao hơn nhiệm kỳ trước, cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay”, ông Nghiêm Xuân Thành, nhấn mạnh.

Kinh nghiệm quý

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Đạt được những kết quả đáng phấn khởi nửa nhiệm kỳ qua, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị rất quan trọng. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh, Hậu Giang rút ra các bài học kinh nghiệm.

Một là, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước; sự tiếp thu, chọn lọc hiệu quả ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ.

Hai là, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Chỉ thị 01-CT/TW ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.

Thứ ba, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển toàn diện, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện của tỉnh; xác định mục tiêu chiến lược thật khoa học, xây dựng định hướng chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch đến từng chương trình, đề án, dự án cụ thể; lựa chọn hướng đi đúng, có bước đi thích hợp, đề ra được các nhiệm vụ, giải pháp đột phá. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; coi trọng tính cân đối, hiệu quả trong tất cả các khâu huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, huy động và kết hợp chặt chẽ các nguồn lực cho phát triển.

Thứ tư, tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, thường trực cấp ủy, trên cơ sở các nguyên tắc và Điều lệ Đảng, tất cả vì sự phát triển của tỉnh.

Thứ năm, phải xem công tác cán bộ là khâu quyết định, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có uy tín, năng lực, có khát vọng, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có tầm nhìn chiến lược, năng động, sáng tạo, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Thứ sáu, phải dựa vào dân, phát huy quyền dân chủ, tính chủ động sáng tạo của Nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến Nhân dân; đồng thời phải luôn quan tâm đến lợi ích của Nhân dân. Đảm bảo thực hiện nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Thường xuyên tổng kết thực tiễn và căn cứ vào thực tiễn để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp, đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích của Nhân dân, tạo động lực phát triển.

 “Những thành tựu, bài học kinh nghiệm quý báu nửa nhiệm kỳ qua là tiền đề rất quan trọng để thời gian còn lại của nhiệm kỳ, tỉnh nhà hoàn thành và hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, đưa Hậu Giang lên thành tỉnh phát triển khá, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc…”, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh.

Ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác. Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ. Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Trụ cột thứ ba là xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư.

 

HOÀI THANH - MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>