Hành trình bù đắp nỗi đau chiến tranh

05/05/2023 | 04:56 GMT+7

Từ khi thành lập tỉnh đến nay, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song Hậu Giang luôn chú trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần bù đắp nỗi đau chiến tranh mà các gia đình phải gánh chịu.

Những căn nhà tình nghĩa được xây dựng giúp gia đình chính sách có mái ấm an cư.

Trách nhiệm, đạo lý

Đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tươi (86 tuổi), ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, lúc này mẹ đang trò chuyện cùng người con dâu út. Mẹ Tươi cho biết cuộc sống của mẹ bây giờ tốt lắm, nhờ sự tận tình chăm lo của con cái trong nhà và chính quyền địa phương.

Đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng mẹ vẫn chưa quên được nỗi đau ngày đó khi hay tin chồng và con mãi mãi không về. Chồng của mẹ - liệt sĩ Đỗ Văn Lúa, tham gia cách mạng năm 1963. Vào ngày 5-9-1972 ông hy sinh. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, thì đến tháng 12-1974, mẹ lại khóc cạn nước mắt khi người con là liệt sĩ Đỗ Kim Mừng hy sinh trong trận đánh với kẻ thù. Trong những năm chiến tranh ác liệt, gia đình mẹ còn nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Hòa bình, gia đình mẹ được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ chăm lo của Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Đối với mẹ, những điều đó rất đáng quý, đáng trân trọng và là động lực giúp mẹ sống vui, sống khỏe. “Ngoài hưởng chế độ hàng tháng, cấp ủy, chính quyền còn thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần. Căn nhà của mẹ hôm nay luôn đầy ắp tiếng cười”, mẹ Tươi cho biết.

Còn ông Trịnh Văn Út, thương binh 2/4, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy cảm thấy phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương dành cho những gia đình chính sách như ông. “Lúc chiến tranh, là thanh niên chỉ muốn góp chút công sức để đánh đuổi quân giặc, chứ đâu có nghĩ đến chế độ này kia. Trong cuộc sống hôm nay, gia đình đã được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ dành cho người có công với cách mạng, vào dịp lễ, tết còn được mời họp mặt hoặc mọi người đến nhà thăm hỏi, động viên. Trước sự quan tâm này, gia đình chính sách chúng tôi rất ấm lòng”, ông Út bộc bạch.

Như bao thanh niên thời ấy, năm 1962 khi mới 16 tuổi, ông Út tham gia cách mạng. Năm 1970, ông chuyển qua Địa phương quân huyện Long Mỹ, đến 1974 tham gia Tiểu đoàn Tây Đô. Trong thời gian này, không ít lần ông đã bị thương và có hai lần bị thương rất nặng. Dù mang thương tích trên người, nhưng ông vẫn một lòng theo cách mạng, chiến đấu cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước.

Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được coi trọng từ tỉnh đến cơ sở. Vào các dịp lễ tết, kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ hàng năm, lãnh đạo các cấp tổ chức các đoàn đến các gia đình thăm hỏi, tặng quà, động viên. Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã được nâng cấp, tu sửa trở thành nơi tri ân, báo công với các anh hùng liệt sĩ của dân tộc…

Thể hiện trách nhiệm và thấm đượm truyền thống Hậu Giang

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Công tác rà soát, giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh được thực hiện nghiêm túc. Việc chăm lo cải thiện nhà ở, phụng dưỡng chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ưu đãi về giáo dục, y tế... luôn được thực hiện kịp thời.

Theo ông Võ Bảo Lộc, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy, với mục tiêu chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, thành phố Ngã Bảy đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Các hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được quan tâm, chú trọng góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, từ năm 2020 thành phố Ngã Bảy không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Toàn tỉnh có trên 35.700 người có công với cách mạng, trong đó có 12.504 liệt sĩ; 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt có 2.030 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”…

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, từng nhấn mạnh: “Cùng với chính sách chung của Nhà nước, các cấp trong tỉnh đã huy động thêm nguồn lực từ nội lực của tỉnh và xã hội hóa để bổ sung các chính sách góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Đây là những việc làm thể hiện trách nhiệm và thấm đượm truyền thống Hậu Giang tình đất, tình người. Nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nghĩa tình sâu nặng, tỉnh nhà sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động chăm lo để cuộc sống các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với nước ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn...”.

Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” mà cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đã và đang mang một nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần tăng thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tổ chức đưa, đón 821 người có công với cách mạng đi tham quan, điều dưỡng. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 6.900 căn nhà tình nghĩa, với tổng số tiền trên 221 tỉ đồng. Mỗi căn nhà được xây dựng, sửa chữa là sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội đem lại niềm vui cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>